Ba má hả hê, con cái ê chề

08/10/2020 - 17:53

PNO - Gần một năm sau ngày dạm hỏi, ba má anh chẳng nhắc gì chuyện cưới xin. Ba em mấy lần điện hỏi, hối thúc, rồi trách móc, nhà trai vẫn im lìm.

Có người yêu đã ba năm nhưng em không dám đưa về nhà ra mắt, vì ba má khó tính. Nhưng yêu rồi cũng phải cưới, chẳng lẽ neo hoài. Nhà trai nghe nói em xuất thân từ miền quê thì mừng, vì người ở quê chất phác thật thà.

Sau màn chào hỏi, ba em liền nổ: “Con Hằng nhà tui học giỏi nhất làng. Cả làng năm đó chỉ có mình nó vào đại học. Giờ nó có công việc ngon lành ở Sài Gòn. Con gái xóm này mấy ai được vậy. Bếp núc thì anh chị khỏi lo, món gì nó cũng nấu được…”. Nghe ba quảng cáo mà em nổi da gà, xấu hổ muốn chui xuống đất.

Nghe nhà trai sinh sống bằng nghề bán hủ tíu, ba rất thất vọng. Ông vốn kỳ vọng sẽ gả đứa con gái giỏi giang cho gia đình giàu có. Nhưng thời buổi này, “con cái đặt đâu cha mẹ đành ngồi đó”.

Ba em chốt: vàng cưới 5 cây, sính lễ 50 triệu. Em chết điếng trong lòng. Nhà trai mặt mũi tái ngắt. Má anh nói nhà mua bán đủ ăn, mấy đứa nhỏ đi làm mới vài năm, tích góp chưa được mấy. Muốn tụi nhỏ vuông tròn, xin sui gái… hạ giá.

Ba em kể nuôi em ăn học tốn kém. Em xinh đẹp, giỏi giang thiếu gì nơi giàu có dạm hỏi. Lẽ ra ông gả em cho Việt kiều… Sui trai càng nghe tự ái càng dồn cục, nhấp nhỏm trên ghế muốn về. Em níu ba, nghẹn ngào: “Ba thương con đi ba”. Ông nạt: “Tao thương mới đòi hỏi giùm bây nè”.

Họ hàng xúm vào khuyên can, cộng thêm nước mắt em đầm đìa, ba em mới chịu hạ giá sính lễ còn phân nửa.

Buổi lẽ dạm hỏi suôn sẻ cần thái độ biết mình biết ta của hai họ. Ảnh minh họa
Một buổi lễ dạm hỏi suôn sẻ rất cần thái độ tôn trọng nhau và "biết mình biết ta" của hai họ. Ảnh minh họa

Nhà trai ra về mà mặt mày nặng trịch. Má anh lạnh lùng: “Bác cũng vì thương con trai, chớ biết trước vầy cho vàng bác cũng không xuống”. Em khóc như mưa khi hình dung đoạn trường về nhà chồng làm dâu, còn chỗ đâu để tình thương len vào.

Người lớn gay cấn làm đôi trẻ chẳng thể vui. Em phập phồng lo không biết ba má anh có chịu bỏ qua. Anh cười cười: “Ổng bả không cho cưới thì tụi mình… ăn cơm trước kẻng. Mang cái bầu rồi tiền trảm hậu tấu”. Trước giờ hai đứa yêu nhau nhưng chưa từng vượt qua giới hạn. Có khi nào vì muốn đến với nhau em đành theo hạ sách này?

Gần một năm sau ngày dạm hỏi, ba má anh chẳng nhắc gì chuyện cưới xin. Ba em mấy lần điện hỏi, hối thúc, rồi trách móc, nhà trai vẫn im lìm. Một bữa, má anh cùng vài người họ hàng chợt tới nhà trọ thăm em. Hai đứa đang ngủ trưa, áo quần xốc xếch. Em tái mặt không dám ngẩng lên. Má anh cười mỉa: “Để bác xuống hỏi ba con coi tính sao. Hay hai đứa dọn về nhà ở luôn, khỏi cưới xin chi cho tốn kém”.

Ba em nghe thủng câu chuyện, ông ỉu xìu như bánh tráng nhúng nước, xấu hổ đến mức quên luôn việc mắng em. Mãi ông mới nhỏ nhẹ xin nhà trai làm một bữa tiệc cho giống đám cưới, còn sính lễ… sao cũng được. Vì con Hằng là chị hai, dưới nó còn hai em gái. Đứa lớn “mở hàng” xui xẻo, sợ bầy nhỏ cũng gặp xui, theo không hết ráo thì ông… cắt mặt quăng xuống sông...

Má anh ra về với vẻ đắc thắng. Bà nói vỏ quýt dày phải có móng tay nhọn, mới bóc được quýt mà ăn. Trong nhà, ba má em ủ rũ thở dài, bàn chuyện cưới xin mà buồn như đưa đám. Ba trút giận lên em vì làm ông mất mặt, thua thiệt với người đời. Ở quê điều tiếng còn nặng lắm, nhà mình rồi chẳng dám ngẩng lên với ai…

Ngày tháng sau này, làm sao em tránh khỏi chông chênh? Giá như từ đầu ba má biết nghĩ, sẽ không làm khó em thế này. 

Đức Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI