Chị Hạnh Dung kính mến,
Ba em 72 tuổi, vừa mất, cũng vào hàng thọ. Mấy năm cuối đời, ông bị suy thận nên gia đình em đã chuẩn bị tinh thần và không bất ngờ trước sự ra đi của ông. Chỉ có em là vừa bất ngờ vừa ngày càng thấy choáng, có phần giận, thất vọng về ba.
Em là con gái một. Trước đây, em làm việc ở nơi khác. Khoảng hai năm trước, ba kêu em về làm cho công ty nơi ba là chủ tịch cho đến khi mất. Khi đó, em đơn giản nghĩ do ba mẹ muốn ở gần con cháu nên đã đưa cả gia đình về.
Nay ba mất, em được bàn giao lại tài liệu riêng trong phòng làm việc của ông. Có vẻ dù tuổi cao bệnh nặng, ba em chưa hề có ý định rút khỏi sân khấu cuộc đời. Hầu như tất cả những mối quan hệ, công việc của ông vẫn còn đang làm dở, đòi hỏi em phải quyết định làm tiếp hoặc đóng hồ sơ lại. Trong đó, có cả việc ông có con riêng và vẫn đang chu cấp nuôi cả hai mẹ con người ấy. Mẹ em không hề biết việc này.
Người tình của ba em vốn là nhân viên cũ. Chắc là sau khi cô ta có con, ông đã sắp xếp cho cô ta nghỉ việc công ty, mua nhà và nuôi con cô ta ăn học. Thằng bé nay đã 11 tuổi. Em càng hiểu thêm tại sao ba em không hề có ý định nghỉ hưu, rời công ty: Vì ông vẫn cần chuyển tiền chu cấp mỗi tháng.
Em suy nghĩ rất nhiều đêm, có phải vì với mẹ em, ba em chỉ có một đứa con gái nên ba phải đi tìm con trai bên ngoài?
Em đã mấy lần định đi gặp hai mẹ con ấy nhưng chưa thể quyết định. Em không biết mình sẽ nói gì, sẽ dừng hay tiếp tục chuyển tiền chu cấp, sẽ nói ra chuyện này hay tiếp tục giấu mẹ em… Mẹ em mắc bệnh tim, không biết bà có chịu đựng được cú sốc này không?
Thùy Lan (TP.HCM)
|
Ảnh minh họa |
Em Thùy Lan thân mến,
Bây giờ đã quá muộn để hỏi và đòi câu trả lời, bởi ba em đã thành người thiên cổ. Cái chết bao giờ cũng là quá vội, bao giờ cũng không đủ thời gian cho chúng ta chuẩn bị.
Thực tế, có lẽ ba em đã chuẩn bị được một phần: Ông đã đặt em vào vị trí tiếp nhận thông tin và quyết định thay ông. Ba em đã rời khỏi sân khấu nhưng vở diễn cuộc đời vẫn đang tiếp tục. Vai diễn bây giờ chuyển lại cho em, mọi chuyện đều do em quyết định.
Có thể ba em đã định nói sự thật với em nhưng chưa tìm ra dịp nói, cách nói. Nay đã biết chuyện, em nên tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định làm gì cụ thể.
Thứ nhất, thay mặt ba, em có thể đến gặp hai mẹ con cô ấy. Chắc họ cũng đã hay tin ba em mất, đã chuẩn bị tinh thần để đón nhận mọi chuyện.
Thứ hai, với tư cách là một người thừa kế đã trưởng thành, em có thể tiến hành mọi biện pháp, từ hồ sơ giấy tờ đến thử ADN để xác định nhân thân của đứa trẻ. Rất có thể ba em đã làm các kiểm tra này và kết quả hiện được lưu ở đâu đó. Khoảng thời gian tìm kiếm thông tin sẽ giúp em bình tĩnh để cân nhắc hợp lý hợp tình.
Có thể đây là một sai lầm của ba em nhưng đứa bé kia vô tội. Em không nên đem nỗi giận, nỗi thất vọng với ba mình đổ lên đầu đứa bé. Chắc chắn nếu còn sống và nói được chuyện này với em, ba em cũng mong em cư xử vậy.
Quan trọng là việc nên hay không nói hết mọi chuyện với mẹ em. Xét cho cùng, người đóng vai trò chủ chốt trong những phần tiếp theo ở hiện tại và tương lai là em chứ không phải là mẹ. Vậy nên, việc mẹ em biết hay không biết chuyện này có khi chỉ gây thêm buồn khổ. Em nên lưu tâm tình trạng sức khỏe và tinh thần của mẹ để quyết định.
Hạnh Dung
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Mai Hà (Nha Trang, Khánh Hòa): Hãy giải quyết cảm xúc của mình cho ổn
Chuyện nhà bạn thật khó mong một cách giải quyết trọn vẹn. Kể cả việc hỏi ba của bạn xem ông định thế nào nay cũng không thể.
Gặp người phụ nữ kia chắc chắn là việc bạn nên làm trước tiên. Thế nhưng trước khi đến gặp, tôi nghĩ bạn nên thông suốt với chính mình đã.
Việc bất ngờ có thêm một đứa em trai khiến bạn cảm thấy thế nào? Giải quyết được mớ cảm xúc này, bạn sẽ sáng ra nhiều. Nếu bạn tin rằng việc có thêm một đứa em cũng là điều tốt, khiến mình vui hơn, cho mình thêm tình yêu thương, có thêm một tình thân máu mủ… thì mọi thứ sẽ sớm được thu xếp ổn thỏa.
Lúc đó, bạn hãy đến gặp người phụ nữ kia, tiếp tục trợ cấp cho bà nuôi con đến năm 18 tuổi, sau đó tính tiếp. Còn về mẹ bạn, có lẽ không cần phải nói thêm điều gì ngay bây giờ. Mẹ bạn vừa mất chồng, bạn không nên bồi thêm một cú nữa. Mai này có cơ hội thích hợp mình nói cũng không muộn.
Hạnh Huỳnh (H.Châu Thành, Tiền Giang): Xem như mình có thêm một đứa em
Lúc anh Hai tôi mất, có một phụ nữ mang theo một bé trai chừng 12 tuổi đến nhà xin được để tang. Chị dâu tôi đã sững người nhưng rồi mặc cho cả nhà xì xầm, chị nhẹ nhàng bảo người phụ nữ kia xuống nhà dưới nghỉ ngơi, cho bé trai ấy chịu tang và không nói thêm gì.
Sau đó, chị thay mặt anh tôi tiếp tục gửi tiền nuôi đứa bé ấy đến lớn, không hề đi xét nghiệm ADN hay làm bất cứ điều gì để kiểm tra xem đó có phải là con của chồng mình hay không.
Chị nói: “Dù phải hay không thì con mình cũng có thêm một đứa em, xem như chị có thêm một đứa con, cô có thêm một đứa cháu”. Tôi học được biết bao điều từ chuyện này, bạn ạ!
Bạn ạ, chỉ tình yêu thương mới có thể hóa giải mọi thứ. Sự ghen tuông, ghét bỏ chỉ làm mọi chuyện xấu hơn. Gieo một hạt giống tốt, bạn sẽ nhận lại một cái cây tốt. Con trẻ không có tội. Người phụ nữ của cha bạn cũng đã sống quá lâu trong sự che giấu, mỏi mệt.
Thôi thì bạn nên tiếp tục công việc cha bạn còn dang dở, hãy thương cho trót…