Bà mẹ 8X không dám sinh con để toàn tâm chăm con chồng bị bại não

30/11/2017 - 06:00

PNO - Suốt 10 năm qua, chị Bạch Vạn Hồng ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, chăm sóc người con riêng của chồng bị bại não.

10 năm trước, khi mới 24 tuổi, chị Hồng kết hôn với anh Mậu Trạch Văn – người đàn ông đã đi qua một cuộc hôn nhân và có con trai tên Mậu Vĩnh Khang. Cậu bé mắc bệnh bại não bẩm sinh nên khi mới 3  tuổi, mẹ cậu bé đã bỏ 2 cha con họ mà đi.

Ba me 8X khong dam sinh con de toan tam cham con chong bi bai nao
Hình minh họa.

Lần đầu tiên chị Hồng gặp bé Khang, Khang đã dùng hết sức lực của mình mà ngước lên nhìn chị Hồng và gọi một tiếng “Mẹ!”. Tiếng gọi khiến chị bồi hồi trong lòng và muốn được chăm sóc, chở che cho cậu bé như chính đứa con mình dứt ruột đẻ ra.

Nhưng tình trạng sức khỏe của Khang nặng hơn chị Hồng nghĩ, Khang không thể tự mình đứng dậy, phản ứng chậm chạp lại khá là nhát gan, rụt rè.

Vừa mới lấy vợ nên gánh nặng trên đôi vai anh Văn lại càng nặng thêm, vì thế, anh phải rời xa vợ con đi kiếm tiền nơi đất khách quê người, bỏ lại một mình chị Hồng chăm sóc bố mẹ chồng già yếu và đứa con bệnh tật.

Chừng ấy năm qua, một tay chị chăm sóc bố mẹ chồng và ngày ngày cùng Khang đến lớp. Nhờ sự chăm sóc tận tình của chị mà cuộc sống của Khang cũng trôi qua vui vẻ như những đứa trẻ khác.

“Tuy Khang không được may mắn như bạn bè cùng lứa, nhưng thực ra Khang rất đáng yêu. Khi ấy nhìn đứa bé yếu ớt, ngây thơ như vậy, tôi tự dặn lòng phải cho bé được sống trong yêu thương chứ ngoài ra không nghĩ gì khác cả” - chị Hồng nói.

Trong bữa ăn, đôi bàn tay yếu ớt của Khang không thể tự gắp thức ăn hay tự xúc cơm. Chị Hồng lại bón cho con từng chút một. Khang vốn dĩ càng không thể tự đứng lên và đi lại, nhưng chị Hồng đã nỗ lực tập luyện cùng con. Chỉ sau 2 năm, Khang đã có thể tự bước những bước đi dù chậm chạp, và nói chuyện cùng mọi người.

Ba me 8X khong dam sinh con de toan tam cham con chong bi bai nao
 

Khi Khang đến tuổi đi học, trong lòng chị Hồng đầy lo lắng, không biết liệu có trường học nào chấp nhận đứa trẻ như Khang không. Chị đã tìm đến trường tiểu học Hồi Dân, huyện Vĩnh Đăng, thầy hiệu trưởng đồng ý cho Khang học tại trường, nhưng vấn đề sức khỏe của bé sẽ rất khó đảm bảo. Chị rất vui mừng: “Không sao, chỉ cần nhà trường đồng ý nhận con tôi vào học, tôi sẽ đi học cùng con để lo cho con.”

Mấy năm sau, trừ khi ốm đau bệnh tật, ngày nào chị Hồng cũng cùng con đến trường. Khi Khang mới vào lớp 1, chị còn có thể cõng con đến lớp, nhưng Khang ngày một lớn khiến chị cõng không nổi.

Chị dành dụm chắt bóp mua cho con một chiếc xe lăn cho con đi học. Nhà chị cách trường chừng 1 km, tổng cộng mấy năm, chị đã cùng con đi hơn 4000 km.

Năm 2013, Vĩnh Khang được nhận vào một trường giáo dục đặc biệt của huyện và chị Hồng cũng trở thành “đầu bếp” của trường. Hiện nay, Khang 16 tuổi, đã có thể dùng sức cúi đầu chào thầy cô trong trường. “Về giao tiếp ngôn ngữ thì Khang chẳng có vấn đề gì cả, chỉ là phản ứng hơi chậm một chút thôi” - đó là hình ảnh của Khang trong mắt mẹ Hồng, không khác biệt những đứa trẻ khác là mấy.

Dù không phải con ruột, nhưng ngay từ đầu, chị Hồng đã coi Khang là đứa con mà chị yêu thương nhất. Nếu hỏi Khang "ai là người tốt nhất", thì cậu bé có thể lập tức trả lời rằng: “Mẹ”.

Tương lai của con khiến chị Hồng lo nghĩ nhiều. “Phải cho nó đi học lấy chút kiến thức, sau này dù chỉ có cái sạp hàng nhỏ nó cũng có thể tự nuôi sống mình được”, chị Hồng nói.

Chị còn có một ước mong là được đưa con đến Bắc Kinh khám bệnh, với hi vọng bệnh của con có tiến triển tốt. “Nhưng đi như vậy sẽ tốn nhiều tiền lắm, tôi đang cố gắng kiếm tiền” - chị nói thêm.

Có người hỏi chị Hồng về việc sinh con. Chị Hồng lập tức lắc đầu nói: “Chẳng bao giờ nghĩ đến cả” - vì chị sợ rằng, khi chị sinh con rồi chị sẽ phải san sẻ tình yêu thương cho cả 2 người con, sẽ rất dễ làm tổn thương Khang: “Có một đứa con này với tôi vậy là đủ rồi.”

Li Zheng (Theo Chinanews)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI