Bà ngoại bị nhồi máu cơ tim được cứu sống kịp thời nhờ cháu trai hơn 2 tuổi

31/08/2023 - 17:07

PNO - Phát hiện bà ngoại bị ngất xỉu trong nhà vệ sinh, bé trai hơn 2 tuổi liền lấy điện thoại, gọi mẹ đưa bà đi bệnh viện cấp cứu.

 

Bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh thăm khám lại cho bà L, ảnh HL
Bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh thăm khám lại cho bà L. Ảnh: HL

Chiều 31/8, bác sĩ Nguyễn Văn Phước – Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Lê Văn Thịnh – cho biết ê-kíp bác sĩ vừa cứu sống bà S.T.N.L. (SN 1966, ở TP Thủ Đức) bị 3 lần ngưng tim, ngưng thở do nhồi máu cơ tim. Người phát hiện và giúp cho việc cấp cứu được thành công chính là cháu trai hơn 2 tuổi của bà L.

Theo đó, khoảng 8g sáng ngày 29/8, bà L. thức dậy và vào nhà vệ sinh. Lúc này bà cảm thấy xây xẩm, chóng mặt, té ngã rồi lịm dần. Do người thân trong gia đình đã đi làm, nên không ai phát hiện bà đang gặp nạn. May mắn, cháu trai của bà tỉnh giấc, đi tìm bà và thấy bà nằm ở nhà vệ sinh nên lay gọi.

"Lúc đó tôi nghe thấy cháu vừa khóc vừa gọi "ngoại ơi, ngoại ơi" nhưng tôi không thể phản ứng, thế là cháu tôi chạy ra ngoài. Không ngờ, bé đi lấy điện thoại để gọi cho mẹ. Cháu tôi chưa biết chữ, nhưng tôi nghĩ do thường ngày cháu hay nói chuyện điện thoại qua ứng dụng nên tìm hình của mẹ mình rồi bấm gọi", bà L. nhớ lại.

Nhận được cuộc gọi của con trai nói rằng bà ngoại nằm trong nhà tắm, người mẹ biết có chuyện nên liên hệ với người chị ở gần nhà bà L. đến cứu giúp. Khi người này đến nơi, bà L. đã gần như hôn mê. Chị truy hô và đưa bà L. đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh cấp cứu.

Tại đây, các bác sĩ ghi nhận bà L. còn tri giác, có biểu hiện đau ngực dữ dội, tụt huyết áp rồi bất ngờ ngưng tim, ngưng thở. Ngay lập tức, ê-kíp bác sĩ cấp cứu đã hồi sức tim, phổi để hồi sinh cho bà. Khi bà L. có nhịp tim trở lại, bác sĩ thực hiện ngay các xét nghiệm tổng quát, đo điện tim... kết quả cho thấy bà bị tắc mạch máu nuôi tim, dẫn đến nhồi máu cơ tim cấp. Bệnh viện liên hệ ngay đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM để hội chẩn và quyết định chuyển viện can thiệp khai thông mạch máu, đặt stent khẩn cấp.

Trên đường đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, bà L. lại bị ngưng tim, ngưng thở. Các bác sĩ lập tức hồi sức tim phổi, sốc điện ngay trên xe để cứu bệnh nhân. Khi xe đến nơi, trong lúc đưa bà L. đến phòng mổ để can thiệp tim mạch, bà lại tiếp tục ngưng tim, ngưng thở. Lúc này bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Dược nhanh chóng cấp cứu và khai thông mạch vành cho bà. 

"Do những lần ngưng tim, ngưng thở của bà L. đều được phát hiện và xử trí kịp thời nên bà qua được nguy hiểm. Hiện tại, sau khi khai thông mạch máu nuôi tim, đặt stent mạch vành, tình trạng của bà đã ổn định, có tri giác trở lại, bớt đau ngực, mạch huyết áp đã kiểm soát, bà được chuyển về Bệnh viện Lê Văn Thịnh để chăm sóc, theo dõi. Bệnh viện cũng đang điều trị đường huyết và một số bệnh lý khác cho bệnh nhân", bác sĩ Nguyễn Văn Phước nói.

Bác sĩ cho biết, tại Khoa Nội tim mạch của Bệnh viện Lê Văn Thịnh, trung bình mỗi năm có khoảng 200 trường hợp người bệnh bị nhồi máu cơ tim được đưa đến cấp cứu, thường gặp ở người trên 40 tuổi. Tuy nhiên, bệnh ngày càng trẻ hóa. 

Triệu chứng thường gặp nhất của nhồi máu cơ tim là người bệnh đau ngực kèm khó thở kéo dài, thường gặp ở nhóm bệnh nhân có nguy cơ như mỡ máu, tăng huyết áp, hút thuốc, rượu bia… Nếu phát hiện và can thiệp trễ, bệnh nhân sẽ ngưng tim, ngưng thở dẫn đến tử vong. Ngoài ra, còn có thể gặp biến chứng nguy hiểm như suy tim, rối loạn nhịp... Vì vậy, người dù khỏe mạnh cũng cần có thói quen khám sức khỏe định kỳ, đo điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm các chức năng của cơ thể để kịp thời phát hiện những bất thường.


Phạm An


 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI