''Ba ơi, mình đi đâu?'': Lá thư viết trong bóng tối của nhà văn ăn khách nhất nước Pháp

23/07/2020 - 07:25

PNO - Là một tác giả trào phúng nổi tiếng, ở tuổi 70, lần đầu tiên, Jean-Louis Fournier viết về hai cậu con trai tật nguyền của mình trong tự truyện ''Ba ơi, mình đi đâu?''.

 Được viết dưới dạng một bức thư, Ba ơi, mình đi đâu? là những chiêm nghiệm, chia sẻ chân thành của một người đàn ông 70 tuổi dành cho Mathieu và Thomas - hai đứa trẻ được sinh ra không giống những đứa trẻ bình thường khác.

Lá thư gửi tới hai đứa con khuyết tật

Với Ba ơi, mình đi đâu?, Jean-Louis Fournier đã tiết lộ mọi cảm xúc của mình thay vì lẩn trốn đằng sau một chiếc mặt nạ sáo rỗng. Ông viết lại những thanh âm đời thường ngay trong bóng tối định mệnh với sự ra đời của hai người con khuyết tật. Thông qua các chi tiết ngắn, mạnh và sắc, Jean-Louis Fournier quản lý nỗi đau của mình bằng sự hoài nghi và hài hước. 

Việc ông thỉnh thoảng thấy tiếng Brum, Brum phát ra từ cậu con trai èo uột, không thể đi, đứng, nói, đọc, viết… của mình, thật đáng yêu, cũng là một cách “hóa giải” sự cay nghiệt của chính mình. Có lúc ông lại mỉa mai sự bất hạnh của bản thân bằng việc nói về những điều ông không cần lo lắng vì có hai đứa trẻ tật nguyền. Ông không phải lo định hướng nghề nghiệp cho chúng, không phải giáo dục giới tính, hay kể với chúng về tình yêu… Mỗi lần ngồi trong xe, cậu con trai thứ hai luôn hỏi “Ba ơi mình đi đâu thế?”, đến trăm lần, ông nhận ra đó là điều khiến cậu vui nhất, bởi thế ông luôn cười và nhẫn nại trả lời.

Nhà văn Jean-Louis Fournier
Nhà văn Jean-Louis Fournier

Mặc dù là một người cha tận tụy, nhưng Jean-Louis Fournier cũng không ngại khám phá những giới hạn trong tình yêu của mình đối với các con. Trong thư gửi cho hai người con, ông đã kể lại vô số lần tràn ngập thất vọng của mình khi nhìn thấy hai đứa trẻ tật nguyền, thiểu năng. Ông tự hỏi liệu có phải ông đang bị trời phạt hay không? Tài năng của ông, danh tiếng của ông, có ý nghĩa gì khi đời đã hai lần giáng cho ông sự tuyệt vọng?

Jean-Louis Fournier đã trung thực bày tỏ trong cuốn sách rằng có đôi lần ông trải qua những trạng thái tưởng như rất nhẫn tâm, dù nó chỉ đến trong suy nghĩ. Có lẽ, chỉ những người cha người mẹ có con khuyết tật mới có thể thấu hiểu trạng thái này.

Những khoảnh khắc đấu tranh ấy, bạn có thể bắt gặp ở một phân đoạn trong vở kịch Sự lụi tàn của nhân tính, khi mỗi khán giả ở đó được yêu cầu bỏ phiếu về việc Jacob Nossell có quyền sống hay không? Khi biết con bị khuyết tật từ trong bào thai, bạn chọn sinh hay bỏ con?

Lựa chọn nào cũng là một cuộc tranh đấu, nhưng nó có đáng phê phán hay không, đôi khi chỉ người trong cuộc mới có thể thấu suốt. Đối với cha mẹ của những đứa trẻ khuyết tật, Ba ơi, mình đi đâu? sẽ mang đến một chút giải thoát khỏi sự nặng nề kéo dài thêm mỗi ngày, để có thể tự cười và nắm lấy những cảm xúc của mỗi đứa trẻ ấy.

Đối với những người đọc bình thường, cuốn sách là một lát cắt về những cảnh đời không thể tưởng tượng nổi; mang đến một cái nhìn cảm thông, chia sẻ với bậc cha mẹ có con khuyết tật, do đó giúp thế giới hiểu họ hơn. Đọc Ba ơi, mình đi đâu?, ngay lập tức bạn có thể bước vào tâm trí và cuộc sống của Fournier hay những người như Fournier - một phần mảnh ghép tạo tác nên thế giới này.

Đối diện với thực tại bằng cách nào?

Chất hài hước đen mà tác giả sử dụng trong cuốn sách Ba ơi, mình đi đâu? khiến câu chuyện càng trở nên “nặng nề”. Điều này đã gây nhiều tranh cãi, bởi dường như thế giới không xem đó là những câu chuyện đáng để cười. Theo truyền thống, con người vẫn thích tìm kiếm sự u buồn và đồng cảm, hay nghị lực và đồng cảm, như những bộ phim về người khuyết tật: Wonder (tựa Việt: Điều kỳ diệu), hay Naturens Uorden (tựa Việt: Khuyết tật bẩm sinh)… Những đứa trẻ này đều có cơ hội để chọn sống tốt.

Thế nhưng, ngay việc “Choose Kind” (tạm dịch: Hãy chọn sống tốt), một trong những thông điệp dành cho người khuyết tật, được thế giới ủng hộ, thì hai cậu bé trong Ba ơi, mình đi đâu? cũng không thể. Tỷ lệ khuyết tật của chúng lên đến 70%. Chúng không phát triển được cả về thể chất lẫn tinh thần, trí tuệ, bởi thế mọi tuyên ngôn có lẽ đều là vô ích.

Tự truyện Ba ơi, mình đi đâu? từng đoạt giải Fémina - một giải thưởng văn học danh giá của nước Pháp - năm 2008
Tự truyện Ba ơi, mình đi đâu? từng đoạt giải Fémina - một giải thưởng văn học danh giá của nước Pháp - năm 2008

Thế giới hiện đại, với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học, nhưng cũng có những điều không thể cưỡng lại được tạo hóa. Đó cũng chính là điều mà tác giả Jean-Louis Fournier đã nhận ra trong cuộc đời thăng trầm của mình. Ở độ tuổi 70, trong tâm cảm của mình, với những điều đã trải qua, cuộc đời trở thành một đoạn phù du mà ông vẫn phải bước tiếp.

Câu hỏi “Ba ơi mình đi đâu thế?” của người con trở thành một chiêm nghiệm triết học của chính tác giả. Ông đã hàng vạn lần tự vấn, tôi là ai, tôi từ đâu tới, và tôi sẽ đi về đâu? Cuộc đời, đến cuối cùng vẫn là một vòng lặp lại những truy vấn hiện sinh ấy, và không thể cứu vớt được những đứa con của mình.

Dù lựa chọn cách tiếp cận nỗi đau bằng phong cách hài hước, với nhiều biểu đạt khác nhau cho một thực tế đau lòng và mệt mỏi, tác giả vẫn đem đến một bức thư nhắn gửi sâu kín và đầy tình thương đến những người con của mình. Để theo một cách nào đó, những đứa trẻ của ông, dù chưa từng được sống đúng nghĩa trong cuộc đời, chúng vẫn sẽ luôn hiện hữu trên những trang sách này.

Ông viết: “Giờ thì Mathieu đã ra đi kiếm tìm quả bóng của mình ở một nơi mà người ta không thể giúp thằng bé lấy lại nó được nữa, giờ thì Thomas, dù vẫn luôn hiện diện trên trái đất, nhưng tâm hồn đã ngày càng phiêu du giữa những đám mây… Tuy vậy, ba vẫn sẽ tặng các con một cuốn sách. Một cuốn sách ba viết cho các con. Để không ai quên được các con, để các con không chỉ hiện hữu trên một bức ảnh trong tấm thẻ chứng nhận tật nguyền”.

Với Jean-Louis Fournier, đây là điều tuyệt vời nhất mà ông có thể đem đến cho những đứa trẻ của mình khi chúng xuất hiện trong đời này. 

Phong Linh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI