Ba mẹ tôi rất hay ghen. Những lần ghen bóng ghen gió của ba mẹ luôn ảnh hưởng đến không khí gia đình. Chị em tôi khi ấy chỉ biết trốn biệt vào phòng, bởi ba thì to tiếng, mẹ thì chì chiết, đinh tai nhức óc. Thực ra ba mẹ tôi luôn để mắt đến nhau nên chẳng ai có điều kiện ngoại tình. Vậy mà, tôi phát hiện hình như hai người đang có niềm vui riêng.
Niềm vui dễ thấy nhất là từ cái điện thoại. Điện thoại của mẹ thường tắt tiếng mỗi khi online nên ba vẫn tin là mẹ đọc báo. Nhưng tôi thấy mẹ cười rất tươi, có khi bẽn lẽn - nụ cười hiếm khi mẹ bày tỏ với ba.
Mỗi lần online, mẹ ngồi rất gần ba, dường như để ba tin mẹ không làm điều gì mờ ám. Có lần ba hỏi mẹ: “Em đang nhắn tin à, cho ai vậy?”. Mẹ trả lời rất tự nhiên: “Với nhỏ bạn thời sinh viên”. Chẳng biết ba tin không, nhưng chắc ba tôi cũng “bận” suy nghĩ và có những hành động tương tự nên chuyện họ để ý nhau trở nên nhẹ nhàng.
Tôi mừng vì không khí gia đình đỡ căng thẳng. Nhưng trong nỗi vui mừng ấy chất chứa quá nhiều lo lắng. Nếu ba hoặc mẹ biết người kia ngoại tình thì chị em tôi chứ chẳng ai khác sẽ phải hứng chịu hệ lụy.
Tôi khẳng định ba mẹ đang ngoại tình không chỉ vì cả hai có nhiều biểu hiện khác lạ. Bằng chứng rõ nhất: khi người này vắng nhà, người kia không ngại nghe/gọi điện thoại cho “đối tác”, với giọng điệu ngọt ngào; nhưng khi chúng tôi xuất hiện bên cạnh thì lại ấp a ấp úng. Cũng có khi, ba mẹ thản nhiên bày tỏ cảm xúc với phía bên kia. Tôi đoán ba mẹ tin rằng chị em tôi sẽ không dám “méc”. Họ lợi dụng điểm yếu đáng thương ấy của chúng tôi để tìm niềm vui riêng.
Tôi không trách ba mẹ mà chỉ sợ họ phát hiện ra nhau. Niềm vui riêng của họ như bom nổ chậm, chẳng biết nổ khi nào. Tôi không phản đối việc ba mẹ có niềm vui riêng, miễn sao không làm đảo lộn cuộc sống gia đình. Tôi biết mẹ sống với ba là vì chị em tôi, còn ba duy trì gia đình vì sĩ diện đàn ông, không chấp nhận làm người thất bại. Có thể tôi là đứa con dễ tính.
Thậm chí tôi biết cách làm cho không khí gia đình vui hơn, hay có thể ghìm những cuộc xung đột có thể bùng phát giữa ba mẹ. Tôi không cổ xúy hành động của ba mẹ, nhưng chưa một lần góp ý cảnh báo, vì tin họ biết cách… chùi mép.
Khi ba đi vắng, mẹ cũng tìm cách ra ngoài, nhưng đến giờ cơm thì luôn có mặt. Điều đó khiến tôi cảm thấy được an ủi. Hình như khi thấy mình có lỗi, ba mẹ càng ra sức vun vén cho gia đình, ví như ba chịu làm việc nhà phụ mẹ, mẹ cũng cởi mở hơn, với nhiều bữa ăn ngon và những câu chuyện hài lượm lặt đâu đó.
Không khí không còn căng thẳng, tôi được hưởng lợi trong nỗi lo sợ, thầm quan sát và thầm mong mọi việc bình yên. Giờ đây, ba và mẹ, ai cũng chải chuốt, chăm sóc ngoại hình hơn trước. Tình yêu khiến ba mẹ trẻ đẹp ra, nhưng vẻ đẹp ấy ba mẹ không dành cho nhau, không vì nhau, nghĩ cũng thật đáng tiếc.
Tôi vẫn hay thắc mắc, điều gì khiến ba mẹ không còn kiểm soát nhau? Những kẻ hay ghen nay lại thoải mái đến kinh ngạc. Dù không còn bị nghe ba to tiếng, mẹ chì chiết, lòng tôi vẫn bất an. Thôi thì, đứa trẻ ranh chưa hiểu đời như tôi, hãy lạc quan mà sống. Chuyện người lớn, có lẽ mình chưa hiểu. Tôi tự an ủi mình thế thôi.
Mười tám tuổi, tôi cũng biết tình yêu cho con người động lực và sự thăng hoa như thế nào. Nhưng tình yêu… phạm pháp kiểu ba mẹ tôi, quả thật tôi không ngờ có ngày nó rơi trúng vào gia đình mình. Nhỡ khi đổ bể, chị em tôi biết bênh ai, bỏ ai?
Bình Minh
Lời con trẻ: Chúng tôi giận cả hai bên
Những đứa trẻ như chúng tôi chỉ là tờ giấy trắng, tinh thần rất dễ lung lay theo lời nói của bố mẹ. Khi thấy người lớn cãi nhau, đa phần chúng tôi sẽ sợ hãi, vẽ ra đủ mọi viễn cảnh xấu nhất trong đầu. Vì không hiểu được chuyện gì đang xảy ra, nên khi được bố hoặc mẹ giải thích, chúng tôi sẽ nhất nhất tin lời, từ đó lại sinh ra nhiều thứ cảm xúc giận hờn, căm phẫn.
Tôi từng biết chuyện một người mẹ giữa đêm lôi đám con tuổi vị thành niên đi đánh ghen, để con chửi bố, đánh bố trước mặt bao người. Người mẹ đã để cơn tức giận làm mờ mắt, gieo vào lòng những đứa con sự hận thù với chính người thân. Sự tức giận, nỗi hận thù đó như quả tạ ngàn cân mà đứa con phải đeo suốt đời và trong gia đình không bao giờ còn bình yên nữa.
Đôi khi, cho con trẻ biết việc đang thực sự xảy ra là cần thiết, để chúng tôi không cảm thấy mình là người ngoài, để chúng tôi không vô tâm, ngơ ngác ngỡ rằng mọi chuyện trên đời sẽ luôn như ý. Chúng tôi cần biết từng chút một, dẫu có đau lòng, để có thể trở thành những đứa trẻ hiểu chuyện, để có thể nhìn nhận được phải trái.
Khi nói thật về những gì đang diễn ra, bố mẹ đồng thời phải dạy con cái giữ bình tĩnh trước mọi tình huống. Việc kể xấu người kia không chỉ để lại vết thương trong lòng con trẻ mà còn bắt đầu những ngày tháng giận hờn căng thẳng của con đối với chính bố mẹ của mình. Con cái sẽ giận người làm sai, giận người đã bắt đầu “trận chiến” trong nhà, giận cả người kể cho chúng nghe những điều xấu xa, khiến đứa trẻ đánh mất sự hồn nhiên.
Hồ Công Khánh Vân
(lớp 11/21, Trường Quốc tế
Á Châu, TP.HCM)