Ba mẹ “đụng độ” nhau suốt

10/10/2020 - 05:20

PNO - Nhà chỉ có hai người, như hai chiếc xe đối đầu nhau trong con hẻm, xe này cứ canh xe kia từng mét một. Hễ em góp ý với bà, thì bà giận dỗi, hễ góp ý với ông thì ông bảo cứ về ở nhà đấy mà chiều mẹ

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Em là con gái út trong gia đình. Ba mẹ em có ba người con, anh chị đều đã lớn, lập gia đình ra riêng, em lấy chồng năm ngoái, năm nay cũng ra riêng.

Em thấy sống riêng rất thoải mái. Vấn đề đau đầu của mấy anh chị em bây giờ chính là ba mẹ. Từ khi các con ra ở riêng, nhà chỉ còn hai vợ chồng già với nhau, ông bà “đụng độ” nhau suốt. Cứ khoảng hơn tuần, nửa tháng lại có điện thoại, không gọi đứa này thì gọi đứa kia, ông kể khổ, bà than phiền, cứ bảo chúng mày về mà trông ba (hoặc mẹ), tao giờ không chịu nổi nữa.

Em hiểu khi nhà chỉ còn hai người, chuyện gì đi nữa thì ba hoặc mẹ cũng chỉ có một “đối tác” là người còn lại thôi. Ba đi đâu với các ông bạn về ăn cơm trễ là mẹ càm ràm ba suốt bữa. Mẹ mua sắm thứ gì không vừa mắt là ba “góp ý trực tiếp ngay và luôn” với mẹ. 

Ngày trước còn có các con, chuyện vui buồn đôi khi còn có đứa gánh, mẹ giận ba cũng có chỗ trút, quan trọng là mẹ mải lo cho các con nên quên bớt ba đi. Nhưng bây giờ nhà chỉ có hai người, như hai chiếc xe đối đầu nhau trong con hẻm, một xe tiến một xe phải lùi, xe này cứ canh xe kia từng mét một nên tự nhiên sinh ra nhiều chuyện. Hễ em góp ý với bà, thì bà giận dỗi, hễ góp ý với ông thì ông bảo cứ về ở nhà đấy mà chiều mẹ, ba không làm nổi.

Nhiều hôm mẹ giận ba, bỏ bữa không ăn, kêu đau ốm, làm mấy chị em hết hồn tưởng mẹ ốm thật. Mà nói dại, tới lúc mẹ ốm thật không biết làm sao. Chẳng lẽ lại phải dọn về ở chung với ông bà? Có cách nào để ba mẹ vui sống đầm ấm lúc tuổi già, tránh bớt những mâu thuẫn lặt vặt này không hả chị?

Thiên Thư (TP.HCM)

Nhà chỉ còn hai ông bà già, vừa mới vui đó mà có thể lập tức giận hờn, cãi vã. Ảnh minh họa
Nhà chỉ còn hai ông bà già, vừa mới vui đó mà có thể lập tức chuyển giận hờn, cãi vã. Ảnh minh họa.


Em Thiên Thư thân mến, 

 “Chiếc tổ trống” là một hiện tượng tâm lý quan trọng trong những cuộc hôn nhân xế chiều, khi con cái trưởng thành rời tổ ấm bay đi và nhà chỉ còn hai vợ chồng già. Không phải chỉ là những xung đột, mâu thuẫn, mà ngay cả khi quá nhiều yêu thương chăm sóc dồn lên một người cũng khiến người ta quá tải.

Ngày trước, mẹ còn các con để chăm sóc, nay thì nhà chỉ còn một người. Buổi sáng buổi chiều nói chuyện với người đó, đi ra đi vào cũng với người đó, có bực bội hay vui vẻ cũng chỉ chia sẻ chuyện trò với người đó thôi. Cái không gian riêng khi còn trẻ người ta khao khát nay trở thành một khoảng trống phải lấp đầy, trong khi năng lượng sống của mỗi người đều đã hao hụt. 

Hiểu được điều đó, em và các anh chị nên thống nhất cùng nhau một lịch cụ thể để về thăm ông bà, mang thêm những niềm vui, những hiện diện của mình vào khoảng trống mà mình đã để lại ấy. Khi có thêm con cháu, ông bà sẽ bận rộn chuẩn bị cho các con nhiều hơn, có nhiều chuyện để cùng bàn cùng vui, bớt “soi” nhau, người nọ bớt cằn nhằn người kia.

Khi có dịp, các gia đình nhỏ cũng có thể tổ chức cho ông bà ra khỏi nhà, đi ăn chung với con cháu, đi du lịch cùng con cháu. Những niềm vui ấy là một cách để ngừa bớt cơn giận dỗi bất bình lúc nào đó xảy đến mà mình không kiểm soát được. Đừng để đến lúc ông bà giận nhau, mình mới về hòa giải, hòa giải chưa xong mình lại bận việc phải đi, ông bà sẽ giận nhau tiếp đấy.

Hai người với nhau trong một gia đình, hễ đã có mầm giận thì sẽ quá nhiều chuyện để không bằng lòng, để cằn nhằn và suy diễn, ngày càng trầm trọng hơn. Các con chính là “đường tránh” cho những khúc cua nguy hiểm lúc xế chiều của ba mẹ. Quan tâm đến ba mẹ chính là những chuyện này em ạ, chứ không chỉ chuyện tiền bạc vật chất.

Người già cần người biết lắng nghe mình, cần người trò chuyện chia sẻ. Vẫn biết cuộc sống của em bận rộn, nhưng nếu bố mẹ không vui khỏe, đến lúc các cụ ốm đau mình sẽ phải vất vả hơn nhiều. Việc này cần hết cả mấy anh chị em cùng làm, nhưng bản thân mình cũng có thể chủ động được.

Em cố gắng nhé, chúc em vui.  

HẠNH DUNG

 

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI