Bà mẹ… keo

14/11/2023 - 06:20

PNO - Mấy bác gái hay rỉ tai tôi: “Mẹ cháu keo lắm, lớn lên đừng có như mẹ, khổ đấy”, nhưng hiện Tôi đang sống một cuộc đời như mẹ đã từng.

Người ta hay nói mẹ tôi keo kiệt. Mùa hè, mẹ chỉ có vài ba bộ quần áo mặc đi mặc lại. Mùa đông, mẹ được các bác bên ngoại cho nhiều áo và thêm cái áo da ba mua cho. Mẹ mặc từ khi áo còn màu nâu cà phê tới khi áo bạc đi, tróc hết lớp da bên ngoài, mẹ vẫn mặc.

Nhà tôi buôn bán nên mẹ cũng chẳng mấy khi đi chơi. Mẹ bảo: “Nhà mình buôn bán, đi 1 hôm thì mất khách. Để lúc khác mẹ đi”. Mấy bác gái trong nhà nói mẹ tôi keo, không dám bỏ tiền đi chơi, tham công tiếc việc. Mẹ chỉ cười trừ. 

Ảnh Freepik
Ảnh: Freepik

Đi chợ, mẹ có thói quen trả giá. Hồi đó, tôi đi chợ với mẹ một vòng, thấy mẹ nói khô cổ mà trả giá chỉ được đâu đó chừng 10.000 đồng. Nhưng người ta đâu biết, mẹ chắt chiu từng đồng với mẹ chứ có tiếc gì với chồng con. 

Ba tôi khó tính và gia trưởng, nhưng chưa bao giờ phàn nàn về bữa ăn trong nhà. Mỗi bữa cơm, mẹ đều chuẩn bị tươm tất đồ nhắm rượu cho ba. Hôm thì lòng heo luộc, hôm thì con cá chiên, hôm thì đậu phộng rang. Buổi sáng, mẹ ăn cơm nguội từ tối hôm trước, nhưng bữa cơm nhà bao giờ cũng 4-5 món.

Mẹ tiết kiệm từng đồng một nhưng lại cho anh Ba học trường y. Để mỗi tháng gửi được 3 triệu đồng cho anh, mỗi ngày mẹ phải dậy sớm mở cửa hàng, phân loại các bao phân hóa học, khiêng bao phân hơn chục ký cho khách.

Tôi nhớ, khi anh Hai tôi đang học cấp III và muốn đi xuất khẩu lao động, mẹ cố làm để có tiền cho anh đi. Chuẩn bị xong xuôi mọi thứ cũng mất gần nửa năm. Trong thời gian đó, mẹ kinh doanh thêm tơ tằm. Mẹ đi nhập giống tằm rồi bán lại. Đợi đến vụ, mẹ thu mua con tằm đã nhả kén và bán lại cho thương lái. Trước khi bán, mẹ thức khuya để nhặt ra những con kén bị bệnh, chết, nhả tơ không đẹp. Mẹ nhặt đến nỗi đau mắt.

Tôi là con gái út trong nhà nên được mẹ chiều. Năm nào tôi cũng được mẹ mua quần áo vào năm học mới và tết. Mẹ sợ tôi không bằng bạn bằng bè, nhưng mẹ đâu biết, ở lớp, tôi là đứa có nhiều quần áo đẹp nhất. Có lần, khi mẹ con nằm trên giường, tôi thủ thỉ: “Mẹ ơi, con thèm bánh nếp. Ngủ mà con còn mơ được ăn. Mai mẹ mua cho con nhé”. Mẹ “ừ” một tiếng, rồi ngủ tiếp. Tôi tưởng mẹ ngủ quên mất nhưng sáng hôm sau, đi chợ về, mẹ đã mua bánh rồi. Tôi ăn được vài miếng thì bỏ, mẹ ăn mót.

Khi tôi còn nhỏ, mấy bác gái hay rỉ tai tôi: “Mẹ cháu keo lắm, lớn lên đừng có như mẹ, khổ đấy”. Nhưng chính cái tính tiết kiệm của mẹ đã dạy tôi nhiều thứ. Khi lên đại học hay đi làm, tôi học thói quen ghi chép chi tiêu của mẹ.

Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory
Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory

Sau này, cuộc sống khá hơn, tôi vẫn trân trọng những gì mình có. Mỗi ngày, tôi dành một khoảng thời gian để viết những điều biết ơn. Biết ơn vì hôm nay thức dậy thấy mình còn sống, biết ơn vì bữa ăn ngon, vì được người khác giúp đỡ, vì mình vẫn có công việc… Mẹ hay nói, đâu ai biết trước chữ “ngờ” đâu con. 

Một ngày cuối tuần, sau khi cắm hoa, lau bàn sạch sẽ, sửa di ảnh cho ngay ngắn, tôi đặt mâm đồ cúng cùng đĩa bánh nếp lên giữa bàn thờ. Tôi nhẹ nhàng lấy 3 nén hương, châm lửa, thắp cho mẹ. 2 tay chắp lại, mắt nhắm, những ký ức khi còn mẹ dần hiện lên trong tâm trí tôi.

Dù mẹ đã rời xa tôi gần 10 năm, những điều mẹ dạy vẫn được cất nguyên vẹn một góc trong tim và đi với tôi suốt đời. Tôi đang sống một cuộc đời như mẹ đã từng - biết keo vì những điều không đáng và hào phóng với những điều cần thiết.

 

Tố Uyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI