|
Bà Nguyễn Thị Diễm Chi |
Nguồn gốc stress tuổi teen
Phóng viên: Trong buổi chia sẻ gần đây, bà có đề cập đến chủ đề: “Stress tuổi teen, mưa rào hay giông bão?”. Nên hiểu về chủ đề này như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Diễm Chi: Hẳn bạn cũng đồng ý là phần đông cha mẹ ngày nay nuôi dạy con theo trào lưu xã hội mà quên rằng con mình có muốn điều đó hay không, có hạnh phúc không. Xã hội càng mở càng có những áp lực vô hình. Mình vô tình yêu thương người khác theo cách mình muốn là áp đặt.
Có những cơn mưa rào nếu mình không để ý thì tác hại còn hơn giông bão. Khi cơn giông bão thành hình, mình còn đoán biết để che chắn nhưng nhìn thấy cơn mưa rào, ai cũng chủ quan. Vậy mà, cuối cùng nó trở thành giông bão lúc nào không hay.
Ví von này cũng tương tự những mối quan hệ hằng ngày giữa cha mẹ và con cái. Có những điều tưởng chừng rất nhỏ nhưng nếu cha mẹ không để ý, không biết cách đối thoại cùng con sẽ dẫn đến mâu thuẫn. Theo thời gian, mâu thuẫn nhỏ cứ thế lớn dần.
|
Bà Chi trong một buổi tư vấn cá nhân |
* Mâu thuẫn đó nảy sinh từ đâu, thưa bà?
- Khi một đứa trẻ ra đời, cha mẹ chăm bẵm rất tốt và khoa học. Khi trẻ vào lớp Sáu là đã bước qua một thế giới khác với bạn mới, trường mới, nhận thức mới trong khi cha mẹ vẫn nuôi con theo thói quen cũ. Cha mẹ cần lớn lên cùng con mỗi ngày để theo kịp sự phát triển về thể chất, tinh thần của con.
Tôi tạm chia việc nuôi dạy con thành ba giai đoạn. Giai đoạn 1, khi con còn nhỏ, cha mẹ là cái khiên che chắn, bảo vệ. Giai đoạn 2, con bước vào tuổi dậy thì, cha mẹ là cái gương để con luôn nhìn thấy, soi chiếu mỗi ngày. Chắc chắn cách hành xử của con ít nhiều ảnh hưởng từ cách hành xử của cha mẹ.
Giai đoạn 3, con qua lớp 12, nhận thức tốt hơn, cha mẹ trở thành cái lan can, tuy vô hình nhưng cần thiết để con an tâm vững bước. Nếu mất đi cái tay vịn đó, con sẽ hoang mang. Hãy luôn dõi theo con, làm tay vịn an toàn nhưng đừng là rào cản.
Trong mỗi giai đoạn, điều cha mẹ cần làm là đủ can đảm và năng lượng để tách mình ra, là người ảnh hưởng chứ không phải là người kiểm soát. Đó không phải là bỏ mặc mà là sự kiên nhẫn và yên lặng để quan sát, nói và giúp đỡ đúng lúc con cần.
Khi đứa trẻ còn ẵm ngửa, cha mẹ là bầu trời, là thế giới của con nhưng khi trẻ biết đi, chúng sẽ chạy về phía trước mà không sợ hãi gì vì chúng biết cha mẹ luôn ở phía sau. Bước vào tuổi teen, chúng càng muốn chạy xa hơn, đến những khung trời mới mẻ hơn, thú vị hơn.
Lúc đó, cha mẹ có đủ năng lượng gọi con quay về, có đủ mở lòng để lắng nghe những nhận thức mới và khác con mang về hay vẫn quen với cách nuôi dạy con như lúc nhỏ? Chính những điều đó sẽ dẫn đến mâu thuẫn. Đừng nghĩ chỉ có người lớn mới gặp stress, con trẻ cũng thế.
|
Bà Diễm Chi cho rằng, có những điều tưởng chừng rất nhỏ nhưng nếu cha mẹ không để ý, không biết cách đối thoại cùng con sẽ dẫn đến mâu thuẫn. |
* Theo bà, đâu là những nguyên nhân chính dẫn đến stress tuổi teen?
- Stress không phải chỉ từ việc học hành. Stress còn có thể do thay đổi hoóc-môn, vóc dáng khi trẻ bước vào tuổi dậy thì. Song, còn một loại stress khác mà phụ huynh sẽ giật mình khi nghe đến. Stress do… chơi! Ví dụ như chơi game, dùng mạng xã hội. Cha mẹ chỉ thấy là con chơi. Thực sự chơi suốt mười mấy tiếng gây kiệt quệ sức lực từ bên trong.
Hành xử của cha mẹ thường là những khó chịu, chỉnh sửa, la mắng. Khi căng thẳng bị đẩy đến cực độ, trẻ sẽ có phản ứng mà đôi khi không thể kiểm soát.
Trở lại câu hỏi nguồn gốc căng thẳng của đứa trẻ. Đầu tiên là sự thiếu linh hoạt trong nền nếp sinh hoạt. Có gia đình không thiết lập nền nếp hoặc nền nếp quá cứng nhắc, gây cho đứa trẻ áp lực. Thứ hai là mâu thuẫn giữa cha mẹ tác động lên trẻ, khiến trẻ hoang mang vì tài sản duy nhất của đứa trẻ là gia đình. Khi cha mẹ cãi nhau, trẻ lo lắng, sợ hãi không biết khi nào gia đình mất đi nên hành xử bằng cách van xin, níu kéo “ba mẹ đừng cãi nhau nữa” (khi còn nhỏ); chối bỏ, muốn rời khỏi gia đình để đi tìm điều khác (khi đã lớn hơn một chút).
Nguồn gốc tiếp theo là thiếu hoạt động đa dạng. Một số trường hợp thường thấy, trẻ chỉ có hai sự lựa chọn: học và chơi. Đương nhiên trẻ sẽ chọn thứ thoải mái hơn. Để thoát ra được sự căng thẳng này, cha mẹ cần cho con nhiều sự lựa chọn hơn; chẳng hạn: học, chơi game, chơi thể thao, đi nhà sách, hoạt động cùng gia đình… để giảm thời gian chơi game xuống.
Một dạng áp lực khác là sự thành công của cha mẹ. Nhiều gia đình liên tục kể về “ngày xưa” của cha mẹ và kết bằng câu: “Bây giờ, mày chỉ có học thôi mà cũng không nên”. Trường hợp này, cha mẹ cần xác định rõ, việc kể về thành tích của mình mang lại giá trị gì? Chỉ nên kể một, hai lần cho đứa trẻ đang có kết quả tốt để khuyến khích trẻ. Còn với đứa trẻ đang có kết quả không tốt mà cứ đem ngày xưa ra nói sẽ gây bế tắc cho con. Trẻ sẽ cảm thấy bản thân vô dụng, không xứng đáng với cha mẹ và muốn rời xa gia đình.
Một kiểu khác nữa là cha mẹ trực thăng (dạng cha mẹ luôn kiểm soát con mọi lúc mọi nơi), tức là con làm gì cũng có ý kiến, luôn chỉnh sửa con trước mặt người khác. Đầu tiên, trẻ có cảm giác bị mất mặt. Sau đó, áp lực tinh thần đè nặng lên trẻ. Những chuyện nhỏ như vậy lâu dần khiến trẻ mất niềm tin, rằng cha mẹ không tin tưởng, không công nhận chúng.
|
Bà Nguyễn Thị Diễm Chi trong một buổi chia sẻ |
* Cũng có kiểu phụ huynh thường tung hô trẻ quá đà. Hệ quả là gì?
- Việc phụ huynh tung hô quá đà khi trẻ đạt thành tích sẽ khiến trẻ có tâm thế trên đời này chỉ có trẻ là ngôi sao. Điều đó sẽ tạo cho trẻ áp lực. Trẻ sẽ miệt mài để giữ vị thế ngôi sao đó mà quên rằng bản thân cần được nghỉ ngơi, thư giãn. Vì là ngôi sao nên chỉ cần một vấp ngã nhỏ, trẻ sẽ khó lòng chấp nhận và không đứng dậy được.
Trái ngược kiểu phụ huynh này là kiểu phụ huynh thiếu sự ghi nhận con dù rất thương con, nỗ lực làm việc vì con, mong muốn mọi thứ tốt đẹp nhất đến với con. Tuy vậy, khi giao tiếp với con, họ hay chỉ trích, thiếu ghi nhận con một cách thực sự trọn vẹn. Những cha mẹ ấy thường hỏi: “Tại sao con không thế này, thế kia?” và thay vì trao cho con những lời động viên, họ lại khiển trách hoặc động viên kiểu nửa vời: “Áo con mặc đẹp đó nhưng mà…”. Trong trường hợp này, cha mẹ hãy đặt thẳng vấn đề, giao việc cụ thể cho trẻ, đừng đánh đố hay hỏi tại sao. Trẻ sẽ không thể trả lời cha mẹ vì bản thân trẻ cũng không biết tại sao. Cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý khi giao nhiều việc: đôi lúc trẻ không làm hoặc không làm hết. Đừng quát mắng ầm ĩ bởi trẻ sẽ cảm thấy chuyện nhỏ xíu, tại sao cha mẹ lại làm như thế. Cha mẹ hãy luôn ghi nhận trọn vẹn những điều trẻ đã làm được dù là nhỏ nhất.
* Vậy đâu là giải pháp phù hợp nhất?
- Có ba giải pháp. Thứ nhất, con làm một mình. Thứ hai, cha mẹ tự làm. Thứ ba, cha mẹ làm cùng con. Nếu để trẻ tự làm, trẻ dễ cảm thấy bơ vơ. Trẻ làm trong cơn mưa la mắng sẽ tạo thành ức chế lớn. Trẻ không nói, không phản ứng ngay nhưng ức chế đó đi vào bên trong trẻ, chờ ngày bung ra. Nếu phụ huynh chọn giải pháp tự làm, không nói gì đến trẻ nữa, tuy nhanh gọn nhưng sẽ tạo thành thói quen, từ đây về sau trẻ sẽ không làm vì hình thành suy nghĩ: “Mình không làm đã có cha mẹ làm, lo gì!”. Có giải pháp cùng làm hoặc đề nghị: “Giờ cha/mẹ mệt rồi, con làm đi, cha/mẹ quan sát con làm”. Để giữ được năng lượng của lời nói, cha/mẹ phải đủ bình tĩnh ngồi yên quan sát, không mó tay vào hoặc cùng con làm trong sự vui vẻ.
Cha mẹ cũng cần học cách yêu thương đúng đắn
* Từ thực tiễn tư vấn của bà, còn những trường hợp nào dẫn đến những đứt gãy trong mối quan hệ giữa trẻ tuổi teen và cha mẹ?
- Khi trẻ sai hoặc nói dối một, hai lần tới lúc nói dối thường xuyên, cha mẹ dễ mất niềm tin vào trẻ. Thành ra, mỗi lần trẻ nói, cha mẹ luôn nghĩ là trẻ nói dối. Tuy vậy, 100 lần trẻ nói thì sẽ có hai, ba lần nói thật. Hễ đúng lần trẻ nói thật mà cha mẹ nghĩ trẻ nói dối thì ngay lập tức trẻ cho rằng cha mẹ không tin tưởng mình, vết gãy ngày càng sâu.
Trường hợp nữa là những gia đình quá bận rộn hay bỏ qua những lời hứa nhỏ với con; dần dà trẻ sẽ không còn tin cha mẹ nữa. Muốn giữ niềm tin của đứa trẻ qua tuổi teen, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ phải giữ lời hứa, dù nhỏ. Lỡ hứa mà không thực hiện được thì phải cho trẻ thấy cha mẹ đã cố gắng hết sức nhưng vì hoàn cảnh không làm được, trẻ sẽ cảm thông.
Tóm lại, với những cơn mưa rào này, các bậc phụ huynh nên hết sức lưu ý. Những công nhận nhỏ, những lời hứa nhỏ, những giao tiếp nhỏ sẽ tạo thành những tác động lớn.
* Với trường hợp trẻ hay nói dối, làm thế nào để biết được đâu là lời nói thật?
- Đầu tiên là tạm ứng niềm tin của cha mẹ. Không phải tin để cho qua. Cha mẹ xác lập là đã nghe nhu cầu, đã tin và đang tìm hiểu… Đôi lúc, với những chuyện không quá lớn, biết là con đang nói dối nhưng cho qua được thì cứ cho qua. Chẳng hạn khi con xin đi chơi đá banh thay vì 3 giờ về nhưng 5 giờ mới về rồi nghĩ ra đủ lý do, thay vì la mắng, trách phạt, cha mẹ nên để con ăn uống, tắm rửa, lựa thời điểm thích hợp lật lại câu chuyện. Chỉ có thông qua đối thoại, cho trẻ hiểu rằng nếu trẻ nói dối, cha mẹ cũng sẽ biết và tạo cho trẻ niềm tin rằng nói thật sẽ không bị la, trẻ mới chọn nói thật.
* Vậy theo bà, các bậc phụ huynh nên chuẩn bị gì để đón những cơn mưa rào này?
- Khi sinh con ra, cần xác định con rồi sẽ trưởng thành nên khi con ba, bốn tuổi là phải rèn luyện, đi từ thể chất, môi trường đến tinh thần. Cần phải chuẩn bị thể chất để con vượt qua stress tuổi teen. Khi trẻ còn nhỏ, gia đình cho ngủ sớm, khoảng 8, 9 giờ. Qua một, hai tuổi, trẻ thường ngủ theo giờ của gia đình. Gia đình ngủ trễ, trẻ sẽ ngủ trễ. Nếu không bảo vệ giấc ngủ thì trẻ đã stress từ giai đoạn đó. Do đó, các gia đình phải hết sức lưu ý điều này.
Trẻ cần được dạy về lòng tự trọng. Nếu lòng tự trọng đúng đắn thì stress rất nhẹ. Thứ nữa là thể chất. Đa phần thanh thiếu niên hiện nay thiếu vận động, thiếu sức bền. Chơi môn vận động nào cũng được, miễn phù hợp sở thích và thể chất từng trẻ. Trẻ nhát thì học môn vững chãi một chút, trẻ mạnh mẽ thì học môn đằm một chút và phải bền bỉ cho tới lớn. Khi đã hình thành kỹ năng vận động cho trẻ thì dù trẻ có ham chơi, cha mẹ cũng dễ dàng tách trẻ ra để vận động.
Cuối cùng là tinh thần. Cha mẹ cố gắng giữ mình chỉ bên cạnh thay vì nhảy vào cuộc đời con. Muốn làm được như vậy thì phải can đảm nhìn thấy được mình, biết rõ nội tâm và cảm xúc của mình để luôn đủ tỉnh thức, nuôi dạy con đúng đắn.
Có những cha mẹ rất thương con nhưng dễ nổi nóng do chịu quá nhiều áp lực từ công việc, cuộc sống, gia đình hai bên; bản thân lại không có năng lượng, con cái ở tuổi ương ương dở dở, nói hoài không nghe nên thốt ra những từ ngữ không tưởng tượng được. “Lời nói sát thương”, trẻ nghe nhiều sẽ thấm dần và chọn con đường kết thúc mà mình không thể ngờ. Lúc đó, cha mẹ hối hận và trách con sao không hiểu lòng mình.
Vậy nhưng muốn hiểu thì thương phải nhất quán, phải kề cận, phải ôm ấp, phải nói lời ngọt ngào chứ không chỉ cho roi cho vọt. Trẻ con bây giờ nhạy cảm, nguy cơ lớn hơn khi trẻ lớn lên và nhìn thấy những gia đình khác hành xử có sự kết nối. Trẻ nhìn lại gia đình mình và sẽ đặt câu hỏi, tại sao gia đình mình lại không như thế, từ đó dễ dẫn đến những việc đáng tiếc.
|
Theo bà Diễm Chi, những đứa trẻ thời nay chịu đựng quá nhiều áp lực |
* Nhiều người nói trẻ con ngày nay chịu quá nhiều áp lực, bà có nhận thấy cha mẹ cũng gánh quá nhiều áp lực?
- Cha mẹ thời nào cũng gặp áp lực nhưng cha mẹ thời nay đứng trước nhiều nguy cơ hơn.
Thời nay có quá nhiều sự cám dỗ dễ dàng tiếp cận ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Trẻ con ngày xưa nhìn xa lắm thì ra khỏi đầu ngõ, không biết thế giới khác như thế nào. Khi không biết thì ít có những khám phá, những nỗi sợ, những mối quan hệ chỉ xung quanh… Bây giờ, thông tin nhiều, internet phát triển mạnh, nguy cơ và sự rình rập trẻ rất lớn khiến phụ huynh bối rối, không biết phải đi con đường nào.
Tình trạng “khủng hoảng thông tin khoa học” khiến cha mẹ ngày nay cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ như, ăn kiểu nào, cho con học trường nào, phát triển kỹ năng nào, chăm con ra làm sao…. Tuy nhiên, sau tất cả, cha mẹ cần phải hỏi bản thân rằng: “Mục đích mình làm điều đó là gì? Mình muốn cho con cái gì và con thực sự cần gì?”. Cả hai bên phải cùng xác lập mục tiêu và theo đó hành động nhất quán, lên kế hoạch cho sự phát triển.
Đừng để tình thương thành áp lực. Hãy để con mình được thương thay vì bị thương!
* Cảm ơn bà đã chia sẻ.
Thư Hiên (thực hiện)
Ảnh: Nhân vật cung cấp