Ba mẹ cãi nhau, con sợ lắm!

22/04/2017 - 16:00

PNO - Câu hỏi “sao ba mẹ con cãi nhau hoài?” của bé làm tôi day dứt mãi. Không biết nên nói gì với cha mẹ của bé.

Tiếng cãi vã phát ra từ ngôi nhà cấp bốn khiến tôi mệt mỏi. Nhà hàng xóm có bốn thành viên, hai vợ chồng và hai con nhỏ. Bé gái bốn tuổi, bé trai ba tuổi. Cứ vài ngày vui vẻ là y như rằng lại vài ngày xô xát, cãi nhau.

Ba me cai nhau, con so lam!
 

Điệp khúc này lặp đi lặp lại từ ngày này qua tháng nọ, năm kia, đến mức hàng xóm quen thân thuộc lòng cảnh tình này. Xót xa nhất là những trận cãi vã mà hai bé con của đôi vợ chồng đó sợ hãi và phải chạy qua nhà tôi “lánh nạn”.

Tôi nhớ hoài câu hỏi của bé gái bốn tuổi, chị của cậu em trai ba tuổi: “Cô ơi, sao ba mẹ con cãi nhau hoài vậy, con sợ lắm, ba làm bể cả ti vi, đập luôn tủ chén ạ”. Lúc đó, tôi chỉ biết thở dài rồi an ủi con bé: “À, chắc vì ba mẹ đang có nhiều công việc không vui, vài bữa nữa sẽ ổn thôi con”.

Con bé vẫn chưa cảm thấy được thuyết phục: “Nhưng ba mua ti vi lần này là lần thứ tư rồi, con không biết sao ba có nhiều tiền để mua vậy. Bữa sách con rách rồi, con xin ba tiền mua mà ba nói ba hết tiền rồi”.

Tôi lại thêm đắng ngắt: “À, ti vi là cái cần có để tụi con giải trí, xem hoạt hình. Còn sách thì chắc là ba bận, vài bữa ba mẹ con lại mua thật nhiều sách cho con thôi”. Con bé “dạ” nhưng mặt vẫn buồn thiu. Cái buồn ngây thơ, trong sáng mà nhói lòng người lớn.

Hôm nọ, tôi đang ăn cơm tối lại nghe tiếng la hét vang lên từ gia đình hàng xóm. Hai bé nhỏ lại khóc thét sợ hãi, người chồng dùng nắm đấm thúc vào đầu vợ liên tục khiến cô vợ ngã nhào, nước mắt nước mũi bù lu bù loa trên khuôn mặt tuyệt vọng. Hàng xóm đến can, nhưng anh chồng vẫn cứ trút cơn giận dữ bằng bạo lực lên vợ.

Một hàng xóm khác cảm thấy quá căng thẳng đã gọi điện thoại cho công an phường. Vài chục phút sau đó, cô vợ được đưa đi cấp cứu vì đa chấn thương do người chồng thô lỗ gây nên. Người chồng bị công an dẫn về đồn. Hai đứa nhỏ con của họ qua nhà tôi tá túc.

Tôi thương chúng quá, không biết phải làm sao để gia đình hàng xóm có thể yên ấm, trong khi chính gia đình mình cũng có lúc cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Cũng không dám mạnh miệng để giãi bày, phân trần hay thuyết giảng gì cho họ, tôi chỉ đau cho số phận người phụ nữ hẩm hiu rước phải ông chồng bạo lực. 

Vài ngày sau, anh chồng được thả về với cái biên bản không được bạo lực. Những vết thương của cô vợ cũng đã lành. Nhưng tôi biết, trong sâu thẳm trái tim cô ấy, những vết thương lòng chẳng bao giờ lành lặn.

Sau những trận cãi vã như vậy, tôi lại thấy cha mẹ các bé dẫn hai nhóc đi siêu thị, đi công viên chơi như để bù đắp lại những thiệt hại về tinh thần. Thế nhưng, liệu có đủ không khi chính những ứng xử, xô xát của người lớn đã hằn vào trái tim, tâm hồn những đứa trẻ thơ vốn trong trắng như trang giấy? 

Tôi biết, một ngày nào đó, người phụ nữ này cũng sẽ mạnh mẽ và lựa chọn giải pháp chia tay thôi. Chị không thể chịu tổn thương mãi. Và con, xót xa lắm, nhưng chúng cũng cần hiểu rằng đôi khi ta phải biết nói không để bảo vệ bản thân, bảo vệ gia đình, bảo vệ chính chúng. Con cũng cần phải hiểu rằng, chỉ bản thân mình mới có thể thay đổi được hoàn cảnh của chính mình. 

Câu hỏi “sao ba mẹ con cãi nhau hoài?” của bé làm tôi day dứt mãi. Không biết nên nói gì với cha mẹ của bé. Nhưng chắc chắn, nếu cha mẹ không thể học cách đối thoại, học cách thay đổi thái độ, học cách làm lành, thì trẻ sẽ cần phải biết rằng cuộc sống đôi khi không như ta mong muốn.

Và rồi ta phải biết bỏ lại một đoạn đời nào đó để đi tiếp, để thấy phía trước là hạnh phúc. Tôi chẳng biết mình có độc ác không, khi lại muốn những đứa trẻ phải va chạm với điều đó quá sớm, nhưng khi đến thời điểm nào đó, tôi tin chính người mẹ, người cha luôn biết cách dạy con về điều đó.

Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI