Kiên trì để nắm vấn đề
“Lá đọng trên máng xối mà cô không leo lên được, Tường qua coi giúp cô với!”, nghe cô Đào - người hàng xóm - nhờ vả, anh Tường mặc áo bước sang. Chẳng mấy chốc, anh đã trèo xuống với một túi lá khô rồi bước ra cửa. Cô Đào mời mọc anh nán lại uống cà phê với cô. Sau vài câu thăm hỏi xã giao, cô Đào ngập ngừng: “Thỉnh thoảng cô nghe bên đó to tiếng, sao vậy con?”. Tường ngắn gọn: “Con có nhiều cái bực bội lắm, cô đừng hỏi”. Rồi anh xin phép ra về.
Hơn một tháng sau, cô Đào lại qua nhờ Tường thay giúp cái bóng đèn. Lần này, trong lúc Tường làm việc thì cô gợi chuyện. Tường đáp ngắn gọn: “Không đủ đâu vào đâu hết cô ơi. Một người làm lo cho năm người, lại còn tiền thuốc men cho con”.
Ít lâu sau, cô Đào lại sang nhờ Tường chở đi thăm mộ chồng ở Bình Dương. Thực chất, những lần nhờ vả chỉ là cái cớ để cô Nguyễn Thị Đào - tổ trưởng Tổ tư vấn cộng đồng khu phố 5, P.4, Q.Gò Vấp, TP.HCM - tiếp cận, nắm bắt chuyện của gia đình Tường. Tranh thủ quãng đường dài, cô gợi chuyện thăm hỏi, sẻ chia một cách ân cần. Thế là Tường trút hết ruột gan. Qua câu chuyện, cô Đào hiểu, Tường chỉ mong nhìn thấy nụ cười từ con cái sau một ngày làm việc mệt nhọc, nhưng không có được. Anh ta không nhìn thấy tương lai nên sự bực bội cứ vương vấn trong lòng.
|
Hiện tại, gia đình Tường - Ly cùng nhau vun đắp hạnh phúc - ảnh: T.L. |
Chuyện gia đình Tường được bàn tới trong buổi liên hoan của câu lạc bộ dưỡng sinh khu phố vào một buổi chiều cuối năm khi một thành viên nêu ý kiến: “Cái vợ chồng anh Hồ Tấn Tường và chị Phan Thị Hà Ly ở số 176/7 Nguyễn Thái Sơn ấy. Anh chồng cộc tính, hở ra là nổi nóng, nhậu say về là cãi nhau với vợ. Xung đột lúc này thường xuyên hơn. Nghe đâu vợ chồng có đứa con đầu lòng không may bị bại não”.
Sau khi nắm được thông tin cơ bản, cô Đào đã cùng với hai thành viên của Tổ tư vấn cộng đồng bàn bạc, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho gia đình họ, để giúp người vợ thoát khỏi cảnh bạo hành. Cô Đào đã tìm đến tổ trưởng tổ 31, khu phố 5 để tìm hiểu thêm về hoàn cảnh, các chế độ chính sách, chương trình an sinh xã hội có thể dành cho gia đình này. Hai tuần sau, cô qua thăm nhà Tường - Ly.
Buổi gặp gỡ đầu tiên với Hà Ly đã cho cô Đào thêm nhiều thông tin. Những cơn sốt cao thường xuyên đến với đứa con đầu lòng khiến Ly phải nghỉ việc, ở nhà chăm con. Một mình Tường làm nghề giao hàng để lo cho gia đình năm miệng ăn (hai vợ chồng, hai đứa con và người cô ruột tuổi đã gần 80) nên kinh tế gia đình càng thêm chật vật, thiếu trước hụt sau. Cả ngày anh vất vả ngoài đường, tối về lại thấy con oặt ẹo bệnh tật, quấy khóc. Bế tắc, mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần khiến Tường tìm rượu bia làm bạn, tâm tính trở nên cáu gắt. Con bệnh tật gửi không ai nhận, mà đi làm thì không ai trông con, biết chồng vất vả một mình, dù rất thương chồng, nhưng Ly bất lực, chỉ biết khóc và chịu đựng những trận xô xát.
Đã có sự thân tình, cô Đào và gia đình Tường - Ly ngày càng gặp gỡ nhiều hơn.
Và nỗ lực để giúp họ thoát khỏi túng bấn
Nhận thấy mấu chốt của vấn đề nằm ở kinh tế gia đình nên cô Đào đã nghĩ đến việc giải quyết vấn đề theo hướng đó. Trong một chuyên đề liên quan đến làm phân hữu cơ để trồng rau mầm, cô Đào rủ Ly đến dự. Không ngờ, Ly tham dự và tiếp nhận kiến thức rất đam mê. Nhận thấy có những điều kiện thuận lợi khi nhà Ly ở ngay chợ Gò Vấp, có thể gom rau củ bỏ đi về ủ làm phân hữu cơ nên Hội Phụ nữ phường đã hỗ trợ, hướng Ly đến nghề trồng rau mầm. Với sự chỉ dẫn tận tình về kỹ thuật của các giảng viên đại học, Ly đã thu được những mẻ rau mầm đầu tiên. Phấn khởi với những thành quả ấy, chị từ từ nhân rộng ra. Khi kinh nghiệm đã dày dạn, chị mạnh dạn giới thiệu những thùng rau xanh mướt đến với nhiều hộ dân xung quanh. Cứ 100g rau thành phẩm sẽ mất khoảng 3.500 đồng chi phí và bán được 8.000 đồng. Công việc vừa giúp có rau sạch để ăn, vừa có thêm đồng ra đồng vô, cuộc sống cũng trở nên vui vẻ hơn.
Với vai trò tổ trưởng Tổ vay vốn khu phố, cô Đào đã làm thủ tục cho gia đình họ vay 30 triệu đồng vốn xóa đói giảm nghèo để mua chiếc xe máy mới vừa đi giao hàng vừa chạy xe ôm. Không còn ọc ạch như chiếc xe cũ, công việc của Tường cũng trở nên thuận lợi hơn.
Xác định rau mầm chỉ là làm thêm những lúc rảnh rỗi chứ không thể giúp Ly vươn lên thoát nghèo nên cô Đào đã đề nghị Ly gửi con vào trường mẫu giáo để đi làm. Sau sáu tháng thuyết phục và có sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ phường, Ly mới chịu gửi hai đứa trẻ vào trường để đi làm. Hội Phụ nữ phường đã kết nối xin cho chị công việc làm cấp dưỡng ở một trường mầm non gần nhà, đồng thời còn nhờ một vài hội viên hàng xóm giúp đón con những ngày chị về trễ.
Con đi học, vợ chồng đều đi làm, có thu nhập, áp lực về kinh tế bớt đi, khiến cuộc sống gia đình vui vẻ hơn. Sau nửa học kỳ đầu tiên ở lớp Một, cháu Phát - đứa con khuyết tật - đã viết được một chữ “o” to bằng nguyên trang vở. Hội LHPN phường đã giới thiệu xin cho Phát suất học bổng của trẻ khuyết tật (TFCF). Mặc dù, hai năm chỉ học một lớp, nhưng đứa bé luôn nhận được tình yêu thương của thầy cô Trường tiểu học Hạnh Thông. Ly cũng bắt đầu tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ một cách cởi mở hơn.
Tết, Tổ tư vấn cộng đồng khu phố 5, P.4, Q.Gò Vấp đã đến nhà Tường - Ly. Họ nhận được sự tươi cười chào đón nồng nhiệt của cả gia đình. “Nhìn thấy vợ chồng Tường - Ly hạnh phúc, cuộc sống không còn bấp bênh, Ly có việc làm ổn định, bé Phát hai năm liền nhận học bổng cấp cho trẻ khuyết tật ham học, người cô già cũng được làm hồ sơ lãnh trợ cấp xã hội, tôi vui không biết để đâu cho hết”, cô Đào nói.
Thu Lê