Bà Phạm Phương Thảo - rời chính trường về gia đình: Làm đủ thứ như mọi… bà

18/05/2023 - 09:53

PNO - Giờ, bà về nhà rồi thì thế nào? Mọi người thích nghe “thống kê”, thì đây: “Đi chợ. Nấu ăn. Giữ cháu. Đủ thứ như mọi… bà”.

Bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó bí thư Thành ủy TPHCM
Bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó bí thư Thành ủy TPHCM

Bà Phạm Phương Thảo từng giữ nhiều chức vụ cao: Phó bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch HĐND TPHCM, đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy… Trở về đời thường, bà không có khoảng nào hẫng hụt. Từ xưa, người dân đã quen thấy bà hay đi xe đạp. Có lần, bà quăng cả xe máy đầu phố để lao vào hiện trường, tham gia giải quyết vụ cháy lớn tòa nhà thương mại. Dân tự động cất giữ xe  giùm bà.

Bà vẫn làm báo cáo viên cho các nơi về những vấn đề của thành phố, đất nước và con người. Có khi bà được mời đến làm khách mời trong các lớp học của cán bộ làm truyền thông, do Hội Nhà báo Việt Nam - bộ phận phía Nam tại TPHCM tổ chức. Họ hỏi bà đủ thứ, kể cả về chuyện làm người phụ nữ trong đời sống  bình thường. Bà viết báo cũng rất chuyên nghiệp!

Bà Phạm Phương Thảo đang vui vẻ trả lời phỏng vấn tại lớp học của Hội Nhà báo Việt Nam
Bà Phạm Phương Thảo đang vui vẻ trả lời phỏng vấn tại lớp học của Hội Nhà báo Việt Nam

Hỏi về áp lực khi toàn phải trả lời chất vấn, bà kể chuyện vui làm cả lớp cười ồ. Đó là lúc bà đang trên sóng mà có người nhắn gấp, “chỉnh” bà “ngày thường đẹp gái vui tươi mà giờ chủ tọa ngồi mặt mũi… căng thẳng thế?”. Thì ra, bà con quan sát “bà hội đồng” trả lời chất vấn không chỉ chú ý nội dung mà người ta còn ngắm bà rất kỹ. Đường dây nóng trực tiếp truyền hình, chỉ 5 phút xong 1 câu hỏi, làm gì có chuyện dễ dàng. Căng thẳng lắm!

Giờ, bà về nhà rồi thì thế nào? Mọi người thích nghe “thống kê”, thì đây: “Đi chợ. Nấu ăn. Giữ cháu. Đủ thứ như mọi… bà”.

Là một phụ nữ, nhân loại gọi phái yếu, vậy làm thế nào giữ lửa mà vẫn nữ tính? Có tiếc nuối tuổi trẻ không? Câu hỏi bà hay bị “xoay” nhất: làm thế nào hài hòa được khi phụ nữ làm… quan lớn? Bà Phạm Phương Thảo cho biết, nhà không thuê người giúp việc, mọi thứ đều tự chia nhau làm.

Lắng chút rồi bà bộc lộ tâm sự sâu sắc về gia đình: “Nếu có kiếp sau, tôi vẫn muốn được làm phụ nữ. Mỗi gia đình đều có điểm mạnh - yếu, nhưng tôi muốn gắn bó mãi mãi với gia đình yêu thương của tôi như hiện có”.

Cách bà giữ hình ảnh trước công chúng, có mất nhiều thời gian tiền bạc lắm không? Có “chuyên gia tư vấn lo hình thức” không? Bà Thảo cho biết bà “cố gắng để… coi được trước công chúng trong các cuộc tiếp xúc, đi báo cáo chuyên đề… Làm cán bộ chính trị thì cố không quá thời trang, cũng không được tuềnh toàng luộm thuộm. Áo dài là ổn. Có bữa bà con xem ti vi rồi gửi cho cả áo dài. Giờ hết làm lãnh đạo thì đem cho bớt. Tính tôi tiết kiệm ngay khi đương chức, có nhiều dịp nhưng không tận dụng đi nước ngoài, chiêu đãi tiệc tùng bằng tiền ngân sách”.

Bây giờ bà đi chợ, dù đeo khẩu trang người bán hàng vẫn nhận ra. Bác giữ xe còn không chịu lấy tiền. Ngay cả vị Tổng lãnh sự Mỹ đi bộ cũng nhận ra bà lãnh đạo xưa tiếp mình, đã có lần còn cùng gặp nhau nơi hiến máu nhân đạo.

Có người tò mò hỏi “sao kiểu tóc cắt ngắn không bao giờ thay đổi”, bà Thảo cười rộ vui lắm, khoe “tóc tự làm, vì đâu có biết nhiều kiểu đâu”.

Bà tập thể dục đều đặn theo công thức “tự chế hợp với mình”: vận động nhiều, đi bộ 6.000-8.000 bước chân như bà con vẫn tập. Đi xe đạp. Sức khỏe ổn. Con cái đi làm đời công chức. Ông xã phụ giúp ổn, hòa thuận. Bí quyết thì như dân gian dạy thôi: quý trọng, tình thương, trân trọng gìn giữ gia đình. Có công thức chung rồi, tùy mỗi nhà “chế biến” dùng hợp cho mình là được.

Bà ít khi kể chuyện chồng hay khen chê kiểu phụ nữ thường sẵn lòng nói về chồng con. Chồng bà - anh Bảy Tỷ - tên mọi người gọi thân mật dù biết lúc làm việc ông cũng “làm lớn“ ở Ban Tổ chức - Chính quyền thành phố. Ông còn chở vợ bằng xe máy đi thăm lễ tết bạn bè, có khi đến chung cư, ông chờ vợ ở dưới cổng khiến bà con nhìn thấy bảo “hết hồn”.

“Anh Bảy hiền hậu, giản dị mộc mạc, ít đòi hỏi, sống có trách nhiệm, giúp đỡ vợ con”. Khi bị hỏi dồn, yêu cầu nói về chồng, bà Thảo chỉ tóm một câu như vậy.
Là một người lãnh đạo, chịu sự chất vấn thường xuyên thế mà bà Phạm Phương Thảo lại rất kiệm lời trong đời sống. Bà dễ cười nhưng lại tự nhận: “Ông xã hiền, mát dịu; còn tôi… nóng”. Nghe lạ quá!

Sau cùng, bà dặn tôi: “Này, đừng có viết gì nhé.  Còn nếu “bị” viết thì phải… giảm đô, không được khen tô vẽ gì đấy nhé!”. 

Nguyễn Thị Ngọc Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI