Ba ông bố nổi tiếng trò chuyện về gia đình: 'Tôi không phải đang giúp đỡ, tôi là một phần của ngôi nhà này'

28/06/2019 - 09:51

PNO - Nhà văn Hoàng Anh Tú, nhà báo Hoàng Minh Trí, bình luận viên bóng đá Trương Anh Ngọc đều khẳng định: Giữ lửa gia đình không phải là trọng trách của riêng đàn bà, mỗi cá nhân phải xem mình là một phần hành trình hạnh phúc.

Chuyện tình yêu, hôn nhân, gia đình luôn hiện hữu và đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời của mỗi người. Trò chuyện với ba ông chồng đồng thời cũng là ba ông bố nổi tiếng, để hiểu hơn rằng, giữ lửa gia đình không phải là trọng trách của riêng đàn bà, mà chính mỗi cá nhân trong gia đình phải tự phân công cho mình, xem mình là một phần của hành trình hạnh phúc.

Ba ong bo noi tieng tro chuyen ve gia dinh: 'Toi khong phai dang giup do, toi la mot phan cua ngoi nha nay'
Nhà văn Hoàng Anh Tú: Không nên rạch ròi rằng phụ nữ hay đàn ông phải là người “giữ lửa”, ai có thể và làm tốt điều đó thì nên làm

Không nên phân định rạch ròi

Phóng viên: Xã hội đưa ra định nghĩa “giữ lửa” và mặc định đó là trách nhiệm của phụ nữ. Các anh có thấy rằng điều đó thực sự vô lý?

Nhà báo Hoàng Minh Trí: Tôi hoàn toàn đồng ý là việc giữ lửa, hay như cách gọi của tôi là bảo dưỡng hôn nhân, là việc cần làm của cả vợ lẫn chồng. Tất nhiên, sự mềm mại, khéo léo của người phụ nữ sẽ là yếu tố quan trọng trong “công tác” bảo dưỡng này. Ví dụ việc gợi ý đi ăn tối bên ngoài, đi nghỉ cho gia đình, sắp xếp việc cho con cái… để vợ chồng có cơ hội bên nhau nhiều hơn cần được lèo lái bởi người phụ nữ và sự đồng tình của người chồng. Nếu cứ khăng khăng đó hoàn toàn là việc của phụ nữ thì rất vô lý và không công bằng.

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Tôi nghĩ không nên phân biệt rạch ròi rằng phụ nữ hay đàn ông phải là người “giữ lửa”, ai có thể và làm tốt điều đó thì nên làm. Được cả hai càng tốt và đừng phân chia, đừng tị nạnh nhau. Hạnh phúc là cùng nhau thật nhưng không phải 50/50.

Bình luận viên bóng đá Trương Anh Ngọc: Người phụ nữ phải đóng vai trò chính trong việc xây dựng và bảo vệ gia đình, chăm sóc chồng con và làm việc nhà là một quan niệm rất phong kiến. Ngôi nhà, hay đúng hơn, cái hồn của nó - gia đình - phải là "công việc chung và hằng ngày" của các thành viên trong đó. Tôi hoàn toàn phản đối các quan điểm cũ kỹ cho rằng đó là việc chủ yếu của người vợ. Đàn ông đừng nói rằng vì tôi đi làm, kiếm tiền, vất vả trăm bề lại còn chịu sức ép nọ kia, nên tôi về nhà phải được nghỉ ngơi, được vợ “hầu hạ”. Thực tế, nhiều ông rất chăm uống bia, rời văn phòng là ra quán; chẳng quan tâm đến vợ con ở nhà ăn uống, sinh hoạt thế nào.

Ba ong bo noi tieng tro chuyen ve gia dinh: 'Toi khong phai dang giup do, toi la mot phan cua ngoi nha nay'
Bình luận viên Trương Anh Ngọc: Tôi tham gia mọi công việc trong cái gọi là “chuyện nhà”. “Giữ lửa” là công việc hằng ngày, của cả hai phía

Việc nhà gắn kết mọi thành viên gia đình

* Vậy cụ thể các anh thực hiện nhiệm vụ giữ lửa cho nhà mình như thế nào?

