Bà ngoại, mẹ và con gái

29/01/2018 - 13:48

PNO - Quy luật của tự nhiên - cánh chim có rời khỏi tổ, bay đi, mới có thể trưởng thành. Hành trình cuộc đời ai rồi cũng phải đi qua. Người về trước là những người phải trông ngóng.

Quy luật của tự nhiên - cánh chim có rời khỏi tổ, bay đi, mới có thể trưởng thành. Hành trình cuộc đời ai rồi cũng phải đi qua. Người về trước là những người phải trông ngóng.

Mẹ sinh con gái, bà ngoại đón về quê sáu tháng. Lịch sinh hoạt của hai mẹ con cùng đảo lộn: đứa con gái lần đầu làm mẹ bỡ ngỡ với ba tháng ở cữ loanh quanh trong bốn bức tường, với những cơn khát ngủ đến kiệt quệ và những ngày stress vì thiếu sữa; bà ngoại lần đầu có cháu, làm quen với cảnh túi bụi từ sáng đến khuya, thay tã, pha sữa, nấu ăn theo thực đơn “bà đẻ”.

Trong căn nhà vang tiếng khóc cười trẻ con, hai người phụ nữ quay cuồng giữa hai thái cực sung sướng và mệt mỏi, hân hoan và ngán ngẩm.

Ba ngoai, me va con gai
Ảnh minh họa

30 tuổi mới làm mẹ, đứa con gái vẫn thấy sao mà ngượng nghịu trước bà ngoại. Ngày trước, con gái chỉ biết học hành, làm việc và đòi hỏi. Bây giờ, làm mẹ mới biết phải hy sinh giấc ngủ đêm cho con, là cả ngày thả rông ngực trong bộ đồ mặc nhà rộng rinh để tiện cho con bú bất kể lúc nào, là phải tập hát ru những bài mà bấy lâu mình không hề nghe đến, rồi tập đong đưa, tập trở thành một phiên bản khác, gần giống bà ngoại thuở nào.

Vậy là, vừa làm mẹ, vừa làm đứa con gái nhỏ của bà ngoại. Hình như chỉ khi tự tay nuôi nấng một đứa trẻ, người ta mới cảm nhận sâu sắc rằng mình cũng từng là một đứa trẻ. Đôi khi, giữa đêm khuya, con khóc, con gái tỉnh dậy, xúc động thấy ba thế hệ phụ nữ của gia đình đang nằm cạnh nhau như một quy luật của tự nhiên - thế hệ nối tiếp thế hệ và vòng lặp cứ thế bất tận.

Cô công chúa bé nhỏ ra đời đã tạo ra, siết chặt liên kết giữa bà ngoại và mẹ trong vòng tròn thế hệ kế cận ấy. Có điều gì đó thật bình dị, tự nhiên nhưng cũng rất đỗi thiêng liêng trong hình ảnh mẹ con, bà cháu cùng ở đây, khao khát những giấc ngủ an lành.

Bà ngoại cảm thấy mình như trẻ lại, như được trở về cái thuở mang nặng đẻ đau, chăm con vất vả. Những hồi ức cứ hiện về, đan lồng vào thực tại. Cháu xổ sữa, bà xuýt xoa: “Chu choa, hồi trước mẹ con cũng nung núc, dễ thương vầy nè”. Cháu vẫn chưa biết lật, bà chép miệng: “Mẹ bây mới ba tháng là đã biết lật giỏi ơi là giỏi rồi nhé”. Cháu u a hóng chuyện, bà tít mắt: “Cha bây, sao mà giống y hệt mẹ”. Bà ngoại thương cháu bằng tình thương mênh mông khó tả, là cộng gộp của cả lòng thương con gái và thương cháu gái.

Mỗi tối, bà ngoại hỏi mẹ: “Mai ăn gì con?” - hỏi nhiều đến nỗi mẹ phát ngán, có lúc phải gắt lên. Mỗi lần như thế, mắt bà lại đượm buồn. Ngày xưa sinh con, bà đâu có được ai chăm, muốn gì phải tự lo lấy, thậm chí vẫn phải ráng làm cả những việc nhà không tên mà lẽ ra với sức vóc của thai phụ không nên làm. Nhưng thời đó là vậy, nên bà cũng không than thở.

Có muốn than thở, cũng biết than với ai. Bà kể, nhiều khi chỉ thèm bát cơm có thịt kho thôi mà cũng khó kiếm. Bà ngoại không được kiêng khem nên giờ đụng gió máy là chân tay tê mỏi, đêm ngủ bụng dạ cứ sôi réo. Khổ vậy, nên giờ bà muốn bù đắp, chăm chút cho con gái: muốn con được ăn uống ngon miệng, muốn con được xông hơ kỹ càng, được ngủ đêm nhiều nhất có thể...

Ba ngoai, me va con gai
Ảnh minh họa

Ngày con gái bồng cháu trở về thành phố, bà ngoại không chịu ra xe tiễn, mặc ai nói sao thì nói. Bà ngồi trên chiếc giường vẫn còn vương hơi đứa cháu bé bỏng, khóc như mưa. Đến từng này tuổi mà nước mắt còn có thể nhiều đến vậy sao, bà tự hỏi. Vòng tròn của ba thế hệ phụ nữ vừa siết chặt đã phải nới ra.

Xe vừa lăn bánh, con đã ngủ yên trên tay mẹ. Con gái lại nghĩ về bà, mắt long lanh. Mới hôm qua, bà vẫn còn chăm cho từng miếng ăn, tấm áo; giờ thì trước mắt con gái là bộn bề công việc, là trách nhiệm làm mẹ phải một mình cáng đáng. Ngôi nhà nhỏ trên thành phố đang chờ bàn tay con gái thu vén. Người chồng vụng về có lẽ đang bận dọn chỗ ngủ cho con. Sẽ chẳng còn mấy dịp con gái, cháu gái được ở gần bà ngoại lâu đến vậy, bình yên đến vậy.

Đứa con trên tay nhắc con gái về một hành trình đã mở ra: hành trình làm mẹ, kéo dài đến suốt cuộc đời mình - hành trình của bà ngoại, của mẹ, của con gái sau này... Nhờ những hành trình thiêng liêng ấy mà vòng tròn các thế hệ cứ nới rộng mãi ra, những liên kết bền chặt qua tháng năm, xa cách. 

Con gái từng có lúc thấy mình đã đủ trưởng thành, thế mà bây giờ sinh con, chợt nhận ra mình vẫn chỉ mới chập chững trên hành trình hoàn thiện những bản năng phụ nữ. Bao nhiêu chuyện vẫn còn chưa biết, vẫn phải gọi mẹ: “Bà ơi, làm sao?”.

Linh Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI