"Ba ơi, tại sao mẹ lại chết?”

11/10/2020 - 06:02

PNO - Cơn bão COVID-19 ập đến bất ngờ đã cướp đi người thân của hàng ngàn gia đình trên khắp thế giới. Từ ký ức, những người ở lại vượt qua nỗi đau để tiếp tục hành trình cuộc đời.

 

José Collantes Navarro bế con gái đến thăm mộ vợ anh một tháng sau tang lễ
José Collantes Navarro bế con gái đến thăm mộ vợ anh một tháng sau tang lễ

“Vì sao mẹ lại chết?”

Mắt đỏ hoe vì khóc, José Collantes Navarro (36 tuổi) không thể kiềm chế và gục đầu vào tường khi chứng kiến người bạn đời của mình được chôn cất tại nghĩa trang ở thủ đô Santiago (Chile). Vợ anh, Silvia Cano Campos đã thua trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Đối với nhiều người trải qua đại dịch và mất đi người thân như anh Collantes, bi kịch vẫn kéo dài và cuộc sống của họ không bao giờ trở lại như trước.

"Ba ơi, ba ơi, tại sao mẹ lại chết?”, cô con gái năm tuổi Kehity khẽ hỏi Collantes. Tại Chile, một trong những quốc gia Mỹ Latinh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, trường hợp như gia đình Collantes không hiếm. Trên toàn thế giới, cảnh ly biệt thường là khởi đầu của một hành trình cá nhân mới, cho những người ở lại.

Collantes nói rằng anh bị ám ảnh bởi những câu hỏi rằng tại sao Cano chết mà không phải là anh khi cả hai đều nhiễm vi-rút. Liệu bệnh viện có sơ suất nào không? Hay phải chi anh có thể đưa vợ đi khám sớm hơn?

José Collantes Navarro sụp đổ khi nhìn những công nhân đào huyệt cho người vợ vừa qua đời
José Collantes Navarro sụp đổ khi nhìn những công nhân đào huyệt cho người vợ vừa qua đời  

Collantes nhiễm vi-rút vào cuối tháng Tư và là người đầu tiên trong gia đình mắc căn bệnh chết người. Không muốn lây truyền cho vợ con, anh đã tự cách ly tại một trong những khách sạn mà chính phủ thiết lập cho bệnh nhân COVID-19. May mắn, anh chỉ biểu hiện các triệu chứng nhẹ.

Khi rời khách sạn vào tháng Năm và đi đón vợ tại nơi làm việc, anh nhận thấy vợ mình không khỏe. Lúc ấy, Collantes cũng không nghĩ đến khả năng Cano bị nhiễm vi-rút. Năm ngày sau, Cano nhờ chồng chở đến bệnh viện.

Cano đến trung tâm y tế vào ngày 17/5, được chẩn đoán bị cúm và cho về nhà. Dù vậy, cô khẳng định mình bị đau lưng và không thở được nên quay trở lại trung tâm y tế vào ngày 19/5 và được chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi.

Collantes không bao giờ nhìn thấy vợ mình kể từ đó, mặc dù họ đã nói chuyện qua điện thoại trước khi tình trạng của cô trở nên quá nặng. Khi Cano nằm viện, lần đầu tiên Collantes phải chăm sóc con và quán xuyến nhà. Qua điện thoại, Cano còn hướng dẫn chồng cách nướng bánh mì cho con gái.

Một ngày, các bác sĩ gọi để nói rằng Collantes cần đến bệnh viện gấp, Cano sắp không qua khỏi. Vào ngày 14/6, cô được tuyên bố đã chết.

Kehity không khóc kể từ khi mẹ qua đời và Collantes cảm thấy cần phải cho con gái một lời giải thích rõ hơn về những gì đã xảy ra. Anh cũng cần học cách “gà trống nuôi con” từ đây. Dù khó khăn, anh chắc chắn rằng mình “sẽ không bỏ cuộc”. 

Lời nhắn để lại

Bradley Wagoner tìm thấy một đoạn video lưu trong điện thoại của vợ sau khi vợ anh qua đời tại bệnh viện giữa đại dịch COVID-19. Mỗi sáng thức dậy, anh lắng nghe đoạn video và bật khóc nhưng vào buổi tối, đó chính là cánh cổng kết nối anh với ký ức của cả hai, cùng lời "chúc ngủ ngon" như thường lệ.

Người vợ quá cố của Bradley, Stephani Wagoner, nhắn lại với anh trên video: “Bradley, anh luôn là duy nhất, người mà trái tim em thuộc về và khiến em mỉm cười trong những ngày u ám nhất. Anh đã cho em ba đứa con xinh đẹp và một cuộc sống tươi đẹp. Ý nghĩ phải nói lời tạm biệt với anh là điều đau khổ nhất mà em nghĩ trái tim mình có thể chịu được”. 

Stephani (26 tuổi) quay đoạn video vào ngày 29/7, hai tuần trước khi cô qua đời. Người mẹ trẻ phải nhập viện vì bệnh viêm loét đại tràng, căn bệnh mà cô chiến đấu suốt nhiều năm qua. Dù vậy, nỗi sợ hãi về COVID-19 khiến cô không muốn đến bệnh viện sớm hơn. Anh thổ lộ: “Nếu không phải vì đại dịch, cô ấy có thể đã vượt qua. Những điều này có thể thay đổi nhưng cô ấy đã rất lo lắng khi đến bệnh viện vì sợ nhiễm COVID-19 và mang mầm bệnh về cho các con”. Sau khi Stephani nhập viện, Bradley không thể đến thăm vợ vì lệnh giãn cách.

Bradley thức dậy vào một buổi sáng giữa tháng Tám khi cảnh sát đến gõ cửa, báo tin dữ rằng vợ anh đang hấp hối. Đáng tiếc, Stephani đã qua đời trước khi Bradley kịp đến. Bradley rơi nước mắt: “Tôi không bao giờ nghĩ điều này đến đột ngột như vậy, khoảnh khắc đau lòng nhất là lúc trở về nhà và nói với bọn trẻ rằng mẹ chúng sẽ không bao giờ về nữa”.

Người cha đơn thân hiện đang gặp khó khăn khi giải thích sự mất mát cho ba đứa con: 6 tuổi, 4 tuổi và 3 tuổi: “Chúng muốn gọi cho mẹ và hỏi về mẹ bất cứ khi nào nhớ mẹ. Tôi phải nói rằng điều đó là không thể, ngay cả khi trên thực tế bản thân tôi cũng muốn được gặp lại Stephani lần nữa”.

Bradley Wagoner và vợ Stephani trong một khoảnh khắc hạnh phúc trước đại dịch
Bradley Wagoner và vợ Stephani trong một khoảnh khắc hạnh phúc trước đại dịch

Những đứa trẻ bị bỏ lại

Khi nước Mỹ vượt qua cột mốc 200.000 người chết vì đại dịch, nỗi đau dường như ảnh hưởng đến cả một thế hệ: một cậu bé tại bang Ohio chưa biết nói chỉ có thể đặt nụ hôn lên bức ảnh của người mẹ đã khuất vì COVID-19. Một đứa trẻ mới biết đi ở New Jersey mà vài tháng trước là trung tâm của bữa tiệc sinh nhật vui vẻ, giờ đang điều trị tâm lý vì mất cha. Ba chị em ở Michigan mất cả cha lẫn mẹ...

Với 8/10 nạn nhân tử vong do COVID-19 tại Mỹ từ 65 tuổi trở lên, những người trẻ tuổi tưởng như an toàn vượt qua đại dịch. Thế nhưng trong số những người chết có vô số bậc cha mẹ và các con của họ trở thành nhóm nạn nhân gián tiếp.

Micah Terry (11 tuổi) ở Clinton Township, bang Michigan, nhớ về những lúc cha đến xem lớp học karate, dắt cậu đến chỗ làm hay cùng trốn mẹ đi ăn gà viên và xem phim. Vào những lúc buồn nhất, Micah nhắc về cha cả ngày. Trong khi đó, người anh trai Joshua (16 tuổi), trở nên trầm lặng khi nỗi đau ập đến, truyền cảm xúc của mình vào cây đàn piano mà cha để lại. Joshua nói về Marshall Terry III, người cha qua đời vào tháng Tư: “Cha luôn là người bạn thân nhất. Mục tiêu của tôi bây giờ là làm cho cha tự hào khi ngắm nhìn gia đình mình từ trên trời".

Zavion (4 tuổi) và Jazzmyn (2 tuổi) được anh chị em “khác cha, khác mẹ” đón về sau cái chết của mẹ Lunisol Guzman (50 tuổi) ở bang New Jersey. Cô Guzman nhận hai đứa trẻ làm con nuôi vào vài năm trước, không hề nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ ra đi đột ngột vì bệnh tật. Vì vậy, hai người con khác của cô, Katherine và Jennifer Guzman, đã nhanh chóng quyết định yêu cầu quyền giám hộ hai em khi mẹ qua đời. 

Ba đứa trẻ nhà Wagoner còn quá nhỏ để hiểu rằng mẹ chúng đã ra đi mãi mãi vì COVID-19
Ba đứa trẻ nhà Wagoner còn quá nhỏ để hiểu rằng mẹ chúng đã ra đi mãi mãi vì COVID-19

Katherine nói: “Những đứa trẻ này là một phần gia đình của chúng tôi. Đối với chúng tôi, thứ quan trọng nhất là tình cảm". Người chị lớn nói rằng, Zavion và Jazzmyn đều rất kiên cường nhưng thỉnh thoảng lại thốt ra cùng một câu đơn giản đến đau lòng: "Em nhớ mẹ".

Hiện không có số liệu thống kê nào về số lượng trẻ vị thành niên mất cha mẹ do đại dịch nhưng con số này có thể lên đến hàng ngàn trường hợp tại Mỹ. Một số trẻ hiện sống ở nhà của ông bà, anh chị em, họ hàng hoặc trung tâm bảo trợ. 

Tuy Việt Nam đã hai lần vượt qua đại dịch thành công, thế giới ngoài kia vẫn đang ngày ngày chống chọi với bóng ma COVID-19. Những gì mà đại dịch để lại có thể ảnh hưởng đến cả một thế hệ hoặc nhiều hơn nhưng vượt qua nỗi đau lớn nhất, mỗi cá nhân lại học cách tiếp tục cuộc sống của mình, phấn đấu để yên lòng người đã khuất. 

Ngọc Hạ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI