Ba ‘quy tắc vàng’ khiến nhà êm bếp ấm

29/03/2018 - 09:38

PNO - “Huynh đệ như thủ túc/vợ chồng như y phục”. Không có người vợ nào muốn một ngày nào đó bộ y phục hôn nhân của mình sẽ lỗi mốt vì sự bất bình đẳng vô tiền khoáng hậu không phải từ cô ấy.

Điều trước tiên là chuyện tiền.

Chậc, vấn đề này nhạy cảm nhất đây, nhạy cảm đến nỗi có nuôi dưỡng tình yêu, hạnh phúc được hay không thì chín mươi phần trăm đã nhờ nó. Anh từng nói rằng, anh được như ngày nay là do cha mẹ anh nuôi dạy, cho ăn học. Vậy nên sẽ tự chi dùng tiền kiếm được của anh cho mọi yêu cầu của họ nhà anh. Vậy chẳng lẽ vợ anh là cô gái dốt nát, thân cô ấy là… trên trời rơi xuống hay sao mà không do cha mẹ nuôi dưỡng? Tại sao cô ấy phải gồng gánh áo cơm của gia đình nhỏ này, không được thăm nom cha mẹ đồng quà tấm bánh bằng câu cửa miệng của anh “gái có chồng phải lo cho chồng” trong khi anh mặc nhiên hàng tháng biếu cậu A., dì X., mợ E. đến từng chai dầu thơm nam, lọ nước hoa nữ.

Ba ‘quy tac vang’ khien nha em bep am
Bình đẳng là nấc thang tới hạnh phúc. Ảnh minh họa

Giá như khi quyết định những điều đó, anh chỉ cần nói qua cô ấy một tiếng như “Anh định thế này… gửi về cho nhà nội, em thấy có được không?”. Đảm bảo, cô ấy sẽ mua sắm thứ còn đắt giá hơn thứ anh dự định. Bởi cô ấy thấy mình được chồng tôn trọng.

Điều thứ hai là các mối quan hệ xã hội.

Anh và vợ cùng đi làm việc nên việc gặp người khác giới và chụp chung hình là chuyện bình thường. Anh không có tính trăng hoa, nhưng cái cách chụp hình với người nữ nào cũng choàng tay qua vai/eo. Anh bảo, đó là để tạo thiện cảm, dễ làm việc. Mà người ta không phản ứng thì thôi, em “mất mát” gì mà ý kiến ý cò dữ vậy? Thôi, xem như cô ấy tạm chấp nhận.

Nhưng tới khi cô ấy chụp chung với một người nam nào đó, dù đó là ảnh nhóm, chứ chưa từng chụp riêng. Thì anh bắt đầu bóng gió, “Em à…không phải anh cấm em chụp ảnh với đàn ông. Mà quan trọng là em phải giữ thể diện cho bản thân mình và chồng nữa. Tấm hình này mà phát tán ra ngoài, thiên hạ sẽ đặt câu hỏi, bộ chồng em tệ bạc gì lắm sao mà em đi chụp với cả đống đàn ông vậy?”.

Ba ‘quy tac vang’ khien nha em bep am
Cô ấy không biết sống sao cho vừa lòng. Ảnh minh họa

Mặc cô ấy thanh minh đó là do nhu cầu công việc. Anh cũng từng như vậy mà! Anh bảo “Đàn ông khác, đàn bà khác”. Cô ấy tức, xóa phăng đi mấy tấm hình vừa chụp, anh vẫn không tha “Quan trọng là em có xóa trong đầu em không kìa”. Cô ấy muốn nói, mấy tấm hình này chưa từng lưu vào đầu nên không cần phải xóa. Chỉ là không biết làm sao xóa những lời cằn nhằn chì chiết của anh.

Vấn đề thứ ba mà cũng là quan trọng nhất. Là những lời nói hàng ngày với nhau.

Anh buột cô ấy phải “gọi dạ bảo vâng” để làm gương cho con cái. Thật ra điều ấy cũng không khó lắm. Nhưng anh chẳng bao giờ có lời nói nào cho ra vẻ tôn trọng cô ấy. Mà toàn là những câu khẩu hiệu kiểu ra lệnh. Hoặc có khi bực dọc gì đó, anh còn “mày tao” với cô ấy nữa.

Cô ấy chịu đựng, chịu đựng… mãi cho đến khi con hiểu biết phân biệt xung quanh. Một lần, anh quát cô ấy, lý do vì chén nước mắm quá ít ớt, anh ăn không ngon. Con trẻ bất bình “Sao mẹ dạ thưa với bố mà bố nói chuyện như giang hồ vậy?”. Anh nghĩ sao?

Anh ạ, vẫn biết “huynh đệ như thủ túc/vợ chồng như y phục”. Nhưng cũng có những bộ y phục đã thành quốc phục. Không có người vợ nào muốn một ngày nào đó bộ y phục hôn nhân của mình sẽ lỗi mốt vì sự bất bình đẳng vô tiền khoáng hậu không phải từ cô ấy.

Kim Cúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI