Chiều nay, nhận được điện thoại của con trai mà bà cứ thẫn thờ. Thấy số con gọi, bà mừng thầm, nghĩ bụng “chắc chúng nó bắt đầu nhớ mẹ đây”, nhưng rồi nội dung cuộc trò chuyện chỉ xoay quanh tiền nong, khiến bà buồn. Con không thèm hỏi thăm mẹ một tiếng, chỉ quan tâm đến chuyện mẹ đã nhận lương chưa, gửi về cho nó dăm ba triệu để thanh toán tiền phân bón, lúa giống cho người ta. Khi nghe mẹ nói, cuối tháng sau mới có, nó vội vã cúp máy. Giá như, nó hỏi xem mẹ có còn đau lưng không, mẹ đã quen với cuộc sống trong ấy chưa, chắc bà cũng ấm lòng phần nào. Đằng này...
Năm nay, bà đã hơn 60 tuổi. Ở cái tuổi, người ta an nhàn hưởng thụ thì bà bắt đầu đi làm để tự nuôi mình. Nhiều người biết chuyện bảo bà nghĩ cạn quá, con mình đẻ ra nuôi lớn, giờ bắt chúng nó phụng dưỡng mẹ già, hơi sức đâu mà đi giữ con cho người ta.
Nhưng ai ở trong hoàn cảnh của bà mới hiểu được tường tận. Chồng mất năm bà mới 25 tuổi, để lại ba đứa con, hai trai một gái đang tuổi ăn tuổi lớn. Bà gắng sức lắm mới nuôi chúng đủ ăn chứ nói gì đến chuyện học hành. Sau này, thỉnh thoảng uống rượu vào, hai đứa con trai hùa lại trách mẹ sao không cho chúng học hành bằng người ta, giờ phải chân lấm tay bùn đến khổ. Bà nghe vậy chỉ biết nuốt nước mắt vào trong.
Cô con gái út vất vả lắm mới học xong cấp III rồi lấy chồng. Hai đứa con trai cũng lấy vợ nhưng cuộc sống không khấm khá gì vì đông con. Sức khỏe bà đã yếu đi nhiều sau những năm tháng lao lực nên không đỡ đần được việc đồng áng cho con. Công việc duy nhất bà có thể làm là trông cháu, phụ lo cơm nước và làm việc lặt vặt trong nhà. Vì thế, chuyện bà sống với gia đình đứa nào cũng được vợ chồng hai đứa con đem ra cân đo đong đếm kỹ lưỡng.
Ngày trước, khi con trai cả lập gia đình, bà chia cho một nửa đất và ruộng, con trai thứ hưởng phần còn lại. Nghĩa là, hai con trai hưởng phần thừa kế như nhau nên bây giờ, chúng nó cũng muốn nuôi mẹ ngang nhau: mỗi đứa một tháng cho công bằng. Bà như con thoi, được đưa qua đưa về giữa hai nhà, lúc mạnh khỏe thì không sao chứ lúc bà ốm đau, y như rằng, hai đứa lại cãi cọ. Bởi tiền thuốc không biết tính vào phần đứa nào vì ai cũng sợ phải chịu thiệt. Bà thấy đau lòng lắm, tuổi già khiến mẹ trở thành gánh nặng gây xào xáo anh em nó. Nhiều lúc cả nghĩ, bà muốn chết quách cho xong, đỡ phải làm khổ ai.
|
Cơ may đến vào một buổi chiều, bà đang cho cháu ăn ngoài sân thì có người bà con của hàng xóm trên tỉnh về chơi đi ngang qua ngõ, thấy bà dỗ cháu chơi ngoan, nên chép miệng “Giá như, tôi cũng được chăm cháu mình như thế”. Hỏi ra mới biết, con gái của bà ấy lấy chồng tận trong miền Nam, sinh xong không tìm được người giữ con, bà ngoại chưa đến tuổi nghỉ hưu nên không vào được. Mục đích của bà ấy về quê lần này cũng để tìm người vào trông cháu.
Có lẽ, chuyện sẽ trôi qua, nếu như tối hôm đó, nhà không hết sạch gạo, con dâu nói bóng nói gió nhà mấy miệng ăn mà chỉ có hai người làm thì sao mà đủ được. Đêm đó, bà trằn trọc không ngủ, loáng thoáng nghĩ đến chuyện đi trông con cho người ta. Nghĩ vậy thôi, chứ bà không dám quyết, bà thử hỏi ý các con xem sao, nào ngờ, cả hai đều phấn khởi ra mặt.
Chính con trai cả qua nhà hàng xóm để hỏi tình hình và thỏa thuận lương bổng cho mẹ. Cái giá bốn triệu đồng một tháng, bao luôn ăn ở làm gia đình hai đứa con bà xôn xao. Hai đứa con dâu sắm sửa cho mẹ đủ thứ từ quần áo đến đồ dùng. Bà đi làm giúp việc mà cứ như sắp được đi du lịch, không biết nên buồn hay vui.
Bà còn nhớ, tối hôm trước khi đi, bà rấm rứt nước mắt vì đứa con gái cứ khóc mãi. Nó thương mẹ già hay đau ốm, lại một thân một mình nơi xứ lạ, đi làm người ở cho người ta đâu sung sướng gì nên tìm cách cản lại. Nhưng thằng anh cả mắng át đi “Thôi cô ơi, nhất mẹ còn gì, mai được đi máy bay đấy, còn khóc lóc gì nữa, đợi tháng sau bà gửi tiền về mua sữa cho cháu nhé”. Vậy là bà ngậm ngùi ra đi.
Vào thành phố, thứ gì cũng lạ, bà mất gần một tháng mới quen được cách sống của chủ nhà. Cũng may, vợ chồng nhà người ta còn trẻ lại có học nên biết cảm thông. Công việc của bà không vất vả lắm, chỉ trông đứa bé mới hai tháng tuổi. Bà chăm sóc chu đáo, cẩn thận, cộng thêm tính thật thà nên được nhà chủ thương. Họ không xem bà là người ở mà đối xử như người thân trong nhà nên cuộc sống khá thoải mái.
Ngoài cơm ăn ba bữa, lúc nào bà mệt, mẹ đứa nhỏ còn mua thêm thuốc và sữa để bà bồi bổ. Thỉnh thoảng, cả nhà đi ăn nhà hàng hay đi du lịch đều mời bà đi cùng. Mới vào đây gần ba tháng mà trông bà có da có thịt hẳn ra. Mấy đứa con trai lúc đầu gọi điện liên tục nhưng khi nghe bà bảo, chủ nhà sợ bà bỏ về sớm nên thỏa thuận trả lương bốn tháng một lần thì các cuộc hỏi thăm cứ thưa dần.
Ban ngày, bận việc thì quên, chứ tối đến, nhìn nhà chủ vui vầy, bà lại thấy nhớ con, nhớ cháu, nhớ làng, nhớ xóm đến cồn cào. Bà vốn sống ở quê, dẫu ở đây ăn sung mặc sướng nhưng không thể nào bằng ở nhà. Lắm khi, thèm một miếng trầu mà không biết kiếm đâu ra, người già thường nhạt miệng muốn ăn chút mắm tự làm cũng không thể được.
Bà buồn lắm. Nhưng rồi, bà tự động viên, quyết định vào đây là đúng đắn, coi như mở lối thoát cho cả hai. Ở nhà, các con không phải nuôi mẹ chắc không còn cắn đắng nhau nữa, bà đỡ phải nghĩ ngợi nhiều vì mặc cảm ăn bám con.
Bà đang nhẩm tính, nhận lương đợt này sẽ gửi về cho mấy đứa con bao nhiêu. Có lẽ, bà cũng phải giữ lại một ít để phòng thân. Bởi bà già rồi, chẳng thể đi ở mãi được, đến khi đau ốm nằm xuống, không có tiền thuốc men thì khổ. Và biết đâu, khi bà về quê hẳn, có chút vốn trong tay, cuộc sống sẽ khác hơn. Bà nghĩ thế mà nước mắt rơi lã chã. Tính vậy thôi, chứ bà chưa giữ được đồng lương nào.
Hà Lam