Ba mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe, qua tết con sẽ về...

27/01/2025 - 12:52

PNO - Những ngày cuối năm, người dân tứ phương lũ lượt rời khỏi TPHCM, trở về quê hương đón mùa tết mới. Giữa sự hối hả của dòng người, có không ít sinh viên đã chọn ở lại thành phố làm việc, mong một tương lai đủ đầy hơn.

Chuẩn bị cho tương lai

4 năm sinh sống và học tập tại TPHCM, đây là năm đầu tiên Lê Thị Mỹ Trinh - sinh viên năm tư Trường đại học Kiến trúc TPHCM - không về quê ăn tết. Bởi lẽ, từ năm 2021, mẹ của Trinh bị ung thư, phải hóa trị và vay tiền nhiều. Trong khi ở quê, ba Trinh chỉ đi làm thuê, trồng vài luống ớt để có đồng ra, đồng vào. Vụ mùa vừa rồi, mấy luống ớt bị mưa vật tơi tả, cảnh nhà càng thêm thiếu thốn.

Mỹ Trinh đi vẽ tranh để có thu nhập dịp tết
Mỹ Trinh đi vẽ tranh để có thu nhập dịp tết

“Quê tôi ở Quảng Ngãi, mỗi dịp tết vé xe đều tăng cao, thời gian đi lại cũng hơn 12 tiếng mỗi lượt. Năm sau tôi bắt đầu làm đồ án tốt nghiệp nên sẽ tốn khá nhiều chi phí. Do đó, tôi quyết định ở lại thành phố cho tiết kiệm, cũng để đi làm thêm, dành tiền tự lo cho mình” - Mỹ Trinh bộc bạch.

Dù việc không về quê có phần khó khăn, nhưng Trinh tin điều này là đúng đắn. Hiện tại, Trinh tận dụng khả năng hội họa sẵn có của mình để vẽ tường, trang trí quán xá… cho một người chị quen biết. Một ngày, nếu làm việc từ 9g đến 17g30 thì Trinh được trả 350.000 đồng. Tuy nhiên, công việc này không cố định, chỉ khi có người thuê thì người này mới gọi Trinh đến vẽ. Do đó, thời gian trống, Trinh làm nhân viên phân loại hàng cho các đơn vị giao hàng, mỗi giờ 25.000 đồng.

Những năm trước, cứ tầm 20-22 tháng Chạp là Trinh đã về quê ăn tết. Có hôm đi làm về đến ký túc xá đã 22g, nhìn căn phòng trống trải vì bạn bè đã về quê hết, Trinh càng thêm nhớ nhà. Trước tết vài hôm, Trinh nhận được một phần quà tết từ Thành Đoàn TPHCM, như thay lời động viên mà thành phố này dành cho cô.

"Tôi sẽ cố gắng hoàn thành thật tốt đồ án tốt nghiệp, ra trường với tấm bằng giỏi, tìm được công việc ổn định để chăm lo cho ba mẹ, không để ba mẹ phải lo hay buồn nữa. Tôi cũng mong ba mẹ thật khỏe mạnh để chờ ngày mình thành công" - Tiên chia sẻ.

Vì ngày mai ổn định

Vì muốn hoàn thành hết công việc tại công ty thực tập nên Trần Thị Mỹ Phụng - sinh viên năm cuối Trường đại học Lao động Xã hội (cơ sở II) - cũng không về quê ăn tết. “Lịch nghỉ tết của công ty tôi thực tập là sau 26 tết. Mà những ngày này vé từ TPHCM về Quảng Ngãi có khi lên đến 2 triệu đồng/vé. Tôi quyết định ở lại không chỉ để tiết kiệm, mà còn để thể hiện bản thân là người có trách nhiệm trước công việc được giao” - Mỹ Phụng tâm sự.

Mỹ Phụng rất vui mừng khi nhận được phần của của thành phố
Mỹ Phụng rất vui mừng khi nhận được quà tết của thành phố

Phụng kể, ở quê, gia đình Phụng thuộc diện hộ cận nghèo. Nhiều năm trước, ba mẹ Phụng cũng rời quê vào TPHCM làm công nhân, có năm cả nhà cũng ở lại thành phố ăn tết. Nhưng kể từ năm ngoái, vì tuổi cao nên ba mẹ Phụng đã chuyển hẳn về quê để sống. Mẹ ở nhà dưỡng bệnh, ba thì ai kêu gì làm đó, kinh tế gia đình đã khó càng thêm khó.

“Mới đầu nghe tôi nói không về thì ba mẹ không cho, nói tôi ráng xin vé xe 0 đồng để về. Nhưng tôi cũng cố gắng thuyết phục ba mẹ rằng tôi đã là sinh viên năm cuối rồi, phải làm tốt thì mới dễ tìm được việc làm, dần dần thì ba mẹ cũng chấp nhận. Giờ ba mẹ vẫn gọi điện mỗi ngày để nói tôi giữ gìn sức khỏe” - Phụng tâm sự.

Sau khi nhận được phần quà tết của Thành Đoàn TPHCM, Phụng cũng bày biện vài món bánh kẹo trong phòng để có không khí tết. Cô cũng xin thêm việc làm xuyên tết để có thêm thu nhập. "Năm mới, con mong sức khỏe của mẹ sẽ ngày càng tốt hơn. Trời ở quê đang lạnh, ba mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe, có dọn nhà cũng làm từ từ, qua tết con về phụ sau nhé. Con sẽ hoàn thành kỳ thực tập, tốt nghiệp đúng hạn để nhanh chóng có việc làm ổn định lo cho ba mẹ" - nữ sinh nhắn nhủ đến ba mẹ.

Cố gắng để trả ơn đời

Với dáng người nhỏ nhắn, Võ Kiều Phương - sinh viên năm ba Học viện Cán bộ TPHCM - lọt thỏm giữa những người chụp ảnh tại Nhà văn hóa Thanh niên (quận 1), khi đứng chờ ai đó giúp mình mang phần quà của Thành Đoàn TPHCM ra xe để chở về nhà trọ. “Tôi ở trọ một mình nên dù không về quê ăn tết, tôi cũng không có ý định sẽ mua quà bánh gì. Phần quà của mọi người đã mang lại cho tôi rất nhiều sự ấm áp, vì tôi biết mình không cô đơn giữa thành phố này” - Phương xúc động nói.

Mỹ Phương tham gia một hoạt động học tập tại bệnh viên
Kiều Phương (hàng trước, thứ ba từ trái qua) tham gia một hoạt động học tập tại bệnh viện

Phương là con thứ ba trong một gia đình khó khăn tại tỉnh Phú Yên, ba mẹ đều đã ngoài 60 tuổi. Trong trí nhớ của Phương, không khí ở quê lúc nào cũng nhộn nhịp. Cả nhà cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, rồi đi chợ tết, cúng kiến ông bà và ăn những mâm cơm ấm cúng. Năm nay, tiền học phí đại học ngày càng cao nên Phương quyết định ở lại thành phố để làm thêm xuyên tết.

Hiện tại, Phương đang làm việc cho một đơn vị trông giữ trẻ nhỏ, vừa chăm sóc, lo ăn uống và chơi với các bé. Ngày thường, mỗi giờ làm việc Phương được trả 20.000 đồng. Trong 3 ngày tết, lương được nhân 3. Phương sẽ làm từ 8g đến 22g nên chỉ có thể tranh thủ giờ nghỉ trưa, hoặc lúc về nhà mới gọi điện hỏi thăm ba mẹ, ông bà và người thân ở quê.

Ấy vậy mà, cô nàng vẫn lạc quan chia sẻ: “Tôi cảm thấy phải cố gắng nhiều hơn nữa để đạt được nhiều thành công trong tương lai, trở thành người tài trợ lại cho người khó khăn như tôi đã từng. Tôi cũng mong ba mẹ ở quê ăn tết vui vẻ, đừng buồn khi tôi không về. Qua tết vé xe rẻ lại thì con sẽ về thăm ba mẹ ngay, ba mẹ ăn tết thật vui nhé”.

Cái tết xa nhà sẽ còn nhiều trống vắng, nhưng những người con xa quê đều đã có cho mình những liều thuốc tinh thần để vượt qua thật trọn vẹn, chờ mong một năm mới bình an, đủ đầy.

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI