Ba mẹ con cụ Nguyễn Thị May (84 tuổi, trú tại TP.Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) vừa có đơn khởi kiện, yêu cầu Viện kiểm sát (VKS) Quân sự Quân khu 1 tổ chức đính chính và công khai xin lỗi vì đã khởi tố, bắt giam oan đối với họ.
Cụ Nguyễn Thị May cho biết đã gửi đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân TP.Cao Bằng, yêu cầu cơ quan này buộc VKS Quân sự Quân khu 1 phục hồi danh dự cho ba mẹ con cụ.
Hơn 30 năm trước, cụ May cùng hai con ruột là Trần Thị Nga (57 tuổi) và Trần Ngọc Hùng (52 tuổi) bị khởi tố, bắt giam oan trong một vụ án giết người. Từ đó tới nay, cụ May đã “gõ cửa” khắp các cơ quan tố tụng yêu cầu xin lỗi và bồi thường cho mẹ con cụ, nhưng chưa được giải quyết.
Ba mẹ con bị bắt oan
Theo nội dung vụ án, tối 7/2/1988, thượng úy Lê Danh Tân (công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng) vào nhà cụ May ngủ nhờ. Rạng sáng hôm sau, nghe tiếng động lạ, cụ May chạy ra thì thấy anh Tân đang nằm dưới hố phân heo.
|
Cụ May cùng luật sư đến trụ sở Viện kiểm sát Quân sự Quân khu 1 |
Cụ hô hoán các con thức dậy, kéo anh Tân ra khỏi hố phân, đưa đến trạm xá. Dù được chữa trị nhưng anh Tân đã tử vong. Công an tỉnh Cao Bằng ra quyết định khởi tố vụ án giết người.
Quá trình điều tra, VKS Quân sự tỉnh Cao Bằng (nay là VKS Quân sự Quân khu 1) lần lượt khởi tố bị can đối với ông Trần Ngọc Hùng, bà Nguyễn Thị May và bà Trần Thị Nga, cùng về tội giết người.
Tháng 3/1990, do còn nhiều tài liệu, chứng cứ cần phải làm rõ nhưng thời hạn điều tra đã hết, VKS Quân sự Quân khu 1 ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án.
Đến ngày 4/3/1991, cơ quan này ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với cụ May và hai con của cụ, vì các chứng cứ thu thập không đủ chứng minh hành vi phạm tội. Ba mẹ con cụ May được trả tự do sau khi ông Hùng bị giam giữ gần 24 tháng, cụ May 6 tháng và bà Nga 2 tháng.
“Mẹ con chúng tôi được thả ra mà không có quyết định trả tự do, cũng không có bất kỳ văn bản nào minh oan” - cụ May cho hay.
Được về nhà nhưng vẫn mang tiếng là kẻ giết người nên cụ May làm đơn gửi các cơ quan tố tụng từ địa phương đến trung ương để yêu cầu xin lỗi và có trách nhiệm trong việc khởi tố, bắt giam oan mẹ con cụ. Tuy nhiên, đến nay đã ba thập niên “đội đơn” đi khắp nơi, nhưng cụ May vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Mãi đến tháng 5/2020 và tháng 12/2020, VKS Quân sự Quân khu 1 mới lần lượt có hai công văn trả lời nhưng đều khẳng định không có căn cứ để giải quyết yêu cầu công khai xin lỗi cũng như bồi thường oan sai cho mẹ con cụ May.
Khởi kiện, yêu cầu công khai xin lỗi
Theo VKS Quân sự Quân khu 1, cơ quan này đã ra quyết định đình chỉ bị can đối với ba mẹ con cụ May. Dù không ghi nơi nhận nhưng tại điều 2 của quyết định có ghi “giao cho Trần Ngọc Hùng, Nguyễn Thị May và Trần Thị Nga mỗi người một bản…”. Đồng thời, VKS Quân sự Quân khu 1 cũng thông báo việc đình chỉ bị can gửi tới VKS nhân dân tỉnh Cao Bằng, Phòng Xây dựng nhà đất thị xã Cao Bằng (nơi cụ May đang công tác), UBND phường nơi ba mẹ con cụ May cư trú.
Với lập luận, từ khi vụ án xảy ra đến nay, lý lịch tư pháp của ba mẹ con cụ May không có tiền án, tiền sự liên quan đến vụ án, không bị hạn chế bất cứ quyền công dân nào, VKS Quân sự Quân khu 1 cho rằng ba mẹ con cụ đã nhận được quyết định đình chỉ bị can.
Hơn thế, kể từ thời điểm ra quyết định đình chỉ bị can, qua kiểm tra hồ sơ lưu trữ cho đến tháng 4/2020, VKS Quân sự Quân khu 1 không nhận được bất kỳ đơn thư nào của ba mẹ con cụ May hay các đơn thư khác có liên quan đến vụ án. Do vậy, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc bồi thường đã hết.
Trái ngược với quan điểm của VKS Quân sự Quân khu 1, gia đình cụ Nguyễn Thị May khẳng định suốt hơn 30 năm nay, ba mẹ con cụ chưa được nhận bất cứ quyết định hay văn bản nào liên quan đến việc đình chỉ bị can nên nỗi oan “giết người” vẫn treo lơ lửng trên đầu họ, và đó là lý do họ đã phải dành một phần ba cuộc đời để đi kêu oan.
Trong đơn khởi kiện, gia đình cụ May cho biết, sau khi nhận được công văn thứ hai của VKS Quân sự Quân khu 1, gia đình đã khiếu nại hai lần nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào.
Tháng 3/2021, mẹ con cụ gửi đơn tới VKS Quân sự Quân khu 1 đề nghị được nhận quyết định đình chỉ điều tra bị can để làm căn cứ yêu cầu xin lỗi, nhưng cũng không nhận được sự phản hồi. Ngày 26/3 và 1/4 vừa qua, cụ Nga trực tiếp đến trụ sở VKS Quân sự Quân khu 1 đề nghị được nhận quyết định đình chỉ điều tra bị can nhưng vẫn không được giải quyết. Vì thế cụ và hai con quyết định làm đơn khởi kiện, yêu cầu tòa án buộc VKS Quân sự Quân khu 1 thực hiện phục hồi danh dự cho mình bằng cách trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai tại nơi cư trú của họ theo đúng quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Luật sư Hà Kim Tâm (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) hỗ trợ pháp lý cho gia đình cụ Nguyễn Thị May nhận định: mấu chốt trong vụ việc là có hay không việc giao quyết định đình chỉ bị can cho mẹ con cụ May. Trong khi cụ May và các con khẳng định hơn 30 năm qua không nhận được bất kỳ văn bản nào thì VKS Quân sự Quân khu 1 lại cho rằng họ đã nhận được.
Tuy nhiên, căn cứ mà VKS Quân sự Quân khu 1 đưa ra là chưa hợp lý. Cơ quan này cho rằng đã thông báo cho các cơ quan liên quan việc tạm đình chỉ điều tra, thế nhưng ngay trong công văn của mình, VKS Quân sự Quân khu 1 cho biết tại VKS nhân dân tỉnh Cao Bằng, Phòng Xây dựng nhà đất thị xã Cao Bằng, UBND phường nơi ba mẹ con cụ May cư trú đều không tìm thấy các tài liệu liên quan đến vụ án.
Hơn thế, VKS Quân sự Quân khu 1 chỉ căn cứ vào điều 2 của quyết định có ghi “giao cho…” để cho rằng ba mẹ con cụ May đã nhận được quyết định đình chỉ điều tra là chủ quan, không có căn cứ. Một văn bản của cơ quan nhà nước khi gửi đến bất cứ cơ quan hay công dân nào thì luôn phải có ký gửi, ký nhận rõ ràng.
Vẫn chưa tìm được hung thủ
Theo lời cụ Nguyễn Thị May, đêm xảy ra vụ án, thượng úy Lê Danh Tân vào nhà cụ ngủ nhờ để sáng hôm sau đi về đơn vị trả phép.
Thời điểm phát hiện anh Tân rơi xuống hố phân và đưa nạn nhân vào trạm xá, gia đình cụ May được thông báo rằng anh bị ai đó đánh trọng thương rồi đẩy hoặc tự ngã xuống hố dẫn tới tử vong. Ngỡ rằng vụ việc sẽ được các cơ quan chức năng làm sáng tỏ, cụ May cùng các con trở về nhà, quay lại với công việc như thường ngày.
Tuy nhiên, biến cố đã ập đến gia đình. Ngày 8/2/1998, Công an tỉnh Cao Bằng khởi tố vụ án giết người, chuyển VKS Quân sự Quân khu 1 điều tra theo thẩm quyền. Đến ngày 18/3 và 15/5, VKS Quân sự Quân khu 1 lần lượt khởi tố ba mẹ con cụ May về tội giết người.
Ông Trần Ngọc Hùng bị giam giữ từ ngày 13/2/1988 - 20/1/1990, cụ Nguyễn Thị May bị giam giữ từ ngày 13/2/1988 - 25/8/1988, bà Trần Thị Nga từ ngày 17/5/1988 - 16/7/1988.
Được trở về nhà trước, cụ May bắt đầu "đội đơn" đi kêu oan. Bà kể rằng đã viết không biết bao nhiêu lá đơn, ngược xuôi không biết bao nhiêu chuyến xe từ Cao Bằng xuống Hà Nội, chực chờ tại cổng các cơ quan tố tụng Trung ương để nộp đơn kêu cứu. Ròng rã 30 năm, cụ vừa phải gồng gánh kinh tế nuôi các con, vừa phải dành dụm số tiền ít ỏi để đi "kêu oan". Kinh tế gia đình ngày càng khánh kiệt mà hồi âm từ các cơ quan chức năng cũng không thấy.
Dù được trở về nhưng vì không có giấy tờ gì cho thấy mình bị bắt oan nên mẹ con cụ vẫn bị hàng xóm, dư luận dị nghị. Đây cũng chính là tổn thương lớn nhất đối với gia đình cụ.
Đến nay, vụ án đã trải qua hơn 30 năm, hung thủ thực sự gây ra cái chết của thượng úy Lê Danh Tân vẫn chưa tìm thấy. Hồ sơ vụ án mới chỉ tạm đình chỉ điều tra và vẫn được lưu giữ tại VKS Quân sự Quân khu 1.
Chi Mai