Bà Nguyễn Thị Lệ - Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.HCM: Huy động sức dân để chăm lo cho dân

11/10/2017 - 17:07

PNO - Những thành công mà công tác dân vận đạt được có sự đóng góp rất lớn từ nhân dân, từ hàng trăm ngàn gương điển hình “Dân vận khéo” các cấp được tuyên dương trong suốt 10 năm qua.

* Phóng viên: Bà có thể đánh giá sơ bộ hiệu quả của phong trào thi đua “Dân vận khéo” sau 10 năm triển khai thực hiện tại TP.HCM? 

- Bà Nguyễn Thị Lệ: Phong trào thi đua “Dân vận khéo” không chỉ mang lại những mô hình, cách làm hay, những việc làm cụ thể, thiết thực góp phần thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự mà còn nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương về công tác dân vận.

Kết quả thực hiện phong trào này đã khẳng định: để làm tốt công tác dân vận, phải biết lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người dân; đưa những quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân; huy động, tập hợp tình cảm, ý chí, sức mạnh của nhân dân và thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc.

Ý nghĩa và hiệu quả mà phong trào này mang lại chính là sự đồng thuận cao của hệ thống chính trị, là tập hợp được tất cả các lực lượng, mọi người dân vì quyền lợi của nhân dân, huy động sức dân để chăm lo cho dân.

Ba Nguyen Thi Le - Truong ban Dan van Thanh uy TP.HCM: Huy dong suc dan de cham lo cho dan

* Nói vậy, nghĩa là chúng ta đã có thể hài lòng về công tác dân vận?

- Việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện công tác dân vận có lúc, có nơi chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao; việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách còn chậm, chưa sát với thực tiễn, chưa đáp ứng nguyện vọng của nhân dân; một số bức xúc, kiến nghị của nhân dân chưa được các cấp ủy và chính quyền quan tâm giải quyết đến nơi đến chốn; một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống làm ảnh hưởng lòng tin của nhân dân đối với Đảng, đâu đó vẫn còn tiếng dân kêu, dân than.

Vì thế, công tác dân vận trong thời gian tới càng đòi hỏi phải phát huy tính dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; tăng cường đối thoại trực tiếp của các cấp ủy, chính quyền với nhân dân để giải quyết thấu tình, đạt lý các bức xúc của nhân dân; huy động nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh.

Để thực hiện tốt công tác dân vận, phải nêu cao quan điểm “dân là gốc”. Những bước chuyển trong công tác xây dựng Đảng đã được thể hiện rõ từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, các hội nghị trung ương 4, 5, 6 đều đặt mục tiêu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đặc biệt đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, xử lý các cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức cách mạng thông qua việc “huy động sức dân”, dựa vào nhân dân để phát hiện những sai phạm của cán bộ, công chức, đảng viên.

* Bà có thể  nói đôi nét về những điển hình “Dân vận khéo” và vai trò của họ đối với công cuộc xây dựng, phát triển TP.HCM?

- Qua 42 năm xây dựng và phát triển thành phố, lãnh đạo TP.HCM luôn nhận được sự ủng hộ và đồng hành của nhân dân. Những thành công mà công tác dân vận đạt được có sự đóng góp rất lớn từ nhân dân, từ hàng trăm ngàn gương điển hình “Dân vận khéo” các cấp được tuyên dương trong suốt 10 năm qua. Họ là những cán bộ, đảng viên, người dân có phẩm chất đạo đức cao quý, có việc làm cụ thể, thiết thực, tinh thần “mình vì mọi người”, “nói đi đôi với làm”, tận tụy với công việc, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.

Đó là những tấm gương hết sức bình dị, đời thường nhưng việc làm của họ tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, góp phần quan trọng trong việc xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

* Xin cảm ơn bà.

Khánh Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI