Bà nội, bà ngoại thành mẹ bất đắc dĩ của cháu

12/02/2020 - 14:37

PNO - Trong nhịp sống hiện đại, một số bà mẹ trẻ dành thời gian cho công việc nhiều hơn cho con cái. Thế là những bà nội, bà ngoại bỗng dưng trở thành… mẹ của cháu mình.

Bà Nga (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) có cả cháu nội và cháu ngoại. Hai cháu ngoại, cháu trai lớn bốn tuổi, cháu trai nhỏ hai tuổi. Cháu nội đích tôn thì một tuổi. Cha mẹ các cháu đều đi làm. Bà ở chung với vợ chồng con trai út. Sáng bà bế cháu nội lên nhà cháu ngoại để trông cả ba đứa. Chiều, vợ chồng con gái đi làm về, bà lại bế cháu nội về nhà.

Con nít thường bệnh vặt. Hôm nào cả ba cháu đều ấm đầu, ho hen thì bà chẳng ngủ nghê ăn uống gì được. Còn khi khỏe, ba đứa hợp nhau “quậy bung nóc”, bà khan cả cổ, mỏi nhừ cả chân vì chạy theo hết đứa này đến đứa kia.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bà Út (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thì chăm cháu từ nhiều năm nay, cha cháu không biết chăm con, còn mẹ cháu thì thường trực đêm. Hiện cháu bà đã lên bảy tuổi. Nhiều đêm cháu bệnh, bà phải thức trắng. 

Bà Tư (Q.Thủ Đức, TP.HCM) thì đặc biệt hơn, tuy sống với con trai, nhưng bà phải trông thêm hai đứa cháu ngoại ở tuổi… đôi mươi. Mâu thuẫn với cha mẹ, hai đứa cháu về ở với ngoại. Ngoại Tư sẵn lòng cưu mang, cơm nước mỗi ngày bằng chính tiền lương hưu của mình. Thế nhưng, hai cháu lại thường đi chơi đến tận một, hai giờ sáng. Con trai giận khóa cửa. Bà lại thức để canh mở cửa cho hai cháu.

“Làm mẹ của cháu” đem lại nhiều niềm vui cho người phụ nữ lúc về già, nhưng cũng vô cùng vất vả nếu con cái ỷ lại, để mặc nhiệm vụ chăm sóc cháu cho bà. Tuy nhiên, nguyên nhân khác khiến các bà nội, bà ngoại vất vả với cháu, là sự thiếu quân bình giữa chăm sóc bản thân và chăm sóc người khác, giữa yêu thương và kỷ luật.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nếu như những gia đình hiện đại không nghĩ đến nhu cầu được nghỉ ngơi, an nhàn của các bà nội, bà ngoại, biến niềm vui bên con cháu thành gánh nặng, thì có khi sẽ phải hối tiếc. Bởi “mẹ già như chuối chín cây…”. Bên cạnh đó, những người bà cũng có thể tự giúp đỡ cho mình, tự cho phép mình được tận hưởng cuộc đời hơn là làm thay trách nhiệm của những đứa con đã trưởng thành.

Xét cho cùng, một đứa trẻ dù được bà yêu thương chăm sóc đến đâu, cũng không thể hạnh phúc hoàn toàn nếu thiếu sự quan tâm của cha mẹ.

Yêu thương liệu có phải là làm thay trách nhiệm của người khác, là chăm nom bảo bọc tận cùng, hay yêu thương là cho phép đối tượng ấy có khoảng trống và thời gian để tự trưởng thành? Con nhộng phải tự xé kén để trở thành cánh bướm lộng lẫy. Con người ai cũng cần được nỗ lực, sai lầm, học hỏi… để trở nên chín chắn và biết suy xét mọi chuyện một cách đúng đắn hơn. 

Những người bà đã hy sinh cả cuộc đời vì chồng, vì con, vì công việc rồi, tuổi già họ cũng cần được hưởng sự chăm sóc, bầu bạn của con cháu lúc tuổi xế chiều chứ! 

Phương Trinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI