Bà mẹ “bá đạo”

02/12/2021 - 06:00

PNO - Tôi có vài cách để lũ trẻ không chúi mũi vào các thiết bị thông minh vuốt vuốt xem xem cả ngày. Chúng còn gọi tôi là bà mẹ “bá đạo”.

Xưa, lúc Cà Rốt, Cà Chua còn nhỏ, buổi tối khi dỗ con ngủ, tôi cũng có tiết mục đọc truyện, đọc thơ như “thiên hạ”. Nhưng thêm vào đó, thi thoảng tôi còn mở rộng sang kể chuyện và trò chuyện theo chủ đề. Khỏi phải nói, lũ nhóc thích mê, đặc biệt là khi tôi mang “tài vật” như bánh kẹo, đồ chơi ra làm phần thưởng.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Bạn có bao giờ thử kể lại các câu chuyện cổ tích kinh điển, quen thuộc theo một cách rất “mới”, vừa hiện đại vừa có chút “xàm xàm” chưa? Để tôi ví dụ: Cô bé quàng khăn đỏ mang theo một giỏ bánh đi biếu bà. Ngang qua tiệm tạp hóa tên Điệp ở đầu hẻm, cô ấy thèm ăn kem quá mà không có tiền. Cô ấy liền ghé vào… mua thiếu một cây kem dưa hấu hai màu cực ngon. Vừa đi Khăn đỏ vừa mút kem, nên bị kem đổ dính vào áo. Thế là Khăn đỏ nghĩ ngay tới việc bị mẹ mắng. Nhưng rồi Khăn đỏ quên ngay việc đó khi đi ngang qua hàng bắp nướng của bà Sáu. Cô bé kêu lên “ối thơm ngon quá” rồi quyết định quay về nhà, đập ống heo lấy tiền xong mới đi tiếp…”.

Bảo đảm, các con của bạn sẽ cười sằng sặc khi được lồng ghép các nhân vật lẫn thói quen đời thực của chúng vào chuyện. Sau vài lần “kể nháp” thì bạn hãy khuyến khích trẻ “viết” lại các câu chuyện khác nhau theo ý của chúng, với sự giúp đỡ của bạn. Kinh nghiệm cho thấy, trẻ con còn có những sáng tạo bất ngờ mà ngay cả bạn cũng phải ngạc nhiên. Chúng có thể cho con hổ… ăn rau, hay cho con cóc đi máy bay lúc lên trời kiện cáo, chẳng hạn.

Bạn có thấy việc “báng bổ văn học” này là xấu xí hay không? Hay bạn sẽ cùng quan điểm với tôi, rằng đó là cách để con trẻ dễ ghi nhớ, tưởng tượng, hình dung, tập cách kể, diễn đạt, trình tự lớp lang một cách hồn nhiên nhất? Nhờ đó, mà tư duy của con sẽ được phát triển, rộng mở, thoát ra khỏi các khuôn mẫu thông thường. Chưa kể, đấy cũng là cách giải trí mang tính hài hước cực cao nữa kìa. Chính bạn cũng sẽ thấy vô cùng buồn cười với các tình huống “không có trong kịch bản” của bản thân và lũ trẻ, tin tôi đi.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Rồi khi bọn nhóc lớn hơn chút, chúng sẽ thấy các cuộc “đố vui” theo chủ đề mới nhiều thú vị. Ngay cả tôi cũng không hình dung hết, mình được dịp ôn lại kiến thức và mở mang đầu óc nhờ con như vậy. Tôi hay bắt đầu từ các chủ đề tưởng chừng đơn giản và quen thuộc, như “cây lúa” hoặc “con cá” chẳng hạn. Lúa có vòng đời và vốn từ khá nhiều: Lúa, mạ, đòng đòng, thì con gái, rơm, rạ, tấm, cám, nếp, gạo lứt, trấu, mỏng như lá lúa, đống rơm, xay lúa, cám heo… Nội giải thích hết chừng đó thứ thôi cũng phải vài buổi tối, chứ chẳng đùa.

Nhiều đề tài xung quanh rất gần gũi và thiết thực. Như bầu trời, tên các vì sao, tốc độ ánh sáng, xích đạo, bắc cực, gấu hay chim cánh cụt. Biển và các sinh vật liên quan. Kể tên các loại côn trùng. Các quán ăn mà tụi con biết có gì hay, dở, ngon, tệ. Cách một con gà, con vịt chào đời và lớn lên, liên quan tới món “trứng vịt lộn” thần thánh và khái niệm “có trống” đầy thách thức. Liệt kê các bộ phận trên cơ thể người, cả nội tạng, tất tần tật. Câu này nghe dễ mà không đơn giản đâu nhé. Kiểu như, bạn sẽ giải thích, miêu tả thế nào về “lá lách” trong bụng, hay “nơ-ron” thần kinh nào.

Khi lũ nhóc bắt đầu lõm bõm tiếng Anh, tôi cùng con ôn từ vựng bằng cách này. Chơi trò “nối chữ”, tức là xoay vòng, nêu một từ có chữ cái bắt đầu bằng chữ cuối của người trước. Ví dụ, em Cà Chua nói “ring”, thì tới lượt chị Cà Rốt phải là “g…” gì đó. Không thì chơi đố chữ bắt đầu bằng “a” hay “h”. Đại khái thế.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Khoảng thời gian trước khi đi ngủ bỗng trở thành thời điểm được bọn trẻ con háo hức chờ đón. Tôi bắt trước nàng Shahrazad trong Ngàn lẻ một đêm, kết thúc tiết mục thư giãn cuối ngày ấy bằng một sự lấp lửng. Để con mình phải “thòm thèm” nghĩ tới tối mai, và có chút đầu tư tâm trí suy nghĩ vào đó. Cũng là một cách để chúng không chúi mũi vào các thiết bị thông minh vuốt vuốt xem xem cả ngày. Nhiêu đó thôi mà bọn trẻ hay gọi tôi là bà mẹ “bá đạo”.

Bạn có tin rằng các câu chuyện, từng trò chơi nhỏ ấy sẽ gắn kết mối quan hệ giữa ba mẹ và lũ trẻ, từng thành viên trong gia đình không còn xa cách với nhau. Cái cảm giác “cả nhà mình là một đội” thật vô cùng quan trọng, bạn nhé. 

Hoàng My

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI