Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa trao quyết định bổ nhiệm các nhân sự chủ chốt của ban. Trưởng ban Ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, bà Phạm Khánh Phong Lan - nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - đã có trao đổi với báo Phụ Nữ về trọng trách này.
|
Bà Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: Internet. |
"Tôi dị ứng với tháng an toàn, tuần lễ an toàn"
* Xin bà cho biết, vấn đề mà bà quan tâm nhất ở cương vị mới là gì?
Bà Phạm Khánh Phong Lan: Ngay trong tháng Ba này, chúng tôi sẽ tập trung xử lý ngay những vụ việc mà người dân phản ánh. Đồng thời, xây dựng đội ngũ thanh tra của ban đến từng quận huyện dựa trên các cơ sở có sẵn của ngành y tế trước đây. Ngoài ra, các chợ đầu mối, quản lý thực phẩm theo chuỗi an toàn cũng là mối quan tâm hàng đầu của tôi.
Bởi nếu như ở góc độ vi mô, thực phẩm ban đầu đã sạch nhưng chỉ vì một người hay một đơn vị chế biến thức ăn bẩn, thì chỉ ảnh hưởng trong một gia đình hoặc lớn hơn có thể gây ngộ độc cho một bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng vẫn có thể khu trú, kiểm soát được. Và hậu quả xảy ra cũng chỉ ở mức độ ngộ độc vi sinh , có thể chữa trị bằng thuốc và
khỏi ngay.
Thế nhưng, ở góc độ vĩ mô, khi thực phẩm đã nhiễm độc ngay từ nguồn nuôi trồng rồi, ví dụ như chất tạo nạc chẳng hạn, thì dù cho chế biến sạch cỡ nào cũng để lại hậu quả rất lớn. Ở mức độ này, xảy ra ngộ độc mạn tính, tích tụ trong cơ thể mới thực sự nguy hiểm.
Một điều khiến tôi cũng băn khoăn vào lúc này, đó là khi nghĩ về đối tượng dễ tổn thương nhất trong hiện trạng thực phẩm thiếu an toàn như hiện nay, đó là sinh viên, học sinh và công nhân. Trong kế hoạch làm việc, chúng tôi cũng phải nghiên cứu để tham mưu cho UBND thành phố những chính sách để doanh nghiệp có thể đưa được thực phẩm sạch đến cho công nhân, sinh viên, bếp ăn tập thể với giá cả hợp lý.
Bên cạnh đó, chúng tôi đặt ra những kế hoạch ngắn hạn trong năm. Sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm. Và chắc chắn công việc của ban sẽ phải tiếp tục với quy mô lớn hơn, ở mức độ quyết
liệt hơn.
* Do tập hợp từ nhiều sở ngành, vậy ban có khó khăn gì về nhân sự và điều hành,
thưa bà?
- Chắc chắn trong thời gian đầu chúng tôi sẽ có những khó khăn. Đặc biệt thủ tục hành chính, nội việc chuyển hệ công chức, viên chức... rồi trước đây là nhân sự thuộc các chi cục, đơn vị sự nghiệp nhưng bây giờ về ban rồi bố trí về các phòng... Nhưng tôi tin những khó khăn này không là rào cản lớn. Vấn đề chỉ là tổ chức sắp xếp lại theo nguyện vọng, khả năng của từng người theo hệ thống mới.
* Hiện bà có "vũ khí" gì trong tay để đáp ứng kỳ vọng của người dân trong vấn đề ATTP?Chúng tôi đã nghiên cứu để làm gối đầu. Vừa sắp xếp tất cả các bộ phận, vừa hoàn thiện bộ máy tổ chức, vừa tiến hành công việc chứ không phải ngồi đó đợi đến lúc hoàn thiện bộ máy rồi mới bắt tay vào việc. Bộ máy của ban được xây dựng trên cơ sở gọn nhẹ, hiệu quả chứ không thể là những công chức theo nghĩa "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về".
- Đừng nghĩ tôi sẽ có "thượng phương bảo kiếm" hay "cây đũa thần" nào trong tay. Tất cả phải bắt tay vào mà làm thôi. Hiện vẫn còn khuyết một vị trí phó ban. Nguyên tắc của tôi khi làm bất cứ cái gì cũng phải có sự thống nhất trong toàn ban. Một con én không làm nên
mùa xuân.
Tôi cũng rất dị ứng với những kiểu "tháng hành động", "ra quân" vì ATTP... bởi nó chỉ nặng về hình thức. Vấn đề thực phẩm là chuyện hàng giờ, hàng ngày của người dân. Do đó, lúc nào cũng phải theo dõi nguy cơ ngộ độc, luôn luôn sẵn sàng xử lý mọi tình huống. Ở nghĩa này, thì "vũ khí" hiện nay của chúng tôi mới chỉ có lực lượng thanh tra. Tuy nhiên, việc thanh kiểm tra chỉ giải quyết phần ngọn, mang tính răn đe. Cái chính như đã nói, phải tiếp tục xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn từ nguồn.
Dĩ nhiên, "vũ khí" lợi hại nữa là truyền thông. Với người dân, chắc chắn vẫn phải tăng cường thông tin để người dân ý thức hơn trong vấn đề ATTP. Nói ra điều này chắc nhiều người sẽ ngán ngẫm. Tuy nhiên, do cách thông tin của chúng ta còn mang nặng tính tuyên truyền nên chưa mang lại hiệu quả. Cùng với báo chí, tôi sẽ xây dựng trang web của ban nhằm công khai các hành vi vi phạm Luật An toàn thực phẩm.
Đừng làm khó, đánh đố
* Có thể triệt tiêu được hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thưa bà?
- Việc này hiện khá nhức nhối trong những năm gần đây. Nhưng chúng ta nên ghi nhận, khi có vụ việc nào đó bị phát hiện, tất cả dư luận xã hội đều đồng thanh lên án, rõ ràng tình hình cũng đã có những chuyển biến. Tuy nhiên, hiện vẫn có người sử dụng những chất cấm với mục đích làm chất tạo nạc hay những mục đích khác...
Ban đầu, thậm chí giữa các bộ ngành còn chưa thống nhất được với nhau. Một "bên" cho là số lượng chất cấm trên thị trường quá lớn và đã bị người dân lạm dụng. Nhưng "bên" còn lại cho rằng tôi nhập khẩu về để sản xuất dược phẩm... Bây giờ đã có những chuyển biến lớn, các bộ vào cuộc quyết liệt để giải quyết vấn đề này.
Chúng ta phải siết lại trong chuyện nhập khẩu nguyên liệu. Cần kiểm soát tốt để tất cả những hóa chất nhập khẩu phải được bán cho doanh nghiệp có chức năng sản xuất, bào chế thuốc. Thứ hai là đội ngũ quản lý thị trường, hệ thống hàng rào thuế quan, hải quan... phải tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý những trường hợp nhập lậu hóa chất.
Cần giám sát chặt, không thể để người sản xuất, kinh doanh tiếp cận quá dễ dàng với những chất cấm này. Hệ thống kiểm nghiệm phải trang bị những công cụ test, những kỹ thuật kiểm nghiệm mới để phát hiện ra những chất cấm. Khi kiểm tra có trọng tâm phát hiện thì phải xử lý thật nghiêm. Đồng thời, phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát chuỗi thực phẩm. Việc này đi từ khâu sản xuất đến bàn ăn. Khi kiểm soát tốt thì cũng có nghĩa là kiểm soát được
chất cấm.
* Bà sẽ tránh làm điều gì nhất trong tư cách Trưởng ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm?
- Tránh làm khó, đánh đố người dân cũng như doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm. Tôi sẽ công khai tất cả mọi giấy tờ, thủ tục và có hướng dẫn liên quan ATTP, theo kiểu "diễn nôm" bình dân nhất cho ai đọc cũng có thể hiểu và thực hiện.
Hiện TP.HCM có đến 1.059 sản phẩm thực phẩm theo phân loại. Tuy nhiên, ở cấp bộ chỉ mới ban hành được 50 quy chuẩn. Do đó, ban có nhiệm vụ phải đề xuất chuẩn cho thành phố để kiểm tra. Theo tôi, nếu mục đích của bạn là quản lý vì công ích thì khi ban hành các quy chuẩn, phải đưa ra cái phù hợp để người dân có thể thực hiện.
Phụ nữ đóng vai trò lớn trong kế hoạch hành động của ban
* Bà cần gì nhất trước áp lực kỳ vọng vào Ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm?
- Tôi nghĩ là lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm vấn đề ATTP cho người dân và đã chỉ đạo hết sức quyết liệt. Cho nên tôi cũng chỉ mong được tiếp tục nhận được các chỉ đạo quyết liệt này. Không chỉ chỉ đạo, lãnh đạo thành phố còn là nơi để ban gửi gắm, tham mưu những đề xuất chính sách với các bộ, ngành. Làm sao đi từ thực tế của TP.HCM, chúng ta có những điều chỉnh, hoàn thiện về mặt thể chế, chính sách giúp cho quá trình triển khai pháp luật ATTP được tốt, hiệu quả hơn.
Mặt khác, chúng tôi sẽ tham mưu với lãnh đạo thành phố để có chính sách khuyến khích, giúp đỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập thể, cá nhân, đơn vị làm thực phẩm sạch và thẳng tay xử lý những nơi sản xuất kinh thực phẩm bẩn.
Cần thấy rõ, trong những năm qua công tác truyền thông, thuyết phục người dân nói không với thực phẩm bẩn, nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe đã có được bước tiến khá dài. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải có chiến lược toàn dân tham gia bảo vệ sức khỏe, toàn dân chống thực phẩm bẩn. Ví dụ khi phát hiện những vụ việc tiêu cực, những hành vi vi phạm ATTP, hãy thông báo cho chúng tôi để cùng giám sát, xử lý
tốt nhất.
Cuối cùng, tôi cũng muốn nói rằng, đối tượng đau đáu trước tiên về vấn nạn thực phẩm bẩn chính là phụ nữ. Bởi thế, họ là đối tượng số một mà ban hướng tới. Trước mắt, ban sẽ phối hợp với Hội LHPN TP.HCM để có những chương trình cụ thể như giới thiệu chuỗi thực phẩm sạch, hướng dẫn cách sử dụng thực phẩn an toàn và dinh dưỡng cho bếp ăn gia đình... Chúng tôi muốn qua chị em như là "kênh thông tin" tốt nhất để huy động sức mạnh truyền thông đến từng gia đình về ATTP.
* Xin cảm ơn bà và kính chúc bà thành công trong cương vị mới.
Quốc Ngọc (thực hiện)