- Nhà báo Hoàng Minh Trí: Tôi sống cùng mẹ, chị gái và các cô từ nhỏ. Có lẽ vì vậy, tôi có được sự nhạy cảm và cách cư xử nhẹ nhàng. Tôi đảm đương được rất nhiều việc nhà. Khi làm việc nhà tôi thấy hạnh phúc, hay nói cách khác là tôi rất “yêu nghề”. Không chỉ vợ mà cả mẹ tôi cũng thấy vui khi tôi làm những công việc đó vào những ngày cuối tuần. Thật ra làm việc nhà gắn kết mọi thành viên trong gia đình. Rất vui đấy. 

Tôi cũng hay chủ động gợi ý gia đình đi nghỉ ở đâu hoặc khi có khoản thu nào bất ngờ, tôi thường nhắn vợ khẩn trương đặt lịch đi chơi cho cả nhà. Việc thay đổi không khí rất quan trọng. Thậm chí nếu ngại đi xa thì cả gia đình tôi có thể thuê khách sạn để ở, con cái bơi lội, buổi tối ăn nhà hàng với nhau. Đó là những chi tiết nhỏ để giữ lửa cho gia đình. Chúng ta nên chủ động thay đổi; khi thấy quen và thích rồi sẽ coi đó là việc hiển nhiên.

- Nhà văn Hoàng Anh Tú: Như tôi nói, trong nhà tôi không phân công nhiệm vụ mà là mạnh ai nấy làm - ai mạnh nấy làm. Chúng tôi không nề hà với nhau. Chúng tôi làm mọi thứ không phải vì trách nhiệm mà vì đó là hạnh phúc chúng tôi đang cùng nhau xây đắp. Chúng tôi không tị nạnh nhau vì chúng tôi làm nhiều hay làm ít đều là làm vì cuộc sống chung của vợ chồng ba đứa con cùng hai gia đình lớn ở đằng sau.

Bình luận viên Trương Anh Ngọc: Tôi tham gia mọi công việc trong cái gọi là "chuyện nhà", từ dọn dẹp nhà cửa đến chuyện đi chợ và bếp núc. Những chuyện ấy tôi luôn làm cùng vợ và không coi đó là hỗ trợ, phụ giúp mà đó là việc của mình. Giữ lửa còn cả ở chuyện tình cảm. Đó là công việc hằng ngày, cả hai phía sẽ cùng thực hiện.

Ba ong bo noi tieng tro chuyen ve gia dinh: 'Toi khong phai dang giup do, toi la mot phan cua ngoi nha nay'
Nhà báo Hoàng Minh Trí: “Bảo dưỡng hôn nhân” là việc cần làm của cả vợ lẫn chồng

- Nhà văn Hoàng Anh Tú: Tôi không định nghĩa về gia đình. Tôi chỉ biết rằng mình có một gia đình. Tôi không biết nó sẽ thế nào và cũng không có ý định phải làm gì để nó thành gì, tôi chỉ đơn giản là sống cho nó, vì nó. Gia đình là một thứ trừu tượng nhưng cũng lại là một thứ đơn giản. * Định nghĩa của riêng các anh về gia đình là như thế nào? 

- Nhà báo Hoàng Minh Trí: Khi đã trở thành người đàn ông trung niên tôi mới thấy trân quý từng phút bên gia đình. Tôi luôn cố về nhà sớm nhất, ở nhà lâu nhất, dọn dẹp, chơi với con, hỏi thăm mẹ, mua cái này cái nọ về nhà... Gia đình rất quan trọng, chắc chắn là như vậy.

Nó không sờ thấy được, không nhìn thấy được, không mô tả được. Nhưng nó lại thật và rõ ràng. Nếu buộc phải mô tả, tôi nghĩ gia đình chính là không khí bao quanh mỗi con người sống trong gia đình đó. Không khí ấy trong lành hay ô nhiễm là tùy ở cách mỗi thành viên trong đó cư xử với nhau thế nào.

- Bình luận viên Trương Anh Ngọc: Với tôi, đó là nơi ta trở về sau những chuyến đi, ta hướng đến mỗi khi đi xa, ta yêu thương khi ở bên. Đó chính là nền tảng bền vững để mỗi cá nhân trong xã hội sống một cách tích cực và luôn hướng đến cái thiện.

Ba ong bo noi tieng tro chuyen ve gia dinh: 'Toi khong phai dang giup do, toi la mot phan cua ngoi nha nay'
Bình luận viên Trương Anh Ngọc

* Đời sống gia đình nghiêng bên nào cũng chông chênh như chơi trò bập bênh. Theo các anh, vai trò của người đàn ông là gì để có thể giữ cho nhà mình luôn cân bằng? 

- Nhà báo Hoàng Minh Trí: Phụ nữ không nên đặt kỳ vọng quá cao vào chồng mà nên mềm mại, uyển chuyển “giáo dục” chúng tôi biết cách yêu thương gia đình bằng hành động. Nhiều khi đàn ông vô tâm, vô tư dễ làm tổn thương hoặc gây buồn cho gia đình chứ không phải vì họ hư hỏng. Khi yêu thương, đàn ông sẽ biết cân bằng để mọi thành viên trong nhà vui vẻ, hạnh phúc. Mỗi gia đình một hoàn cảnh không thể áp dụng chéo cho nhau được. Tôi tin như vậy.

- Nhà văn Hoàng Anh Tú: Tại sao chúng ta cần phải cân bằng? Tôi không hiểu tại sao mọi người cứ phải tìm đủ mọi cách để mọi thứ cân bằng để rồi càng cố thì nó lại càng mất cân bằng. Chỉ khi lòng thiên vị ta mới thấy phải tìm cách cân bằng. 

- Bình luận viên Trương Anh Ngọc: Người đàn ông có thể không có được sự tinh tế, nhạy cảm như người phụ nữ, đôi khi còn sống vô tâm (tôi là một ví dụ) nhưng cũng là một trong hai người có nhiệm vụ điều hòa và cân bằng các mối quan hệ gia đình. Không có sự đồng cảm, thấu hiểu và lắng nghe giữa cả hai sẽ không có được sự cân bằng cần thiết. Thường thì cánh đàn ông rất hay đưa ra nhiều lý do để trút phần gánh nặng về việc xây dựng tổ ấm lên người phụ nữ, trong khi trên thực tế, phần đóng góp của họ vô cùng lớn.

Ba ong bo noi tieng tro chuyen ve gia dinh: 'Toi khong phai dang giup do, toi la mot phan cua ngoi nha nay'
Nhà báo Hoàng Minh Trí

Người cha tử tế sẽ giúp con trai anh ta trở thành người đàn ông tử tế 

* Làm cha chưa bao giờ là công việc dễ dàng. Trong mắt con, các anh có vai trò như thế nào?

- Nhà báo Hoàng Minh Trí: Các con tôi rất yêu bố, chắc vì tôi chiều và không bao giờ mắng chúng. Tôi coi con như bạn thân, các con cũng vậy. Thỉnh thoảng đọc bài văn con viết về bố mới biết con yêu mình như thế nào.

- Nhà văn Hoàng Anh Tú: Tôi vẫn luôn cho rằng, vai trò của người cha trong gia đình vô cùng quan trọng. Gia đình có ổn hay không tùy thuộc vai trò của người làm cha. Một người cha tử tế sẽ giúp con trai anh ta trở thành một người đàn ông tử tế. Một người cha tử tế sẽ giúp con gái anh ta tìm thấy hạnh phúc đích thực với một người đàn ông tử tế giống bố mình. Ngược lại, một người cha không ra gì có thể sẽ khiến con trai anh ta cũng sẽ không ra gì vì đứa trẻ học từ chính anh ta. Con gái anh ta có nguy cơ sẽ sai lầm tiếp nối sai lầm khi chọn người đàn ông để yêu, để làm chồng mai này. 

- Bình luận viên Trương Anh Ngọc: Con tôi gần mẹ hơn cha. Vì tôi bận rộn và hay xa nhà nên vợ tôi có ảnh hưởng rất lớn đối với con. Thế nhưng, con tôi rất yêu quý tôi. Đối với con, tôi là một người của công việc nhưng cũng là một người cha của gia đình.

Ba ong bo noi tieng tro chuyen ve gia dinh: 'Toi khong phai dang giup do, toi la mot phan cua ngoi nha nay'
Nhà văn Hoàng Anh Tú rất nổi tiếng với các bài viết về gia đình

Thời gian cho gia đình: chất lượng quan trọng hơn số lượng 

* Đi chơi với gia đình phải ngừng mọi thứ bên ngoài. Cũng rất khó khăn giữa thời đại mọi điều cứ sôi sục xung quanh chúng ta thế này. Các anh có “ngừng mọi thứ khi cùng cả nhà ra ngoài” không? 

Nhà báo Hoàng Minh Trí: Có chứ. Tôi hay nói rằng, kim nào kim nhọn hai đầu. Vui thì chỉ vui được một chỗ, nhất là khi đang vui với gia đình thì nên gạt mọi công việc, bực dọc bên ngoài. Nhiều lần đi nghỉ cùng gia đình, tôi đều mang theo máy tính để làm việc nhưng rồi máy tính cứ ở yên trong túi suốt hành trình. Với tôi, hiện tại không có niềm vui nào lớn hơn việc tận hưởng những điều hay ho, thú vị bên vợ con.

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Thời gian chất lượng cho gia đình luôn là thứ tôi đang nỗ lực thực hiện. Bất kể đi chơi hay ở nhà, mỗi phút, mỗi giây bên nhau, tôi luôn muốn nó trở nên chất lượng nhất. Không phải con nói mà bố nghe khi tay vẫn lăm lăm điện thoại. Không phải bố nói mà con vẫn nghe nhưng mắt không rời ti vi. Không phải nói cho nhau nghe mà là nghe nhau nói. Kể cả những phút mỗi người một chiếc điện thoại thì vẫn không ai được quên rằng mình đang ở cạnh nhau. 

- Bình luận viên Trương Anh Ngọc: Điều này rất khó thực hiện, nhất là đối với những người bận bịu như tôi. Thế nhưng, tôi không để công việc ảnh hưởng đến các chuyến đi của gia đình. 

Ba ong bo noi tieng tro chuyen ve gia dinh: 'Toi khong phai dang giup do, toi la mot phan cua ngoi nha nay'
Nhà văn Hoàng Anh Tú

* Có hàng ngàn việc không tên mà phụ nữ phải gánh gồng trong nhà. “Đó là việc của đàn bà” - đàn ông luôn nghĩ thế. Các anh có chủ động gánh thay vợ đoạn nào không bởi chỉ cần giúp một chút, vợ sẽ đỡ mệt một chút?

- Nhà báo Hoàng Minh Trí: Tôi làm được gần hết, ngay cả làm bếp. Hôm nào vợ đi làm về mệt mà vẫn muốn nấu ăn tôi sẽ gạt ngay, bảo cô ấy đi nghỉ.

- Nhà văn Hoàng Anh Tú: Để trả lời câu hỏi này, tôi xin trích dẫn một status tôi đã đăng trên Facebook của mình mấy hôm trước:

“Tôi không giúp vợ tôi nấu cơm vì tôi cũng muốn ăn và tôi cũng cần phải nấu.
Tôi không giúp vợ rửa bát sau khi ăn vì tôi cũng dùng những món đó.
Tôi không giúp vợ trông con vì chúng là con của tôi và tôi có trách nhiệm làm cha.
Tôi không giúp vợ rửa bát, phơi hay gấp quần áo, bởi đó cũng là quần áo của tôi và các con.
Tôi không phải đang giúp đỡ, tôi là một phần của ngôi nhà này...".

(Malik Edwards, một người đàn ông bình thường sống ở Australia)

- Bình luận viên Trương Anh Ngọc: Đó không phải là việc của đàn bà mà là việc của cả gia đình, mỗi người đóng góp theo cách của mình, theo sự phân công của các thành viên. 

Lê Khôi (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI