Ở ấp Vân Hàn, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM, nói đến người phụ nữ (PN) tên Huỳnh Thị Thi Nhân, 44 tuổi, ai cũng biết. Chị là một bà mẹ đơn thân vượt lên số phận, thoát nghèo ngoạn mục. Câu chuyện về chị đã truyền động lực, niềm tin và ý chí vươn lên cho nhiều PN.
Ngôi nhà ngói kiên cố, khang trang nằm khuất sau cánh cổng đầy hoa, dây leo bên cạnh con đường đất đỏ, cách Tỉnh lộ 7 khoảng 50m là ngôi nhà mà chị Nhân và con gái đang trú ngụ. Không xa phía sau căn nhà là dãy chuồng heo với hàng trăm con đủ loại: heo nái, heo con, heo lứa...
|
Chị Huỳnh Thị Thi Nhân bên đàn heo gần 300 con của mình |
Chị Nhân, người PN nhỏ nhắn, có nước da rám nắng ngập ngừng bảo khách: “Em thông cảm, chị dở tay cho đàn heo ăn. Ngày nào cũng phải “phục vụ” chúng ba cữ sáng - trưa - chiều. Cữ sáng cực và mất thời gian hơn vì còn phải dọn dẹp, tắm rửa đàn heo trước khi cho chúng ăn”.
Tôi bất ngờ hơn khi chị tiết lộ, hiện đàn heo có gần 300 con, nhưng chỉ một mình chị sớm hôm chăm sóc, kiêm nhiệm luôn “bác sĩ” thú y. Để có cơ ngơi như hiện nay, ít ai biết rằng, người PN này đã có một quãng thời gian dài khốn khó trăm bề, cả về tình duyên lẫn sinh kế.
Cũng như bao PN khác, chị lấy chồng năm 25 tuổi với ước mơ về một mái gia đình ấm no, có những đứa con ngoan, khỏe mạnh, học giỏi, người chồng chung lưng đấu cật, quan tâm lo lắng chia sẻ công việc, chí thú làm ăn. Cưới xong, hai vợ chồng chị ra riêng với căn nhà tôn, vách tre dựng trên mảnh đất hơn 1.000m2 do cha mẹ chị cho.
Hoa lợi không có, chị đành mượn “bằng khoán” người bà con để vay tiền nuôi vịt chạy đồng. Làm được hai ba đợt, do không có kinh nghiệm, vịt bị bệnh chết dần, người ta lấy lại “bằng khoán”, chị gánh món nợ 10 triệu đồng. Chồng chị, lẽ ra phải là người đứng mũi chịu sào, làm trụ cột chính của gia đình thì lại tìm đến rượu chè “sáng say chiều xỉn”.
Khi con gái lên hai tuổi, gia đình chị thường xuyên có những cuộc cãi vã kịch liệt với kết thúc là những tiếng vỡ vụn của chén đĩa, xoong nồi... Quá sức chịu đựng, chị quyết định ly hôn, giành quyền nuôi con. Sau ly hôn, chồng bỏ về quê, từ đó đến nay không một lần chu cấp cho con dù tòa đã tuyên xử.
Duyên nợ dang dở, gánh nặng một mình nuôi con, khiến chị nhiều đêm khóc thầm, trách phận mình bạc. Song vì con, chị đã trở nên mạnh mẽ, kiên cường. Chị quyết định gửi con cho bà ngoại và người em gái trông hộ, còn mình xin vào làm ở xưởng sơ chế cá ở gần nhà. Làm nửa buổi ở xưởng, thời gian còn lại, chị lại bì bõm đi từ cánh đồng này đến cánh đồng khác bắt ốc, mò cua về làm thức ăn nuôi vịt.
Dù cố gắng, nhưng hai mẹ con chị vẫn phải ăn nhờ cơm nhà ngoại, mà bà thì đã già yếu, còn các anh chị em đều làm nông, cũng chật vật kiếm sống cho gia đình mình. Năm 2004, đúng lúc gia cảnh khó khăn nhất, câu chuyện khốn khó của chị đã được chi hội trưởng PN ấp Vân Hàn biết đến. Hội PN ấp đã tích cực đề xuất, làm thủ tục để bảo lãnh cho chị vay số tiền một triệu đồng. Số tiền trên, với chị là một phao cứu sinh.
Có tiền, chị đầu tư mua hai con heo giống về nuôi. Sẵn tính chịu thương chịu khó, cuối năm đó, chị “gả” cặp heo, chẳng những trả được nợ vay cũ, chị còn được vay thêm vốn mới để đầu tư lứa heo khác. “Tết năm đó là năm đầu tiên mà mẹ con tôi cảm nhận được cái tết thật sự: nhà có gạo, có thịt, có dưa hấu... như bao gia đình khác” - chị rơi nước mắt, nhớ lại. Chị không nhớ bao nhiêu lần nuôi heo nái, rồi từ heo con, chị gầy dựng đàn heo ngày một nhiều lên.
Niềm vui cũng nhân lên từng ngày khi mỗi lần “xuất chuồng” đợt heo là mỗi lần số tiền vay nợ lại vơi đi. Con gái chị ngày một lớn thêm, xinh xắn, ngoan hiền, học giỏi.
Thế nhưng, đúng lúc đang nghĩ ngày tháng cơ cực đã lùi xa thì chị gặp hạn. Hè năm 2009, chị nuôi đàn heo khoảng 100 con, còn hơn một tháng nữa xuất chuồng thì xảy ra dịch tai xanh, heo cứ chết hàng loạt. Sau đợt dịch, gần 2/3 số heo chết, khiến chị điêu đứng với nợ vay ngân hàng sắp đáo hạn. Một lần nữa, Hội PN tiếp tục hỗ trợ, giới thiệu chị đi học khóa thú y ở xã.
Từ một PN không biết gì về chẩn đoán và điều trị các bệnh của heo, sau khóa học, chị đã tự chăm sóc đàn heo mỗi khi chúng bị bệnh, lại còn có thể làm được tất cả công việc lẽ ra là của đàn ông như đỡ đẻ, thiến heo. Có được hiểu biết về thú y, chị tự tin vực dậy đàn heo.
Từ đó đến nay, đàn heo cứ thế tăng dần, đến giờ chị đã có đàn heo trên 200 con heo thịt, 20 heo nái, mỗi năm chị xuất bán vài ba lần, trừ tất cả các khoản, chị cũng để dành được trên 200 triệu đồng để chăm lo cho bản thân và nuôi con ăn học. Không chỉ là tấm gương vượt khó, chị Nhân còn được biết đến là một cán bộ Hội mẫn cán, luôn chăm lo, giúp đỡ các chị em PN có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.
Trong vai trò ủy viên Ban chấp hành Hội PN ấp, chị tích cực tham gia công tác Hội, tuyên truyền cho chị em về xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, vận động chị em tham gia câu lạc bộ “Gia đình nuôi dạy con tốt”… Đặc biệt, với kinh nghiệm trên 10 năm chăn nuôi heo của mình, chị đã giúp nhiều chị em trong xóm chăn nuôi heo đạt hiệu quả kinh tế cao, vươn lên thoát nghèo. Cuộc sống sung túc, với một mái nhà kiên cố được xây dựng năm 2011 thay cho mái nhà tôn, vách mây tre ọp ẹp;
Được nhiều người tin yêu, nhưng điều chị Nhân tự hào nhất chính là cô con gái của mình, sinh năm 1997. Cháu luôn học giỏi, nhất là môn tiếng Anh. Năm học này, con gái chị chính thức trở thành tân sinh viên đại học, với ước mơ sẽ trở thành giáo viên dạy tiếng Anh. Tôi hỏi chị có khi nào nghĩ đến chuyện “đi bước nữa”, chị bảo sau đận lấy nhầm người sáng say chiều xỉn, chị thấy “ở độc thân như vầy cho tự do tự tại. Giờ chị chỉ mong trời cho có sức khỏe để làm kiếm tiền lo cho mình và con”.
Hoài An