Bà nội lấy chồng

17/12/2015 - 11:50

PNO - Bà đã có cháu nội cháu ngoại, có cả chắt. Chia tay chồng từ 30 năm trước, ở tuổi 74, bà quyết định góp gạo thổi cơm chung với người 75 tuổi.

Cô con dâu Việt của bà mẹ chồng người xứ cờ hoa tròn xoe cả mắt. Người Việt có câu “con chăm cha không bằng bà chăm ông”, nhưng tái giá ở tuổi “đồ cổ” như vầy, thì dễ thành “bia trường bắn” từ trong gia đình ra ngoài đường. Bởi vậy, tin động trời “bà nội lấy chồng” khiến cô hết sức phân vân, nhưng đầy phấn khích và tò mò.

Cô thấy cả nhà chồng rộn ràng chuẩn bị đám cưới cho “cô dâu bà nội”. Không thiếu hạng mục nào, ai cũng cố gắng hoàn thành tốt nhất phần việc của mình, hoàn toàn không thấy bóng dáng của sự chiếu lệ, tất cả đều rất chi tiết và chu đáo. Ngày cưới của bà, cả nhà tíu tít như hội, ai cũng tươi rói. Ông bà thì cười suốt, vui thả ga. Đãi khách xong, ông bà cũng có tuần trăng mật như ai!

Ba noi lay chong
Ảnh mang tính minh họa

Khi đám cưới viên mãn trôi qua, mọi sự trở về nhịp sống thường nhật, cô dâu Việt - vẫn không bớt tò mò, lặng lẽ quan sát cuộc sống mới “bà chăm ông” của mẹ chồng mình. Cô bị “nốc ao” vì bất ngờ: bà ở nhà bà và ông vẫn ở nhà ông, dù hai người ngày nào cũng gặp nhau, khi thì gặp ở nhà, lúc ra quán cà phê hay tiệm ăn, đầy lãng mạn.

Có lúc bà xách túi qua nhà ông một tuần, có khi ông cuốn vali qua nhà bà một tháng. Bà bảo “đã thỏa thuận với nhau như thế, mẹ thích vì mẹ sống một mình đã quá lâu”. Hai nhà gần nhau nên mọi sự kiện ông bà đều cùng nhau tham gia. Xong, ai về nhà nấy. Ông bệnh, bà chăm sóc - bà bệnh, ông đưa đi bệnh viện. Ông đi xa về bà luôn có quà ưa thích, vài bữa bà lại vào bếp nấu món ông ưa. Có lần ông bị cơn đột quỵ nhẹ, con cháu bà chạy túa sang lo cho ông.

Cô dâu Việt sốc thật sự khi chứng kiến cuộc sống rổ rá cạp lại của những “đồ cổ” trong nhà chồng Tây quá lạ lẫm, khác hẳn những quy chuẩn bất thành văn mà cô được biết ở quê nhà.

Từ nhỏ, cô đã quen với điệp khúc rả rích nẫu ruột như chỗ của đàn bà là cái bếp, chồng nói vợ phải nghe, với chồng là phải chu toàn cơm bưng nước rót, biết may vá cho chồng con… Nhìn cuộc hôn nhân mới của mẹ chồng, cô thấy rõ ràng họ là hai người bạn đặc biệt thân thiết trong phần đời còn lại của nhau.

Cô đem những điều “lạ dễ sợ” này tâm sự với gia đình chồng. Mọi người đều bảo cả nhà rất yên tâm. Sắp xếp cuộc sống ra sao là toàn quyền của hai người trong cuộc, miễn cả hai cảm thấy bình an. Nhiệm vụ của con cháu là hỗ trợ hết lòng để ông bà cảm thấy mình được yêu thương, tôn trọng, thoải mái. Dù là vợ chồng, nhưng ở tuổi của ông bà đâu nhất thiết phải “đồng tịch đồng sàng”. Những ngày cuối đời, tạo điều kiện cho ông bà sống vui sống khỏe là cả nhà hạnh phúc.

Chả bù ở quê cô, có những người con rời quê lên phố, học hành, làm ăn, xây nhà, bắt cha mẹ rời căn nhà quê, ra thị thành ở cùng để báo hiếu, nhưng phần lớn ông bà chỉ lưu lại được ít lâu rồi nằng nặc đòi về.

Vì ông bà đâu có cần nhà cao cửa rộng! Ông bà chỉ cần con cháu mạnh giỏi, cần ngày ba chén cơm rau, đủ thuốc uống khi bệnh hoạn. Cô sực nhớ đến câu phương ngôn “yêu thương là cho người khác cái họ cần, chứ không phải cho người ta cái mình muốn cho”. Sau những ngỡ ngàng, cô thấy mình may mắn, khi học được thêm một cách yêu thương từ cuộc sống làm dâu xứ người.

Lê Thị Phương Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI