Rất nhiều gia đình muốn cho con mình học một ngoại ngữ khác ngoài tiếng Việt nhưng không phải ai cũng làm được điều này, và nhất là với những thứ ngôn ngữ khó như tiếng Trung thì việc dạy tiếng cho bé là điều vô cùng gian nan.
Ngoài việc đưa bé đến các trung tâm hoặc học tại trường mầm non thì việc học bất cứ ngôn ngữ nào cũng cần đến sự quan tâm của gia đình. Việc học ngoại ngữ cần phải được rèn luyện liên tục và thường xuyên, nếu không bé sẽ nhanh chóng quên những gì đã được học.
|
Chị Huệ luôn cố gắng dành thời gian dạy tiếng Trung cho hai bé. |
Chia sẻ về việc dạy tiếng Trung cho bé, chị Huệ cho biết: "Bé nhà mình tên là Nguyễn Thiện Tường, hiện bé đã hơn 4 tuổi. Nếu nói là dạy theo đúng nghĩa thì có lẽ là cho đến giờ mình chưa bao giờ dạy bé tiếng Trung cả.
Mình rất thích tiếng Trung nên trong đầu luôn có ý định dạy tiếng Trung cho bé. Tuy nhiên, do chưa được biết đến phương pháp giáo dục từ sớm nên mình định khi nào bé đến tuổi đi học thì mình mới dạy. Vì mình nghĩ đến lúc đó bé mới có khả năng học tập.
Mình học chuyên ngành sư phạm tiếng Trung và trước có đi gia sư cho mấy bé tiểu học nên trong nhà sẵn có một số sách và tài liệu về tiếng Trung nên bé được tiếp xúc với tiếng Trung cùng mẹ.
Mình cũng không nhớ chính xác là khi nào nhưng có lẽ lần đầu tiên bé được tiếp xúc với tiếng Trung là khoảng hơn 3 tuổi, khi một lần mình soạn phiên âm mấy bài thơ cho học sinh luyện đọc thêm. Trong đó, có bài mình đọc cũng chưa được lưu loát nên mỗi tối trước khi đi ngủ và sau khi đã đọc sách (tiếng Việt) cho con xong thì mình mang sách tiếng Trung ra luyện đọc vài phút.
Một tuần sau thì mình chán không đọc nữa vì học sinh cũng đã học qua hết bài phiên âm. Bất ngờ bé nhắc nhở mình đọc tiếng Trung cho bé nên từ đó, tối nào mình cũng đọc cho bé nghe. Đồng thời chỉ cho bé một số chữ Hán đầu đề in to, đậm. Các bài mà mình hay đọc chủ yếu là các bài mà mình thấy thích, dễ đọc và dễ hiểu như một số bài thơ Đường của Đỗ Phủ, Lý Bạch… hay một số bài hát thiếu nhi…
Một thời gian sau, bé nhớ được một vài chữ Hán. Khi thấy trên hộp thuốc của bà, hay trong đình chùa có chữ nhiều Hán, bé đều thích thú xem và chỉ ra những chữ mà bé đã nhớ. Buổi tối đọc sách mình chỉ vài chữ hỏi bé thì thấy bé có nhầm lẫn giữa một số chữ Hán như chữ 马(con ngựa) và 鸟 (con chim). Mình có giải thích cho bé là chữ鸟 có thêm 2 “chấm” ở trên và ở trong, còn chữ 马 thì không, từ đó bé không bị lẫn nữa.
Một hôm thấy bé tự đòi cầm sách đọc cho em (em trai của bé mới sinh) nghe “như đúng rồi”, mình mới bắt đầu có ý định “dạy” tiếng Trung cho bé sớm hơn dự định. Khi bé khoảng 3,5 tuổi, mình mua cho bé tấm bảng gỗ ghép chữ Hán để bé chơi, từ đó nhận biết chữ Hán. (đây là hoạt động “dạy” có chủ đích đầu tiên của mình). Nhưng về sau bé chơi nhiều thì chán, mình lại phải nghĩ ra trò khác để thu hút bé. Như: vẽ chữ ra thiệp cho bé tô để tặng cho cô giáo, cho bà, cho bác, tải một số ứng dụng cho bé chơi game trên điện thoại ( tất nhiên là phải khống chế thời gian), làm thẻ chữ…".
|
Những bài thơ, thẻ chữ chị Huệ dạy cho bé |
Trong thời gian dạy bé, vì trẻ con mau chán chơi trò cũ nên chị Huệ phải thường xuyên tìm trò chơi mới thay thế, các phương thức trò chơi phải phong phú, đa dạng và luôn đổi mới thì mới thu hút được bé.
Chị Huệ cho hay: “Mình sử dụng phương pháp chính là học mà chơi, chơi mà học. Ưu điểm của phương pháp này là khơi niềm đam mê, kích thích hứng thú khám phá và học tập. Nhưng có hạn chế là nó đòi hỏi cách thức thiết kế sáng tạo, sinh động, luôn đổi mới, tốn thời gian và công sức, việc học tập chưa được nghiêm túc theo đúng nghĩa… Nếu các mẹ kiên trì thì đây vẫn là một trong những phương pháp hiệu quả và luôn được các con tham gia tích cực”.
|
Thiện Tường rất thích thú khi tự tô vẽ chữ |
Sau 1 năm luyện tập (từ 3,5 tuổi đến 4,5 tuổi) bé thuộc và đọc được một số bài thơ, nhận biết được (gồm cả đọc và hiểu nghĩa) khoảng gần 200 chữ Hán, đọc và hiểu được nghĩa một số câu thành ngữ…Chị Huệ luôn cố gắng điều chỉnh thời gian để đồng hành cùng bé tiếp tục khám phá chữ Hán.
|
Mỗi tối, Thiện Tường đều chăm chỉ luyện viết chữ |
Chị chia sẻ: “Học bất kì một thứ gì thì cũng cần hứng thú và yêu thích để có kết quả tốt nhất cũng như tạo môi trường sống và học tập lành mạnh. Nếu con mình có thể trở thành bác sĩ, nghệ sĩ, giáo sư, doanh nhân… thành công và nổi tiếng nhưng lại phải sống trong áp lực, sợ hãi và thiếu thốn tình cảm thì thành công đó thật không cần thiết. Nếu bé sau này chỉ là một nhân viên làm bánh thuê cho một cửa hàng nhỏ nhưng luôn thấy hạnh phúc, yêu đời và khát khao tìm tòi công thức làm bánh mới ngon hơn, hấp dẫn hơn, đẹp mắt hơn… thì dù như vậy mình cũng sẽ rất hạnh phúc và ủng hộ”
“Thay vì gây áp lực học tập cho con thì bố mẹ hãy nghĩ cách tạo hứng thú và làm gương cho con. Vẫn biết rằng nói thì dễ, làm thì khó. Nhưng vì con hãy cố gắng thay đổi và hoàn thiện dần dần”, là điều mà chị Huệ muốn gửi gắm đến các mẹ có mong muốn cho mình học bất cứ ngôn ngữ nào.
Nhật Hạ