Bà ngoại viết tâm thư “cảnh cáo” con: “Phải coi đây là việc nghiêm trọng”

06/04/2023 - 11:39

PNO - “Tư duy bà cũ rồi. Điện thoại, ipad mà nếu hướng cháu sử dụng 1 cách bổ ích thì lại rất có lợi! Đừng áp đặt thế"

Những mâu thuẫn thế hệ giữa ông bà và cha mẹ thường xảy ra nhiều nhất khi chăm cháu. Vì ông bà sẽ có cách của ông bà và bậc cha mẹ cũng lại có những lý lẽ riêng.

Mới đây, một bức thư viết tay do bà ngoại viết nhắc nhở các con không được cho cháu xem điện thoại khiến dân mạng xôn xao, nhiều cặp vợ chồng đã giật mình.

Cụ thể, những lời bà ngoại viết rất nghiêm khắc, đanh thép:

“Về nhà phải cất điện thoại vào túi hoặc để trên bàn cao, nó không nhìn thấy. Có ai gọi điện phải kín đáo, ra chỗ khác nghe.

Từ nay, tuyệt đối không được giơ điện thoại trước mặt nó.

Bây giờ nó hai tuổi còn giấu được. Nó 3 tuổi còn giữ hơn.

Phải coi đây là việc nghiêm trọng”.

(Bức thư bà dặn dò rất kỹ về việc không nên cho trẻ xem điện thoại)
(Bức thư bà dặn dò rất kỹ về việc không nên cho trẻ xem điện thoại)

Dường như bà ngoại đã rất bức xúc khi thấy bậc cha mẹ cho cháu xem điện thoại nhiều và quyết liệt trong việc phải cai điện thoại cho trẻ ngay từ nhỏ. Bà dặn “phải cất điện thoại vào túi hoặc để trên bàn cao”, “không được giơ điện thoại trước mặt”, “ra ngoài nghe khi có điện thoại”… để giấu, không cho trẻ biết về sự hiện diện của điện thoại. Thậm chí, bà còn chốt rằng: “Phải coi đây là việc nghiêm trọng”.

Bà ngoại hẳn đã ý thức được rất nhiều hậu quả về việc cho trẻ xem điện thoại nhiều như: ảnh hưởng đến mắt, tư duy, nguy cơ bị béo phì, trầm cảm, hạn chế về vận động, giao tiếp… Bà thì vẫn luôn muốn làm những gì tốt nhất cho cháu nên bà đã phải viết thư tay để “dằn mặt” các con của mình thật kỹ.

Trong số hơn 270 bình luận để lại dưới bài đăng, hơn 90% người dùng đồng tình với ý kiến của bà ngoại và cho rằng "bà ngoại của năm", thật tuyệt vời, hiểu chuyện. Số đông này cho rằng thực tế bây giờ cũng rất nhiều cha mẹ lạm dụng điện thoại, cứ vứt cho con một cái điện thoại nếu muốn con ngồi yên và gây ra rất nhiều hệ lụy không lường trước đối với trẻ.

Bạn H.A viết: “Nhìn đâu xa, cứ đi ra quán cà phê nào cũng thấy một đứa trẻ bị vứt cho cái điện thoại rồi cắm mặt ngồi xem. Người lớn nói chuyện xong thì trẻ lại như con robot đứng dậy đi về. Nên cấm điện thoại, để cha mẹ còn chịu nhìn đến con mình”.

Tuy nhiên, khoảng 10% bình luận lại cho rằng bà ngoại suy nghĩ bị đóng khung quá. Bởi xã hội bây giờ khác với ngày xưa, trẻ thậm chí còn cần phải dùng điện thoại để thích nghi với sự thay đổi chóng mặt của công nghệ. Mặt khác, trẻ cũng cần điện thoại để có thể sử dụng các phần mềm học thêm tiếng Anh, nghe truyện, làm toán, tìm hiểu khoa học…

Một người dùng có tên là D.A bình luận: “Tư duy bà cũ rồi. Điện thoại, ipad mà nếu hướng cháu sử dụng 1 cách bổ ích thì lại rất có lợi! Đừng áp đặt thế. Cần thì mình có thể chứng minh ngay”.

(Nhiều cha mẹ cho trẻ lạm dụng điện thoại khi ăn, khi chơi...)
Nhiều cha mẹ cho trẻ lạm dụng điện thoại khi ăn, khi chơi... (ảnh minh họa)

Đành rằng việc sử dụng cái gì cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực, tùy từng hoàn cảnh. Nhưng trên thực tế, cũng có rất nhiều bậc cha mẹ cho con dùng điện thoại với cái cớ là để con học bài nhưng lâu dần lại trở nên lạm dụng. Đó mới là lý do khiến các bà phải đứng ra nhắc nhở.

Chị Minh Hường (36 tuổi, Quận 1, TPHCM ) thừa nhận: “Từ khi con gái mình 3 tuổi là mình đã ý thức được việc cho con học tiếng Anh mỗi ngày 30 phút bằng app. Nhưng rồi mình không giữ được kỷ luật, không theo được chương trình nên thành ra con cứ xem tự do. Mấy lần nhà có khách hoặc mẹ đang nấu cơm mà con lèo nhèo, mình lại cho con xem điện thoại. Đến 4 tuổi thì con không những không nghe tiếng Anh mà lại nghiện điện thoại nặng, không được xem là giãy đành đạch ăn vạ”.

Cũng theo chị Minh Hường, bà nội vào Sài Gòn chơi, thấy cháu cứ xem điện thoại thì rất sốt ruột. Cháu ăn cơm cũng phải có điện thoại. Ngồi chơi đồ chơi cũng chỉ được 5-10 phút là lại đòi phải có điện thoại.

“Bà nhắc thì mình cũng thấy đúng, nhưng vẫn cứ cố giải thích là công việc bận, khó khăn. Bà về rồi thì vợ chồng cũng có ý thức hơn, cố gắng để cai điện thoại cho con. Sau 3 tháng, tình hình không khả quan thì bà gọi điện bảo đưa cháu về quê bà nuôi hộ cho. Ở quê thì ít bật tivi, suốt ngày bà đưa đi hàng xóm, láng giềng chơi, lê la ra đồng ruộng xem trâu, bò, thả diều… nên con mình cai được điện thoại đấy”.

Thực tế thì không phải nhà nào cũng có điều kiện hay sự chia sẻ để ông bà và cha mẹ thống nhất được cách cai điện thoại cho trẻ như nhà Minh Hường. Nhiều nhà thậm chí mâu thuẫn vì ông bà suốt ngày cho cháu xem điện thoại, không biết cách tương tác với cháu. Hay cũng có những nhà, ông bà nói thì kệ ông bà, cha mẹ vẫn cho con xem điện thoại vì lý do “thế hệ này nó thế”.

Ngoài chuyện xem điện thoại, sự khác biệt trong quan niệm chăm trẻ còn đến từ bữa ăn, giấc ngủ hay sinh hoạt, học hành… “Có hôm mình đi làm về thì không thấy bà nội đâu nữa. Hóa ra mấy lần bảo bà đừng cho cháu đi ăn rong, bà giận, bà ra bến xe bắt xe về thẳng quê luôn”, chị Hoài Thu (37 tuổi, Quận 3, TPHCM) kể. 

Những mâu thuẫn không biết hòa giải từ nhỏ thì sẽ dẫn đến những khủng hoảng rất lớn trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Có câu nói: “Cần một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ” nên ít nhất từ trong gia đình, việc nuôi dạy trẻ cần phải có được sự thống nhất về phương pháp.

Không thể cha mẹ làm một đằng, ông bà lại làm một nẻo. Suy cho cùng, thế hệ nào cũng có những điều được và chưa được. Cần phải biết cách nhìn về điểm mạnh của nhau, thẳng thắn và chân thành trước những điểm chưa được của mỗi bên để đảm bảo môi trường tốt nhất cho đứa trẻ được lớn lên.

Cát Tường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI