Ba thách thức đối với kinh tế TPHCM

03/06/2022 - 06:56

PNO - Sáng 2/6, UBND TPHCM tổ chức hội nghị sơ kết tình hình kinh tế, xã hội tháng Năm, 5 tháng đầu năm 2022 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp trong tháng 6/2022. Hội nghị đã chỉ ra ba thách thức đối với kinh tế TPHCM, gồm tác động tiêu cực từ giá xăng, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, xuất nhập khẩu chững lại.

 

 

Giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào… liên tục tăng  khiến chi phí sản xuất nhiều ngành hàng tăng cao  (ảnh chụp tại Công ty Vissan) - ẢNH: ĐĂNG THƯ
Giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào… liên tục tăng khiến chi phí sản xuất nhiều ngành hàng tăng cao (ảnh chụp tại Công ty Vissan) - Ảnh: Đăng Thư

Theo các đại biểu, kinh tế TPHCM chịu nhiều tác động của các xung đột chính trị trên thế giới và sự tăng giá xăng dầu trong nước. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - phân tích, trước đây, giá các mặt hàng thường ổn định từ 6 - 12 tháng nhưng giờ đây, doanh nghiệp (DN) nước ngoài chào giá nguyên liệu chỉ trong một tháng. Theo thống kê, trong 5 tháng qua, các cơ quan của TPHCM cấp phép thành lập cho hơn 17.200 DN với tổng vốn đăng ký gần 227.000 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số giấy phép tăng 12,5% nhưng vốn giảm 18,8%. Điều này cho thấy quy mô DN ở TPHCM đang giảm và nhỏ hơn mức trung bình cả nước.

Ông Nguyễn Khắc Hoàng - Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM - cho hay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TPHCM chỉ đạt 13,5% so với kế hoạch vốn được giao năm 2022. Ngoài ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá nguyên vật liệu đầu vào cũng đang là trở ngại rất lớn. 

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Kho bạc Nhà nước TPHCM - chia sẻ, nhiều nhà thầu e ngại rằng “càng làm càng lỗ” nên chỉ làm cầm chừng. Họ đang chờ có chính sách điều chỉnh giá nguyên vật liệu hoặc điều chỉnh giá hợp đồng thầu trước đây.

Theo các đại biểu, UBND TPHCM cần quan tâm, tháo gỡ điểm nghẽn về giải ngân vốn đầu tư công, coi đây như một nhiệm vụ hàng đầu, trọng tâm để phát triển kinh tế, xã hội. Việc giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các dự án sẽ góp phần tạo sự năng động và sôi động hơn cho thị trường.

Trong 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các DN qua các cảng của TPHCM đạt hơn 17 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, đây là con số “không đáng mừng” khi so sánh với một số địa phương lân cận. Ông nói: “Đồng Nai tăng 14%, Bình Dương tăng 11,6% nên mức tăng của TPHCM là quá thấp”. Theo ông, UBND TPHCM, các đơn vị liên quan cần rà soát nguyên nhân của tình trạng này.

Đồng tình, đại diện Cục Thuế TPHCM cho rằng, mặc dù đóng góp thuế vào GDP của thành phố tăng 2,03% nhưng mức tăng thấp so với các tỉnh xung quanh. Cần có các chương trình đẩy mạnh tiêu dùng hàng sản xuất trong nước. Lĩnh vực thương mại điện tử cho thấy, hàng trong nước vẫn đang tìm đầu ra nhưng lượng hàng nhập khẩu lại khá lớn. Điều này là không tốt cho nền kinh tế.

Các đại biểu cho rằng, cần có các chính sách giảm tối đa chi phí điều hành và thủ tục hành chính, giấy phép con để gỡ khó cho DN trong nước. 

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho hay, kinh tế TPHCM có mức tăng trưởng khá trên các lĩnh vực. Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 5,6%. Tổng thu ngân sách nhà nước trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 209.000 tỷ đồng, đạt 54,28% dự toán năm, tăng 19,52% so với cùng kỳ năm 2021.

Phong Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI