Cho trẻ nhỏ ăn, ngủ luôn là bài toán nan giải đối với các bà mẹ, nhất là những bà mẹ trẻ chưa có kinh nghiệm trong việc chăm sóc con. Trong giai đoạn trẻ sơ sinh, nhiều bà mẹ bị stress bởi con quấy không chịu ăn, không chịu ngủ khiến sức khỏe của mẹ cũng bị ảnh hưởng.
Trước vấn đề mà nhiều mẹ gặp phải, đó là tình trạng con không ăn, ngủ giờ giấc không khoa học và hay quấy, chị Trần Thị Thanh Thúy (1988) ở Đồng Nai đã quyết định thực hiện và thành công với phương pháp EASY .
|
Vợ chồng chi Thúy hạnh phúc bên thiên thần nhỏ |
Chia sẻ về phương pháp này chị cho biết: “Mình có đọc sơ qua về phương pháp EASY trên mạng, nó thuộc mục trong cuốn sách "Nuôi con không phải cuộc chiến ". Mình không mua sách nên chỉ đọc một ít nội dung rồi bắt tay vào tập cho con. EASY nói gọn lại là một vòng tròn cho con ăn, chơi, ngủ, mẹ nghỉ ngơi. Lặp đi lặp lại trong ngày. Mình cho con ăn sữa no, cả ăn cả chơi trong 1 giờ, sau đó bật nhạc ru con ngủ tầm 1 giờ rưỡi hoặc 2 giờ. Thời gian con ngủ thì mình nghỉ ngơi, làm việc nhà. Sau đó hết giờ ngủ thì đánh thức con dậy, cho con ăn, lặp lại y như cũ . Mục đích mình mở nhạc cho con ngủ là để tạo phản xạ có điều kiện cho con. Cứ nghe thấy nhạc là buồn ngủ. Khi bé dậy, mình tắt nhạc. Nhạc đều bên tai sẽ giúp con ngủ sâu, cũng tránh cho con nghe phải tiếng động bên ngoài làm con giật mình” .
|
Chồng chị thường xuyên đánh đàn cho con nghe |
Thời gian đầu chị thực hiện phương pháp này gặp khá nhiều khó khăn bởi: “Bé sinh ra đều bắt mẹ bế, ôm cả vì bé sợ thế giới rộng lớn. Bé nhà mình không chịu ngủ trên giường, không chịu ngủ trên võng một mình. Mình phải bế con ngủ trên võng 24/24 gần 4 tháng đầu. Sau đó, khi tập cho con, đặt xuống giường là bé khóc, mình lại bế lên dỗ, bé ngủ lại đặt xuống, cứ bế lên đặt xuống ...dần dần bé quen. Mới đầu ngủ được 10 phút, sau đó 20 phút rồi giờ bé chịu ngủ trên giường luôn, không cần mẹ ôm nữa”.
Trong vấn đề cho ăn đối với trẻ nhỏ, chị Thúy thể hiện rõ quan điểm: “Mình theo chủ trương tôn trọng con, không ép con ăn . Nếu bữa này con ăn ít, ví dụ có 90ml sữa, thường thì bé ăn 120ml, con không muốn ăn nữa thì mình cho nghỉ, chờ bữa sau lại cho con ăn, vẫn lấy 120ml . Bé bữa trước ăn ít nên bữa tiếp ăn hết bình ngon lành luôn. Ép con chỉ làm cho con sợ việc ăn uống, riết bé sẽ biếng ăn luôn”
|
Chị Thúy luôn tìm những món ăn mới để bé tập ăn. |
Trong quá trình chăm sóc bé, việc cho bé ăn, ngủ là vất vả nhất. Có lúc bé ăn ngoan nhưng nhiều khi lại vừa ăn vừa uốn éo, nhất là những lúc đi tiêm phòng về bị ốm, sốt thì trẻ nhỏ lại càng quấy và biếng ăn hơn nên ngày nào bé ăn đươc nhiều là chị vui như Tết.
Chị cho biết: “Có lúc mình bế ru con cả tiếng con vẫn không chịu ngủ, mình cũng mệt luôn. Những lúc đó thì đành linh động bỏ qua một cữ ngủ của con, chứ không thể máy móc cứng nhắc theo sách vở được. Điều đầu tiên và quan trọng nhất khi thực hiện phương pháp này là các mẹ phải thực sự kiên nhẫn. Vì đưa con vào một thói quen không hề dễ, không phải 1 ngày, 2 ngày là được ngay. Nhiều mẹ chịu không nổi nên bỏ cuộc, lại chiều theo con khiến bản thân mệt mỏi. Bản thân mình cũng mất gần 2 tuần vật vã bế lên, đặt xuống cả ngày cả đêm. Tiếp nữa là phải cương quyết bảo vệ cách nuôi dạy con của mình. Không được để các ý kiến bên ngoài lung lay , nhất là ông bà hay xót cháu, hay góp ý vào chuyện dạy con của mình. Khi đó, mình phải chia sẻ để ông bà hiểu và thông cảm cũng như tôn trọng cách nuôi dạy của mình”.
|
Bé Hồng Ân phát triển khỏe mạnh và rất kháu khỉnh. |
Chị Thúy may mắn có ba mẹ tin tưởng và tôn trọng cách nuôi dạy con nên ông bà không phản đối phương pháp mà chị thực hiện. Sau một thời gian rèn luyện, bé Hồng Ân đã sinh hoạt khá cố định: 5h sáng bé dậy ti bình 120ml, chơi tới 7h30 ti bình 120ml rồi ngủ tới 10h dậy. 10h30 ti bình 120ml, 11h30 bắt đầu ngủ tới 13h dậy, đi tắm, chơi với bố. 13h30 ti bình 120ml, 14h30 ngủ tới 16h dậy. 16h30 ti bình 120ml, chơi tới 18h bé ăn dặm rau củ quả nghiền. 18h30 mẹ tắt điện, bật nhạc ru ngủ. 22h vừa ngủ vừa ti bình 120ml. Ngủ tiếp tới 5h sáng hôm sau, bé bú sữa mẹ hoàn toàn .
|
Bé Hồng Ân khi được 2 tháng tuổi |
Trong quá trình chia sẻ về phương pháp nuôi dạy trẻ nhỏ, chị chia sẻ thêm về những khó khăn của chị trong việc chăm sóc con: “Mình bị mất sữa từ tháng thứ 2 do áp xe vú . Hiện tại bé ăn sữa của các mẹ mình đi xin cho con . Mình ráng xin sữa cho con ăn vì bé ăn sữa công thức thường bị rối loạn tiêu hóa , táo bón. Nhiều lúc đi gần 200km chỉ để xin được vài túi sữa nhưng mình cũng cố gắng đến chừng nào không cố được. Vì bé nhà mình sinh non ở tuần 34, phải nằm lồng kính 12 ngày, y tá cho bé bú bình nên về bé không biết bú mẹ. Hai mẹ con tập bú mãi không được, mình đành kì cạch hút sữa cho con bú bình . Mình lại hay tắc sữa nên càng phải hút nhiều với cường độ mạnh, riết rồi nứt đầu ti, viêm vú, áp xe đủ cả, cuối cùng mất sữa luôn”.
Ít ai biết đến hoàn cảnh của chị, chị Thúy hiếm muộn , 2 vợ chồng lấy nhau 7 năm, chị mới mang thai. Đây là đứa con đầu tiên của chị nên chị luôn mong muốn nuôi dạy con thật tốt nhưng không muốn vì là con “quý” mà chiều hư con.
Chia sẻ về việc chăm sóc sức khoẻ cho con, chị nói: “Mọi người đều cho rằng, cho bé nằm điều hòa sẽ làm cho con bị viêm phổi, viêm họng. Nhưng thực ra, nếu nằm điều hòa đúng cách sẽ tốt cho sức khoẻ của con. Vì khí hậu bên ngoài không ổn định, lúc nóng, lúc lạnh, lúc ẩm ướt sẽ khiến con dễ bệnh hơn. Trời nóng khiến con đổ nhiều mồ hôi, nếu không lau khô được thì sẽ ngấm ngược vào phổi gây nên viêm phổi, rôm sảy, viêm da...Mỗi ngày khi tắm cho con xong, dùng nước muối sinh lý loại dành cho trẻ, nhỏ mắt, mũi cho con rồi dùng tăm bông lau khô tai để tránh bệnh viêm tai giữa. Bé nhà mình sinh non mà nằm điều hòa từ lúc lọt lòng tới giờ gần 6 tháng , chưa hề bị sổ mũi, ho, khò khè hay sốt gì cả” .
Hiện nay, bé Hồng Ân rất khoẻ mạnh, ăn ngoan, chơi giỏi, ngủ ngoan, bé đã được 5 tháng 3 tuần nặng 6,9kg, cao 64cm, đã biết lẫy thuần thục và đang muốn tập bò.
|
Chị không bao giờ ép bé ăn mà luôn tôn trọng bé. |
“Có thể con mình không nặng cân được như con các mẹ khác nhưng mình rất mừng là bé khoẻ mạnh, khi sinh bé có 2,5kg. Mình sinh mổ xong ngày hôm sau mới qua khu lồng ấp để thăm con được. Thấy con bị cắm ống truyền dịch, truyền sữa, bịt mắt chiếu đèn vàng da...mình chỉ biết khóc thôi vì thương quá” , chị Thúy nhớ lại.
Qua đây, chị Thanh Thúy cũng muốn gửi lời chia sẻ với những gia đình hiếm muộn : “Khi chúng ta có lòng hy vọng, có duyên, con sẽ ắt tới với mình. Đừng quá buồn phiền và tuyệt vọng. Chăm sóc con bằng tình yêu thương và đừng tự tạo áp lực cho mình thì việc chăm sóc con sẽ trở thành niềm vui chứ không còn khiến bạn lo lắng đến stress. Mình hi vọng phương pháp này sẽ giúp các mẹ có thêm thời gian để nghỉ ngơi mà vẫn yên tâm con khỏe, con ngoan”.
Nhật Hạ