Những chia sẻ về quá trình vượt cạn khiến cô Rachel Stuhler (người Mỹ) không khỏi ám ảnh. Câu chuyện dưới đây của cô đã được nhiều người mẹ trên thế giới đồng cảm và khích lệ rất lớn.
"Khi mang thai con trai đầu lòng, tôi bị trật khớp xương nên bác sĩ lên kế hoạch sinh mổ. Quá lo lắng, tôi nhắn tin cho một người họ hàng và nhận được câu trả lời: "Ai mà chẳng sinh con. Đừng làm quá lên nữa." Có lẽ cô ấy đã đúng bởi cuộc phẫu thuật diễn ra hoàn hảo. Chính vì vậy, tôi bất ngờ vì vỡ nước ối hai tuần trước khi sinh con trai thứ hai.
Vào tuần thứ 38 của thai kỳ, tôi mất một lúc mới nhận ra nước ối đã vỡ. Do còn quá nhiều việc phải chuẩn bị và không thể để con trai nhỏ ngủ một mình lúc 2 giờ sáng, tôi tự mình đến bệnh viện, giữ điện thoại nói chuyện với chồng về những điều cần làm trong ngày.
|
Cô Rachel Stuhler và chồng |
Khi tôi đến bệnh viện, các y tá nói rằng mọi thứ đều ổn. Vì từng sinh mổ, tôi quyết định tiếp tục cuộc phẫu thuật thứ hai. May mắn thay, tôi chỉ mới mở được vài cm nên vẫn có thể chờ chồng đưa con đến trường.
Ký ức về lần sinh nở đầu tiên khiến tôi sợ hãi. Chiếc kim khổng lồ đâm vào cột sống, mùi thuốc đậm đặc trong không khí như đẩy tôi xuống địa ngục. Tiếng khóc của con làm tôi bừng tỉnh, ngạc nhiên, hạnh phúc rồi cảm nhận rõ hơn về sức nóng bên trong cơ thể.
Con trai thứ hai chào đời lúc 11g sáng; 1g30 phút chiều, tôi vẫn còn ở trong phòng hồi sức. Con vẫn ngủ say trên ngực trong khi tôi chập chờn cơn mê. Khi một y tá đưa con đi, tôi mỉm cười với cô.
Thế nhưng, có tới 4 y tá đang câm lặng nhìn tôi. Họ đưa đến một chiếc xe đẩy có giá đỡ, từ trên xuống dưới đầy những gói vải lanh đẫm máu. Khi ấy, tôi mới nhận ra mình đang bị xuất huyết, và tôi không phải buồn ngủ mà là đang ngất đi.
Các y bác sĩ bắt đầu ra vào căn phòng, sưởi ấm tôi với chăn và thiết bị sưởi. Dẫu tôi cảm thấy tan chảy vì sức nóng, thực chất huyết áp đang tụt nhanh chóng còn da thì lạnh buốt.
|
Hai cậu con trai là động lực của cô Rachel Stuhler trong những giây phút đau đớn nhất cuộc đời. |
Trong khi hai y tá ra sức ấn vào bụng và vết rạch, bác sĩ thực hiện rút máu cục bộ bằng tay. Đó là trải nghiệm thể chất đau đớn nhất trong cuộc đời. Không thuốc gây tê, cơ thể tôi bị xé nát từ bên trong, kinh hoàng đến mức đầu óc trở nên tối tăm, mù mịt.
Tôi cố gắng mạnh mẽ nhưng nhắm nghiền mắt và câm lặng khóc. Tôi không muốn phàn nàn bởi các y bác sĩ đang cố gắng hết sức để cứu chữa. Không một ai muốn làm tổn thương tôi, nên tôi giả vờ như họ không làm thế.
Cuộc phẫu thuật thứ hai bắt đầu với ánh đèn, lời bác sĩ thầm thì: "Tôi sẽ chấm dứt cơn đau." và kết thúc với màu đen rùng mình.
Khi tỉnh lại, tôi nghĩ mọi thứ sẽ ổn. Tôi đang trong quá trình hồi phục, dùng thuốc để xử lý cơn đau, còn chồng có thể yên tâm về nhà. Nhưng họ chỉ nói vậy do tình huống gấp gáp, thực tế, tôi đã mất tới nửa lượng máu trong cơ thể.
Tôi sẽ không bao giờ quên giây phút được cứu rỗi giữa sự sống và cái chết, khi bác sĩ nhi khoa cầm tay tôi và kể chuyện, chia sẻ nỗi đau thể xác mà tôi đang chịu đựng. Tôi nói, "Xin lỗi, tôi không hiểu." còn cô ấy chỉ mìm cười: "Không sao, chị chỉ cần nhìn tôi là được."
Sau đó, tôi đủ tỉnh táo để có thể ôm con một lúc. Tôi cố cười để chụp một tấm hình với con nhưng không thể. Lỡ như trường hợp xấu nhất xảy đến, ít ra con trai tôi vẫn có chút kỷ niệm với mẹ. Rồi các cuộc truyền máu bắt đầu, tôi lại phải xa con lần nữa.
|
Cô Rachel Stuhler cố cười để chụp ảnh với cậu con trai mới sinh nhưng không thể. |
Mỗi lần truyền máu mất hai giờ, và tôi buồn nôn, ngứa ngáy khiến các bác sĩ liên tục kiểm tra phản ứng dị ứng. Hàm lượng hemoglobin và hồng cầu cứ tăng rồi lại giảm. Vào khoảng nửa đêm vào ngày thứ hai, các y tá lại đưa tôi đến gặp con.
Cuối cùng, huyết áp của tôi bắt đầu tăng. Y bác sĩ đã có thể cười đùa. Sau 42 giờ chữa trị, tôi được uống cốc nước mát lạnh. Ngày thứ tư, tôi được gặp con trai đầu lòng. Nhìn thấy con, tôi gần như bật khóc. Tôi tự nhủ, mình đã làm được rồi!
Nhưng khi chịu chấn thương nghiêm trọng đến mức suýt chết, bạn không thể hồi phục ngay sau cơn nguy kịch. Trong gần 3 tháng tiếp theo, tôi không thể đi thẳng lưng. Tôi từng leo cầu thang chỉ 1 tuần sau lần sinh đầu tiên, nhưng lúc này, chỉ ngồi thôi cũng đủ đau đớn. 6 tháng, dẫu tình hình trở nên khả quan, cơ thể tôi vẫn còn nhức nhối.
|
Cô Rachel Stuhler quyết định kể câu chuyện của mình để khẳng định: Dẫu sinh nở là việc tự nhiên, người phụ nữ cũng cần được quan tâm và chăm sóc. |
Tồi tệ hơn hậu quả thể chất là những vấn đề về tinh thần. Trong bệnh viện, tôi đã cố gắng tập trung, đối mặt với những gì tôi có thể kiểm soát và không lo lắng về những điều không thể.
Nhưng khi trở về nhà, tôi kể với họ hàng về chuyện đã xảy ra. Đó là lần đầu tiên tôi lớn tiếng nói rằng tôi từng nghĩ sẽ không bao giờ được về nhà nữa. Bên bàn ăn, tôi khóc nức nở trước mặt mọi người.
Những cơn ác mộng xuất hiện, sau đó là sự lo lắng. Tôi nghĩ bác sĩ hẳn đã bỏ qua điều gì đó, rằng dù sao tôi cũng sẽ chết mà thôi. Vài tuần đầu tiên, tôi chóng mặt mỗi khi thấy nóng nực và cả lúc đứng dậy. Nhà tắm trở thành nơi khủng bố tinh thần tôi.
Do mức độ chấn thương nghiêm trọng, tôi gặp bác sĩ nhiều hơn. Bên cạnh việc giúp tôi thư giãn, bác sĩ chẩn đoán tôi mắc bệnh rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Khi thuốc phát huy tác dụng và thời gian thay đổi quan điểm của tôi về những gì đã xảy ra, tôi bắt đầu chia sẻ câu chuyện của mình với nhiều người. Những gì tôi nhận lại đã khiến tôi bối rối.
Hầu như mọi phụ nữ mà tôi thân thiết đều có trải nghiệm tương tự. Thế nhưng, họ rất kiệm lời về những nỗi đau sinh nở: sảy thai, thai chết lưu, sinh non, hội chứng HELLP, cholestasis... Thậm chí khi tôi nói chuyện với những phụ nữ may mắn hơn, họ cũng gật gù: "Bạn nên gặp chị/em/bạn của mình, cô ấy suýt chết vì nhiễm trùng."
Con số 21 trong 100.000 có thể khiến bạn thấy an toàn, rằng "Điều đó sẽ không xảy ra với tôi. Tôi là 1 trong 99.979 người bình thường." Dù không thuộc con số thống kê đó, tôi vẫn muốn nói rằng tôi rất may mắn, vì dù đau đớn về thể xác và tinh thần, tôi đã nhận được sự chăm sóc tốt nhất từ các y bác sĩ tài năng, tâm huyết của một trong các bệnh viện lớn cùng chế độ bảo hiểm tuyệt vời. Nhưng hãy thử tưởng tượng xem, sẽ thế nào nếu các yếu tố đó thay đổi dù chỉ một chút, như ở Kuwait, Serbia hay Bosnia?
Tôi không còn xấu hổ vì PTSD. Tôi, cũng như vô số phụ nữ khác, đã mắc phải căn bệnh này. Đã đến lúc tất cả mọi người ngừng coi việc sinh nở là bình thường, đơn giản, bởi dù đó là bản năng của phụ nữ, họ cũng đang phải đánh đổi.
Mỗi người trong chúng ta cần phải bước ra khỏi bóng tối và kể câu chuyện của mình. Tôi không biết giải pháp y tế cho những vấn đề này, nhưng tôi thấy rõ khoảng trống cho sự phát triển văn hóa.
Là phụ nữ, là những người mẹ, chúng ta được rèn luyện để thực hiện và đương đầu với khó khăn. Nhưng chúng ta cần dừng lại, ngay bây giờ. Cũng như người gãy lưng cần giúp đỡ, chúng ta cần cho những người thân yêu biết rằng hồi phục sau sinh nở cũng yêu cầu sự chăm sóc, quan tâm như vậy".
Ngọc Anh (theo Cosmopolitan)