Ba mẹ đừng "tố" nhau nữa

10/04/2021 - 10:09

PNO - Chị nghi ngờ mỗi tháng anh lén để dành riêng phụ giúp ông bà nên dặn con trai: “Nếu con thấy ba đưa tiền cho nội thì nói mẹ biết”.

Hai cha con đang trò chuyện ở phòng khách thì bà nội gọi điện thoại. Nói chuyện với bà xong, chồng chị vội vàng ra khỏi nhà. Chị cau có: “Mới sáng sớm mà bà nội kêu ba sang làm gì vậy?”. Cậu con khó chịu: “Nội biểu ba qua lấy vịt về ăn chứ sai bảo gì đâu mẹ”.

Sáng cuối tuần chị nấu nhiều món, thêm con vịt chồng sắp mang về, nên con trai chủ động phụ việc. Vừa làm chị vừa kể, vẫn những câu chuyện cũ rích quen thuộc: “Hồi còn ở quê, bà nội “hành” ba nhiều lắm. Ba mẹ ra ở riêng, nhà nội cả chục người nhưng vào vụ mùa bà vẫn bảo ba cuốc đất, cấy lúa cho bà”. 

Mỗi lần trong lòng có gút mắc, anh chị đều trút lên con, khiến cậu bé phải suy nghĩ và dĩ nhiên không vui. Ảnh minh họa
Mỗi lần trong lòng có gút mắc, anh chị đều trút lên con, khiến cậu bé phải suy nghĩ và dĩ nhiên không vui. Ảnh minh họa

Chồng chị là đứa con hiếu nghĩa. Có năm vì mải mê “làm không công” cho gia đình bà nội nên trễ việc ruộng nhà. Năm đó mất mùa, chị cằn nhằn mãi, anh hứa sẽ chú ý hơn vào mùa sau, nhưng rồi vẫn như cũ. Chị giận đến nỗi tìm cách thuyết phục chồng bán ruộng vườn lên thành phố lập nghiệp. 

Anh có nghề sửa đồ điện lạnh, lên phố càng dễ sống. Chỉ vài năm tiệm của anh đã có hàng chục thợ chính thợ phụ. Thấy anh làm ăn được, bà nội bảo các chú theo anh học nghề.

Rồi gia đình bà cũng rời quê lên phố. Các chú các cô lần lượt lập gia đình và có cuộc sống riêng. Chú út sống với ông bà. Vợ chồng chú là công nhân xưởng đông lạnh nên thu nhập chỉ tạm đủ.

Chị nghi ngờ mỗi tháng anh lén để dành riêng phụ giúp ông bà nên dặn con trai: “Nếu con thấy ba đưa tiền cho nội thì nói mẹ biết”.

Tất nhiên cậu con không thích như thế. Cậu nói với chị: “Con thương ba, thương mẹ và dĩ nhiên thương cả ông bà nội. Ba cũng than phiền với con về mẹ”. Rồi cậu nhắc tới chuyện hồi ở quê chị luôn than tiền không đủ đi chợ nhưng lại giấu riêng một khoản để chơi lô đề. Đôi lúc túng thiếu, chị còn vay nặng lãi để chơi. 

Từ khi sống ở nhà mới, chị không còn các mối quan hệ láng giềng thân mật, nên bỏ trò đỏ đen. Anh mừng nhưng luôn cảnh giác. Anh chỉ đưa chị đủ tiền chợ hằng tuần. Số còn lại anh dành dụm giữ riêng. Nhờ vậy, anh mua được thêm một căn nhà mặt tiền, để dành cho thuê. 

 Anh giữ tiền và thường đi khắp nơi nên chị không thể biết anh chi xài vào việc gì, có cho biếu tặng ai, có “nuôi” ai bên ngoài không. Nhiều lần chị gợi ý chuyện này, anh chỉ nói giữ để hằng ngày mua đồ cho tiệm và anh giữ thì tiền mới còn. Không tranh luận được, chị im lặng, sau đó trút nỗi niềm lên con. 

Con trai mới mười mấy tuổi, cần thời gian để học, chơi và vui vẻ trong thế giới hồn nhiên. Mỗi lần trong lòng có gút mắc, anh chị đều trút lên con, khiến cậu bé phải suy nghĩ và dĩ nhiên không vui.  

“Tại sao ba mẹ không thể tin tưởng lẫn nhau, sao cứ làm khó nhau khi chúng ta là người trong một gia đình? Nếu ba mẹ mỗi người nhường nhau một chút, cùng ngồi lại thỏa thuận những cách mà cả hai đều cảm thấy ổn thỏa, thì cả nhà sẽ yên vui và con đỡ mệt đó mẹ”, cậu con ngồi tâm sự với chị. 

Chị ngớ ra, con chị đã lớn rồi. 

Việt Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI