Bữa ăn, giấc ngủ của bé luôn là những điều khiến các bà mẹ lo lắng. Nhiều mẹ thấy bé biếng ăn, giờ ngủ thất thường, ngủ không sâu giấc mà tìm đủ phương pháp vẫn không hiệu quả. Con không tăng cân, hay quấy khóc khiến mẹ bị stress, sức khỏe ảnh hưởng.
|
Gia đình nhỏ luôn ngập tràn tiếng cười hạnh phúc của chị Thu Phương |
Trải quả rất nhiều khó khăn trong quá trình chăm sóc, nuôi dạy bé, chị Nguyễn Thu Phương (1989) ở Hà Nội đã tìm ra phương pháp phù hợp và hiệu quả để bé ăn ngon, ngủ ngoan.
“Mình áp dụng phương pháp Ăn dặm chỉ huy (BLW) và EASY trong việc ăn ngủ. Thực ra mình biết đến EASY trước vì khoảng thời gian Sóc được 3 tháng, mình rất mệt và stress với chuyện ngủ của Sóc. Mình lên google thì được dẫn link vào những bài viết của chị Hachun lyonet và mẹ Ong Bông - tác giả sách "Nuôi con không phải là cuộc chiến". Mọi vấn đề mình gặp với Sóc đều được giải thích rất khoa học nên mình đã bảo ông xã mua sách cho đọc và áp dụng theo. Ăn dặm BLW là do đọc sách nên có động lực tìm hiểu và áp dụng. 6 tháng, mình bắt đầu cho con ăn dặm. Ban đầu thì có kết hợp ăn dặm kiểu Nhật nhưng con không hợp tác nên đã chuyển sang BLW hoàn toàn”, chị Thu Phương chia sẻ.
Thực hiện phương pháp Ăn dặm chỉ huy không chỉ khiến các bé hợp tác với mẹ, ăn ngon miệng và cảm thấy thích thú khi ăn mà còn giúp các mẹ thấy bữa ăn là niềm vui của bé mỗi ngày, chứ không phải là “cực hình” đối với cả mẹ và bé.
|
Chị Thu Phương thực hiện phương pháp BLW cho bé Sóc |
Sau khi nghiên cứu và thực hiện, chị Phương đã rút ra kinh nghiệm, dù theo phương pháp nào mẹ cũng cần tuân thủ quy tắc:
- Không nêm đường, không nêm muối vào đồ ăn để con được trải nghiệm vị ngon tự nhiên của từng món ăn, để con biết con thích ăn gì, ghét ăn gì chứ không phụ thuộc nào nêm nếm gia vị. Dưới 1 tuổi, cơ thể em bé chưa tự chuyển hoá được muối, ăn mặn rất hại thận của con, còn ăn đường dễ khiến con bị nghiện ăn ngọt, nguy cơ béo phì sau này hoặc con chỉ thích ăn nếu đồ ăn được trộn đường.
- Dưới 1 tuổi sữa vẫn là thức ăn chủ yếu của con, ăn dặm chỉ là giới thiệu hương vị mới. Sóc bú mẹ hoàn toàn và mình cũng sẽ cố gắng duy trì sữa mẹ vì sữa mẹ mới là tốt nhất cho trẻ nhỏ.
- Không bắt ép con ăn, không làm trò khi ăn, không ăn rong, ăn uống tập trung nếu con không thích nữa cho con dừng ăn luôn. Gầy một chút cũng được, miễn là con không có thói quen ăn uống xấu.
- Đa dạng phong phú đồ ăn cho con,cho con thử nghiệm nhiều món mới.
Nhiều mẹ hỏi chị cho con ăn thế có sợ con nghẹn không, chị chia sẻ: “Trước khi áp dụng bất kì điều gì cho mình đều nghiên cứu rất kĩ càng để xem có phù hợp với con, với hoàn cảnh hay không, mình có theo được phương pháp này hay không? Vậy nên mình mới áp dụng kết hợp cả đút thìa (ADKN) và bé tự chỉ huy (BLW).
Điều quan trọng cần nhớ khi cho con Ăn dặm chỉ huy là thức ăn được thái phù hợp với kĩ năng của con không phải là theo tháng tuổi, con được ngồi thẳng lưng, tốt nhất là trên ghế ăn và con là người tự cho thức ăn vào miệng mình, mẹ chỉ cung cấp thức ăn cho con.
Con sẽ biết tự xử lý khi cắn miếng quá to không nuốt được, con sẽ oẹ ra. Nên phân biệt rõ giữa oẹ và hóc. Mẹ nên trang bị cho mình kiến thức xử lý tình huống khi con bị hóc, tuyệt đối không móc tay vào miệng con hay cho con uống nước, dị vật sẽ càng đi sâu vào trong gây ngạt thở”.
Thức ăn phù hợp với kĩ năng đó là điều mà chị Thu Phương lưu ý các mẹ:
Ở giai đoạn bắt đầu, con còn vụng về nên thức ăn hầu hết là được thái dài, to khoảng bằng ngón tay của mẹ. Thức ăn là củ quả luộc, không cho bé ăn thức ăn quá dai, quá trơn hoặc quá nhỏ. Khi con đã thành thạo kĩ năng nhai- nuốt và có dấu hiệu thích nhặt những mẩu thức ăn nhỏ hơn là con đã bước qua giai đoạn mới.
Giai đoạn bốc nhón: Con thích bốc những mẩu thức ăn nhỏ, con đã xử lý thức ăn tốt hơn. Mẹ giới thiệu thêm nhiều loại thức ăn cho bé hơn.
"Sóc vào giai đoạn bốc nhón rất tự nhiên (8 tháng12 ngày tuổi), một hôm mẹ dọn tủ còn đậu Hà Lan nên mẹ thử cho em ăn xem, ai dè bạn ý bốc nhón quá siêu mẹ há hốc cả miệng, món mới nên càng thích ăn, ăn một tuần liền không chán. Sau đó, mẹ chăm cắt nhỏ các loại thức ăn cho bạn ý hơn, bạn ý cũng vui vẻ lắm. Hôm nào bò nhiều đói bụng thì ăn rất nhiều, hôm nào lười thì lại nghịch đồ ăn là chính. Đến giai đoạn này thì bé nhà mình đã ăn được tất cả các món rồi, trừ các món quá dai và cứng, ăn nhiều hơn, output đẹp, thích cắn đồ ăn rồi nhổ ra, tháng tăng 1cm chiều cao và 200g cân nặng. Giờ mẹ đang tập cho bé uống nước từ cốc, ăn bằng thìa và dĩa.
|
Bé Sóc đã tự sử dụng được thìa, dĩa để lấy thức ăn |
Sóc 1 tuổi, bé đã ăn hầu hết được các món như người lớn, ăn tôm bé không cần bóc vỏ, ăn nho biết nhè vỏ, thìa đã biết xúc để đưa thức ăn vào miệng nhưng vẫn còn vụng. Nhìn thấy đồ ăn là cuồng lên, phải ăn bằng được, ăn nhanh và nhiều nếu món đấy hợp khẩu vị còn nếu đã không thích thì không tài nào bắt ép bạn ý ăn được, lượng ăn so với khi mới bắt đầu là nhiều nhưng so với các bạn khác thì vẫn không ăn nhằm gì cả nhưng với mình vậy là thành công, khi con không sợ giờ ăn, con ăn được đa dạng các loại, ăn thô cực tốt.
Sóc tập thìa từ 10 tháng tuổi, bắt đầu bằng các món soup sệt, để có thể chỉ cần nhúng thìa vào là cũng có đồ ăn dính vào thìa. Ban đầu mẹ cầm thìa xúc đồ ăn rồi đưa thìa cho bé, hướng dẫn bé cho vào miệng. Sau mẹ ăn cơm cũng ăn bằng thìa để bé bắt chước. Nghe thật đơn giản nhưng đó là quãng thời gian khủng khiếp khủng hoảng tinh thần và dọn dẹp mệt nhất của mình.
Sóc chỉ cầm thìa lên chơi chơi xong ném đi, bát thì lật úp, đồ sệt đổ ra thì vầy, vẩy tung toé khắp nhà, vẩy cả lên người mẹ, bôi be bét lên mặt lên đầu. Kinh khủng khiếp! Dần dần thì cũng biết cầm thìa chọc vào bát rồi cho lên miệng mút nhưng chưa biết dùng lực cổ tay và cánh tay để múc. Sau một thời gian, bé biết cầm ngang thìa và dùng cổ tay múc đồ ăn lên, cho vào miệng. Thời gian ấy mất khoảng 4 tháng, 14 tháng tuổi thì Sóc lần đâu tiên xúc ăn hết được bát cơm chan canh trứng nhưng vẫn chưa khéo léo lắm, giờ vẫn đang luyện tập xúc cho khéo, cho gọn nhưng ăn uống đã gọn gàng hơn rất nhiều rồi, mẹ cũng đỡ mệt hơn.
Kinh nghiệm là chỉ nên đổ một ít đồ ăn để tập thìa ra thôi, hết lại cho thêm ra thì con có hất đi cũng không mất hết và dọn dẹp cũng đỡ hơn, ngoài ra cần siết kỉ luật bàn ăn, nói rõ ràng dứt khoát là "Con không được làm thế, đồ ăn là để ăn, con không ăn nữa thì mẹ cất đi". Dần dần bé sẽ biết mẹ không vui với hành động ấy của mình mà tái phạm nữa", chị Phương chia sẻ.
Theo chị Phương, việc quan trọng nhất trong việc chăm sóc và nuôi dạy bé theo mình đó là sự kiên trì. Tất nhiên là kiên trì đúng đắn và tự tin mình đang làm những điều đúng đắn và tốt đẹp nhất cho con mình. Nếu không có kiên trì, không thể thành công được.
Bạn nên biết không thể luyện ngủ thành công ngay ngày đầu tiên được, có thể là 1 tuần nhưng có thể là 1 tháng bé mới quen được nếp sinh hoạt mới. Hoặc nếu không có sự kiên trì, bạn sẽ không chờ đợi được 4 tháng luyện xúc thìa cho con, với màn khởi đầu là úp cả bát soup lên đầu.
|
Ban đầu việc tự súc đồ ăn của bé khá khó khăn |
Trong quá trình thực hiện phương pháp này, chị Phương gặp khá nhiều khó khăn. Trước tiên là sự phản đối mạnh mẽ của người khác. Chị nuôi con khác hoàn toàn ông bà ngày xưa nên vấp phải không ít chỉ trích, nghi ngờ. Cho tự ăn thì ai nhìn thấy cũng hét lên: "Kìa! Móc ra đi không nó nghẹn chết đấy, ăn uống vớ vẩn thế này sao mà lớn được"... Người thì nghĩ mẹ lười không chăm con, người thì mắng...
Ngoài ra, vào những lúc con không hợp tác vứt ném lung tung, khóc lóc thảm thiết hoặc tuyệt thực không ăn gì cả thì mẹ cũng rất chán nản và hoang mang không biết liệu mình có làm đúng không? Hay là vứt béng đi quay lại chăm con theo truyền thống? Nhưng rồi lại đọc tài liệu, đọc sách và vững tin kiên trì để hai mẹ con cùng cố gắng và đã thành công.
|
Chị Phương tự trồng rau muống cho bé ăn |
Điều chị tâm đắc nhất đó là bé Sóc nhà chị có một chu trình ăn ngủ đều đặn và đúng giờ, đêm ngủ được 10-11 tiếng, việc ăn uống nghiêm túc không bao giờ phải ép uổng, làm trò hay đi rong. Bé đã biết tự xúc thìa, tự xử lý các món ăn rất gọn gàng. Con khoẻ - mẹ vui. “"Mỗi đứa trẻ đều là thiên tài, hãy tin em bé của mình!", chị Thu Phương tâm niệm
Trần Thúy