Bà nội nấu nước luộc gà, cháu trai ngã vào chảo nước sôi

20/12/2018 - 18:00

PNO - Nấu nước để làm gà, bà T. vừa quay đi thì nghe tiếng la thất thanh, chạy đến nơi đã thấy cháu trai đang nằm trong chảo nước sôi.

Do nhà có tiệc nên bà T. (50 tuổi, ở Bến Cầu, Tây Ninh) bắt gà để đãi mọi người. Khi bà đang nấu nước làm gà thì cháu nội của bà là bé N.T.K. 4 tuổi chạy tới chơi.

Thấy nước sôi, bà đi vào nhà lấy gà ra luộc, vừa quay lưng đi, bà nghe tiếng cháu nội khóc ré lên vì ngã vào chảo nước. Bà T. và nhiều người gần đó chạy đến bế bé K. lên, cả người bé bị phỏng rộp.

Ba noi nau nuoc luoc ga, chau trai nga vao chao nuoc soi
 

Sau khi sơ cứu, bé được bệnh viện gần nhà chuyển tiếp lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM. Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận nạn nhân bị phỏng sâu độ 2, phồng rộp, mất da ở đùi, sườn phải, bộ phận sinh dục.

Bệnh nhi được cắt lọc phần da hoại tử, truyền dịch, kháng sinh chống sốc, kiểm soát nhiễm trùng. Hiện sức khỏe bé K. tạm ổn định nhưng vết phỏng quá lớn nên vẫn được theo dõi sát. Bệnh nhi có biểu hiện bị chấn động tâm lý khi liên tục khóc thét, hoảng loạn.

Ba noi nau nuoc luoc ga, chau trai nga vao chao nuoc soi
Mẹ bé T. xót xa với vết thương của con khi bác sĩ Tiến mở gạc kiểm tra

Cũng trong ngày 20/12, trong lúc pha nước tắm cho bé N.P.T. (20 tháng tuổi, ở Bình Phước), ba của bé không kịp trở tay khi con gái ngã nhào vào thau tắm. Người cha vội vàng quăng bình nước nóng, bế bé lên nhưng cả cánh tay phải của bé đã đỏ ửng. Khi dỗ con nín, cả nhà nghĩ vết thương nhẹ nên không đưa đến bệnh viện. 

2 ngày sau, bàn tay phải của bé co quắp, phồng rộp, bong tróc da nhiều nơi và không thể cằm nắm được. Ba mẹ bé liền đưa con đến bệnh viện. Bé nhi được nhập viện vì vết thương phỏng chiếm 10% diện tích, sâu độ 2, rơi vào tình trạng nhiễm trùng, hoại tử, nhiều khả năng phải cắt lọc ngón tay. Nghe bác sĩ giải thích về thương tật của con, chị Nguyễn Thị Khuyên (mẹ bé T.) khóc nấc. 

Bác sĩ Nguyễn Tiến – khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - khuyến cáo, mỗi tuần tiếp nhận khoảng 3 trường hợp trẻ bị phỏng. Thông thường khi các bé được đưa đến bệnh viện khi vết thương đã nhiễm trùng, phồng rộp mụn nước rất to, nhiều trường hợp da tuột diện tích lớn phải nhập viện điều trị trong thời gian dài.

Hầu hết phụ huynh đều nghĩ các bé bị phỏng nước nấu mì tôm, than sắp tàn,… là nhẹ, nhưng bất kỳ nguyên nhân phỏng nào cũng vậy, có thể ban đầu vết thương chỉ đỏ ửng, nếu không được sơ cứu đúng cách, nhiệt độ vẫn “đốt cháy” sâu vào các mô tại nơi phỏng.

Vì vậy, cha mẹ không chủ quan khi con mình xảy ra tai nạn nhất là ở các khớp xương, vùng da mỏng,… không được cấp cứu kịp thời khiến hậu quả rất nặng nề.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI