edf40wrjww2tblPage:Content
Bỏ tú tài tham gia cách mạng
Sinh ra trong thời buổi loạn lạc “dáo lê sáng đất, tầm vông nhọn trời”, cô gái nhỏ Lê Thị Minh (SN 1929) tận mắt chứng kiến bao đau thương do thực dân, địa chủ gây ra. Cảnh cha mẹ quằn quại dưới đòn roi của địa chủ, cảnh người thân rên la sau những trận tra tấn hung bạo của giặc Pháp khiến Minh nung nấu ý nghĩ làm cách nào để thoát kiếp ngựa trâu.
Bà Lê Thị Minh |
Năm 16 tuổi, được cách mạng giác ngộ, Minh bỏ tú tài 1 tham gia lực lượng dân quân. Gia nhập hàng ngũ cách mạng, nhưng khi nhìn lại thực lực, Minh mới giật mình tự hỏi, lực lượng mỏng, vũ khí thô sơ thì làm sao diệt được giặc?
“Muốn đánh được ác ôn, phải có người đi theo ủng hộ mới làm được”, cô nghĩ. Nói là làm, trong vòng 3 tháng, người nữ dân quân nhỏ bé ấy đã vận động được hơn 100 người cùng hướng theo ngọn cờ giải phóng dân tộc.
Có được lực lượng, cô lại đề nghị cấp trên trang bị vũ khí. Vào tháng 7/1946, khi vừa 17 tuổi, cô được giao phụ trách tiểu đội dân quân này. Dưới sự hướng dẫn của Minh, cả tiểu đội phối hợp chiến đấu ăn ý, lúc thì giả làm người cấy lúa thuê, khi hoá trang thành người cắt cỏ mật phục đồn bót, tiêu diệt Ba Phương và Hội đồng Sửu, hai địa chủ khét tiếng độc ác thời bấy giờ, đồng thời khống chế 4 địa chủ khác, giao lại cho bà con hàng trăm công đất.
Năm 20 tuổi, Minh được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, sau đó cô được phân công làm Uỷ viên BCH Phụ nữ xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ.
Trước tình hình thực dân Pháp càn quét, vây đánh ác liệt hòng chia cắt nhân dân với Đảng, người nữ cộng sản trẻ tuổi luôn bám sát trận địa, tỉ tê vận động hàng ngàn chị em tham gia các cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống bắt lính, thu tô.
Nhắc đến không khí đấu tranh sôi sục ngày ấy, ông Lê Văn Sáu, nguyên Bí thư Huyện uỷ huyện Long Mỹ hào hứng kể: “Trong các cuộc biểu tình, chị Minh luôn là người đứng đầu, đi trước, cũng chính vì vậy mà khi bị đàn áp, giải tán cuộc biểu tình, chị Minh cũng là người bị đánh đập trước tiên. Cho rằng chị Minh có “cái miệng la nhiều” và đôi chân dẻo dai dẫn dân đi biểu tình, có lần, chúng cố tình đánh gãy răng cửa của chị, đập vỡ hai đầu gối để chị hết đi. Nhưng qua 7 lần bị bắt, qua hàng chục lần điều trị vết thương, người ta vẫn thấy chị đứng đầu hàng ngũ đội quân tóc dài ở Long Mỹ”.
Cũng trong thời gian ở Vĩnh Thuận Đông, Minh phải lòng người bí thư chi bộ xã điềm đạm và dũng cảm Trịnh Quốc Minh. Họ kết hôn và lần lượt sinh được 4 người con, 2 trai, 2 gái.
Chồng bị bắt đưa ra Côn Đảo, một nách nuôi 4 con thơ, người phụ nữ trung kiên Lê Thị Minh vẫn vững vàng đi đầu trong các cuộc đấu tranh chống đạo luật 10/59, phá khu trù mật Hoả Lựu - Vị Thanh, đưa hàng chục ngàn người dân về lại đất quê làm ăn sinh sống.
Cuộc chiến càng cam go, chị Minh càng hăng say cống hiến, lúc thì vót chông bẫy giặc, lúc lại hoá trang theo dõi nhưng kẻ chỉ điểm, gián điệp, khi lại làm công tác dân vận, kêu gọi lính nguỵ quay về với cách mạng, khi lại tỉ tê vận động chị em tham gia cách mạng, xây dựng hàng chục chi hội phụ nữ.
Giữa lằn ranh sinh tử
Năm 1962, nhận tin chồng hy sinh ở Côn Đảo, bà Minh nén lòng nuôi dạy các con tiếp bước truyền thống gia đình, lần lượt đưa các con vào hàng ngũ cách mạng: “Cho đến khi nào cách mạng thành công mới thôi đấu tranh”- bà Minh dặn các con khắc cốt ghi tâm điều đó.
Cuối năm 1968, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, lấy Long Mỹ làm trọng điểm bình định của vùng 4, tăng cường hơn 15.000 quân thuộc đủ các binh chủng về Long Mỹ, Vị Thanh khiến người dân phải chạy ra vùng ven sinh sống.
Trước tình thế này, Huyện uỷ Long Mỹ chỉ đạo bằng mọi giá phải phá huỷ cầu Nàng Mau - cây cầu huyết mạch đưa người và vũ khí của địch về Chương Thiện (Hậu Giang ngày nay) và U Minh để càn quét căn cứ cách mạng. Không ai khác, bà Minh được tin tưởng giao nhiệm vụ này.
Bà nhận nhiệm vụ với lời tuyên thệ: “Nếu bị giặc cầm cự, tôi sẽ giằng co kéo dài thời gian cho đến khi bom nổ, nếu có bị thương, bị giặc bắt thì một lời cũng không khai, nếu không thoát được thì tự sát”.
Đêm đó, bà về nhà gọi cô con gái đầu là Trịnh Thị Duy Anh đến dặn dò: “Má đi chuyến này để trả thù cho ba và góp phần giải phóng đất nước, nếu má có bề gì, con thay má lo cho các em”. Gạt nước mắt, bà Minh vận động thêm bà Nguyễn Thị Lầu, một người phụ nữ có chồng bị giặc giết chết, cùng lên kế hoạch tác chiến.
Sau nhiều ngày điều nghiên địa hình, học cách sử dụng bom hẹn giờ, ngày 20/12/1968, bà Minh cùng bà Lầu giả làm hai người mua bán lúa, dùng một chiếc ghe tam bản trên chất trấu, dưới lườn neo quả bom 500kg xuôi dòng Nàng Mau hỏi giá lúa gạo, lựa thời cơ cắt dây thả bom xuống chân cầu rồi quày quả chèo ghe ém quân chờ kết quả.
Đúng giờ, quả bom bùng nổ, nhưng cầu không sập mà chỉ xiêu vẹo khiến 4 tên lính gác cầu thương vong.
Đại tá Nguyễn Văn Bưa, nguyên Chỉ huy phó Cảnh sát tỉnh Cần Thơ (cũ), nguyên Phó ban An ninh, Huyện đội trưởng, Bí thư huyện Long Mỹ: “Tôi là người trực tiếp động viên chị Hai Minh (Lê Thị Minh) nhận nhiệm vụ đánh sập hai cây cầu Nàng Mau và Phú Xuyên. Với sự mưu trí, quả cảm và những chiến công oanh liệt trong suốt quá trình đấu tranh chống giặc, chị Minh xứng đáng là một anh hùng". |
Trước nhiệm vụ phải cắt cho được con đưòng huyết mạch của địch, một tuần sau, bà Minh lại nhận nhiệm vụ đánh sập cầu Phú Xuyên (Long Mỹ).
Rút kinh nghiệm con nước lần trước chảy xiết đẩy bom đi xa chân cầu, lần này, dù phải vượt qua hàng loạt đồn, chốt địch, vòng vèo hơn 5.000 mét đường sông với quả bom tự chế nặng 500kg neo bên ngoài ghe, bà Minh và bà Lầu vẫn bình tĩnh chọn thời điểm con nước đứng để cắt dây thả bom.
Đúng như tính toán, lần này, chiếc cầu sụp đổ hoàn toàn khiến 10 tên địch chết và bị thương. Hoàn thành nhiệm vụ, hai bà an nhiên ghé chợ bán hết số lúa và mua thêm thực phẩm cho bộ đội rồi lặng lẽ rút lui.
Chiến công của hai bà làm tê liệt hoàn toàn đường bộ từ Chương Thiện về Cần Thơ. Đêm đó, lực lượng vũ trang của ta đánh vào chi khu Long Mỹ, địch không có đường tiếp viện nên thất bại nặng nề. Chiến công này góp phần bẻ gãy đợt tấn công ồ ạt của địch vào Chương Thiện, thực hiện chiến dịch nhổ cỏ U Minh.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà Minh vẫn tiếp tục làm công tác phụ nữ, vận động chị em tham gia sản xuất, xoá đói giảm nghèo, đến các lớp bình dân học vụ.
95 tuổi đời, 65 năm tuổi Đảng với hàng chục chiến công hiển hách, bà Lê Thị Minh là hiện thân của một bà má Hậu Giang anh hùng.
HIỀN DUNG