Ba mẹ của ai?: Đi đông, đi tây nhưng không về thăm mẹ

12/08/2022 - 09:33

PNO - Thạc sĩ Trần Tuấn Anh - nguyên giảng viên Trường đại học Hà Nội - từng chia sẻ với chúng tôi câu chuyện có những người giàu, thậm chí rất giàu “check in” toàn thế giới nhưng cả đời ba mẹ họ có ước mơ đi máy bay lại chưa thực hiện được.

Câu chuyện ấy giống hệt chuyện của cô Ánh, 74 tuổi, cô họ tôi. Cô Ánh từng tự hào vợ chồng cô chỉ là công nhân ở một thị xã nghèo nhưng con cái rất thành đạt, giàu có, đi nước ngoài như đi chợ.

Quê cô Ánh ở thị xã Chí Linh, Hải Dương. Vợ chồng cô có một trai, một gái. Con trai cô hiện đang là giám đốc một doanh nghiệp xây dựng. 17 năm trước, vợ chồng cô Ánh nghe con trai “rủ rê”: “Bố mẹ vào Sài Gòn với con cho tiện. Hai anh em con giờ lập nghiệp trong này, khó về Bắc thăm bố mẹ được”. Trẻ cậy cha, già cậy con nên vợ chồng cô Ánh bán hết nhà cửa để vào Nam với con.

Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory
Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory

 

Họ mua căn nhà nhỏ ở Thủ Đức. Con trai thì sống ở Q.7, con gái sống ở Bình Tân nhưng vài năm trước cũng theo chồng sang châu Âu công tác theo dự án, 2 - 3 năm mới về một lần. 

Lên thành phố được vài năm, chồng cô Ánh đột quỵ rồi qua đời. Từ đó, cô sống một mình. Thỉnh thoảng, các con tạt qua chơi. Con trai cô từ kỹ sư lên trưởng phòng rồi lên phó giám đốc, rồi giám đốc. Cứ vậy, số lần cô được gặp con cháu ít dần.

Đôi khi người quen từ Bắc vào ghé qua chơi, ánh mắt của cô sáng lên, những câu chuyện “xuyên thế kỷ” kể không bao giờ hết. Cô luôn miệng khoe: “Cái Vân (con dâu cô) vừa đi từ thiện về đấy. Nó đi suốt thôi, chẳng có thời gian tới đây đâu. Nó mê từ thiện và đi chùa lắm. Tháng Ba vừa rồi, nó sang Ấn Độ cả tháng để đi chùa đấy”. Rồi cô Ánh lại khoe: “Nhà Bi (cháu nội) vừa đi du lịch về. Tết thì đi châu Âu, hè đi Canada cả tháng”.

Mở tủ lạnh, cô Ánh khoe đủ thứ bào ngư, yến sào, cá ngừ, cá hồi… con trai cho lái xe đem qua nhưng cô không biết nấu nên cứ để đó. Nói rồi, cô lại “rưng rưng”: “Một mình nuốt không nổi đâu con. Bây giờ cô già rồi, chỉ thích ăn đạm bạc, đơn giản cho nhẹ bụng”. Nhìn ánh mắt và câu chuyện của cô, chúng tôi luôn thấy sự cô đơn, thiếu thốn tình cảm, mong được gặp người thân, con cháu ở tuổi già.

Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto
Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto

 

Đại đức Thích Trí Thịnh, Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, trụ trì chùa Kim Sơn - Lạc Hồng, cho rằng trong cuộc sống, rất nhiều phật tử lên chùa thường xuyên nhưng lại không hiếu kính với cha mẹ, đi từ thiện thường xuyên nhưng lại chẳng mảy may chăm lo cho đấng sinh thành.

Nhiều người nghĩ chúng ta có thể báo hiếu cho cha mẹ, ông bà bằng vật chất nhưng đại đức Thích Trí Thịnh cho rằng điều cha mẹ già cần không phải là của ngon, vật lạ, đồ ăn đắt tiền mà là những lời thăm hỏi ân cần, tử tế; những cuộc trò chuyện, sẻ chia; những bữa cơm gia đình rất đỗi bình thường.

Chữ hiếu là đạo lý lâu đời của người Việt. Đại đức Thích Trí Thịnh bảo đừng lấy lý do công việc bận rộn hay mải mê với các niềm vui của bản thân mà quên đạo làm con. Cha mẹ hy sinh cho con cái, không bao giờ yêu cầu đền đáp; thế nên đừng để đến khi cha mẹ không còn mới quay đầu hối tiếc.

Nguyễn Hồng Nhung (Hà Nội)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI