Ba mẹ và gia đình, con và… smartphone

29/06/2017 - 10:30

PNO - Hiện nay, bữa cơm gia đình đã biến thiên thành “bữa cơm smartphone”, “bữa cơm máy tính bảng” vì ai nấy chỉ lo ăn và dán mắt vào màn hình điện thoại và máy tính bảng của mình, xem, rồi thỉnh thoảng tự cười, rồi cáu gắt…

Bao đời nay truyền thống gia đình Việt Nam, bữa cơm chính là tâm điểm sum họp, ấm cúng, yêu thương… Nhưng chúng ta cũng cần thừa nhận rằng, trong không ít gia đình, bữa cơm gia đình không còn truyền thống như xưa. Bữa cơm gia đình ngày nay nhiều khi là “bữa cơm tivi”, “bữa cơm smartphone”, “bữa cơm máy tính bảng”  khi mỗi người cắm cúi ăn và… ngước lên màn ảnh/hình nhỏ chăm chú xem.

Theo nghiên cứu của Cty SuperAwesome chuyên về tiếp thị truyền thông số, thì xu hướng trẻ em tại các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore ngày càng rời xa màn ảnh nhỏ tivi và thay vào đó mà sử dụng smartphone và máy tính bảng kết nối internet để chơi game và xem YouTube là nhiều nhất.

Ba me va gia dinh, con va… smartphone
Trẻ em Việt Nam sử dụng smartphone và máy tính bảng để chơi game và xem Youtube là nhiều nhất. Ảnh minh họa.

Trong số khoảng 1.800 em từ 6-14 tuổi được khảo sát, 87% sử dụng smartphone chơi game và xem YouTube, thì có đến quá nửa được sở hữu thiết bị cho riêng mình. Con số này đã được nhắc đến nhiều dưới góc độ xu thế phát triển hay sự hấp dẫn của các thiết bị công nghệ hiện đại cùng với nội dung số giải trí, mà hầu như rất ít có các phân tích về nguy cơ đằng sau những con số trên.

Đơn cử, có đến 87% dùng smartphone chơi game và xem YouTube, vậy tỉ lệ thực sự sử dụng smartphone vào học tập còn có bao nhiêu? Chơi game sa đà bỏ ăn bỏ học; xem YouTube thì nội dung hổ lốn quá nhiều clip nhằm câu views theo “nội dung người lớn” không được gạn lọc, sẽ tiêm nhiễm vào đầu trẻ bao thứ thiếu lành mạnh?

Người viết còn nhớ ông Trương Đình Anh – cựu CEO của FPT, đã quản việc 4 đứa con của mình chơi máy tính bằng cách cài đặt giờ chơi với khoảng thời gian nhất định cho mỗi đứa trong một ngày, mà không cấm đoán. Vốn là một CEO Cty về công nghệ, và cũng là dân làm công nghệ, có lẽ vị cựu CEO kia hiểu rằng trẻ em, nếu để sa đà vào bất cứ thứ gì khi các em đang trong giai đoạn hình thành nhân cách còn cần được giáo dưỡng rất nhiều, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.

Ba me va gia dinh, con va… smartphone
Nếu để sa đà vào bất cứ thứ gì khi các em đang trong giai đoạn hình thành nhân cách còn cần được giáo dưỡng rất nhiều, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường. Ảnh minh họa.

Nghiện game là một thực tế đã từng xảy ra đối với nhiều đứa trẻ đến nỗi xã hội hiện nay đã phải lập ra các trung tâm cai nghiện game. Còn YouTube, một mạng xã hội về video hiện càng ngày càng được các em thiếu nhi ưa chuộng lại cũng càng ngày càng nhiều những “nội dung cạm bẫy”. Ba mẹ lo cho gia đình với nhiều trọng trách, công việc phải gánh vác mà trong đó một trong những việc nặng nề nhất là kiếm tiền lo cho gia đình. Thương chiều con, mẹ cho con nghịch điện thoại hay máy tính bảng.

Nhưng có không ít trường hợp chúng tôi đã từng chứng kiến trong quán ăn, hoặc quán càphê, mẹ lo buôn chuyện với bạn bè, để “rãnh nợ” con nhỏ cứ đưa cho nó chiếc smartphone hoặc máy tính bảng để chơi game hoặc xem clip. Nhưng nên nhớ rằng, con nít sử dụng thiết bị công nghệ như smartphone hay máy tính bảng còn nhanh biết và nhanh thuần thục hơn cả những người lớn không am tường công nghệ.

Sự “thả dàn” cho các con/em như vậy, lâu ngày khó tránh khỏi thói quen “dỗ dành bằng smartphone” và thiếu quản lí, giám sát về những nội dung mà chúng xem, chơi hàng ngày.

Google đã có YouTube Kids nhưng không phải bậc phụ huynh nào cũng biết, cũng nhận thức phải cài vào thiết bị nào thường được cho con cái mình sử dụng, nhằm tránh những nội dung “bẩn” gây phương hại đến những tâm hồn trong sáng.

Nhưng quan trọng hơn, việc quản lí thiết bị cho trẻ chơi, việc qui hoạch độ tuổi cho trẻ được sở hữu loại thiết bị gì, và sử dụng các quyền giám sát ra sao.v.v…, là những vấn đề các bà mẹ, ông bố không thể không tính tới.

Nên nhớ rằng, trong khi 87% trẻ em 5 quốc gia kể trên sử dụng smartphone chủ yếu chơi game và xem YouTube thì tỉ lệ này ở trẻ em Mỹ chỉ có 56%. Một sự “sa đà” hơn của trẻ em ở Đông Nam Á hay do sự “chiều chuộng” quá mức của các bậc phụ huynh ở khu vực này? Câu trả lời cũng không hẳn còn quan trọng nữa khi mẫu số chung về trách nhiệm dạy dỗ, giáo dục con cái ngoài phạm vi trường học là bố mẹ chứ không phải ai khác.  

Vậy thì bố mẹ dù bận bịu trăm công ngàn việc lo cho gia đình, xã hội thì cũng nên quan tâm nhiều hơn đến con cái và những chiếc smartphone của chúng.

Thụy Du

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI