Ba má chồng ở chung nhưng đã ly thân, mâu thuẫn gay gắt, em không thể chịu nổi nữa...

30/09/2016 - 06:30

PNO - Em thấy mình đã không còn chịu nổi, rồi con cái lớn lên, môi trường gia đình như thế này thì làm sao dạy con được? Vợ chồng không thống nhất ý kiến, cãi nhau suốt, em bế tắc quá.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em 29 tuổi, đã lập gia đình, có một con gái. Trước ngày cưới, em không biết gì nhiều về hoàn cảnh cụ thể của gia đình chồng. Về nhà chồng rồi, em mới biết ba má chồng ở chung nhà nhưng đã ly thân, mâu thuẫn gay gắt.

Ba chồng em thường đánh chửi vợ con, dù có uống say hay không uống. Ông nghiện rượu nặng, đã mấy lần uống đến bất tỉnh ngoài đường, có lần còn bị tai nạn. Cứ vài hôm là ông lại cầm thứ gì đó trong nhà đem ra quán đổi rượu uống.

Má chồng em mê cờ bạc, chẳng quan tâm gì đến gia đình, mỗi lần cự cãi, bị chồng đánh, là tuôn ra những lời lẽ rất khó nghe. Có lẽ vì vậy mà mấy anh chị chồng lập gia đình đều ở riêng. Em về làm dâu coi như “hốt hụi chót”, phải ở nhà lo ba má.

Mấy anh chị có góp tiền hằng tháng để lo ăn uống cho ba má, nhưng ông bà đâu có chịu ở nhà cho em lo. Mỗi khi bà nợ nần vì chơi đề, hoặc ông say rượu té ngã đâu đó ngoài đường, phải vô bệnh viện, là mấy anh chị đổ hết lỗi cho vợ chồng em, nói ở nhà không lo chăm ba má. Em rất mệt mỏi, con lại nhỏ dại, làm sao có thể theo giữ ông bà suốt được.

Chồng em khuyên em cố gắng một thời gian, người già có tuổi chướng tính, có thể sau này sẽ dần tự điều chỉnh. Tuy nhiên, em thấy mình đã không còn chịu nổi; rồi con cái lớn lên, môi trường gia đình như thế này thì làm sao dạy con được? Vợ chồng không thống nhất ý kiến, cãi nhau suốt, em bế tắc quá...

Thu Hương (TP.HCM)

Ba ma chong o chung nhung da ly than, mau thuan gay gat, em khong the chiu noi nua...
Ảnh minh họa. Internet

Em Thu Hương thân mến,

Hoàn cảnh của em đúng là nhiều khó khăn, khó giải quyết ngay một lúc được. Tuy nhiên, nếu mình tính tới việc dọn ra ngoài ở, bỏ mặc ba má, là đang tính chuyện chạy trốn, chứ không phải giải quyết vấn đề. Chồng em cũng đã không chấp nhận dọn ra ngoài, vậy chúng ta thử cùng nhau tìm cách giải quyết sao cho tốt nhất trong hoàn cảnh này.

Ba chồng em nghiện rượu là một căn bệnh. Nếu không chữa, sau này sẽ càng nặng thêm, hoặc gặp tai biến khi uống rượu say, gia đình phải chăm nom rất vất vả. Vì vậy, em nên bàn với chồng và các anh chị chồng đưa ông đi chữa bệnh.

Cách tối ưu có lẽ là tách hai ông bà ra, ông hoặc bà ở với một anh chị, người còn lại ở với vợ chồng em. Các anh chị cũng phải có trách nhiệm chăm nom ông bà, không đơn giản chỉ đóng góp kinh tế là xong. Nếu em ở với một mình ông hoặc bà, em có thể chăm lo được tốt hơn vì chỉ tập trung vào một người.

Với trường hợp của bà, chuyển môi trường, dứt hẳn các quan hệ bài bạc, đề đóm... cũng là một cách chữa bệnh. Mặt khác, bà phải có nguồn tiền chu cấp nào đó thì mới tiếp tục được chuyện bài bạc. Em nên nói với chồng và các anh chị quản chặt việc này, đừng cho tiền để tạo điều kiện cho thói quen xấu này tiếp diễn.

Em cần nói thực hoàn cảnh của mình, khả năng của mình: chồng đi làm, mình em ở nhà, con còn nhỏ, cần có sự chia sẻ của đại gia đình, các anh chị sẽ nhận thấy phần trách nhiệm của họ. Đừng im lặng ấm ức một mình, hay chỉ biết tự trách móc, sẽ không mang lại kết quả gì em ạ.

Nếu tách hai ông bà ra ở hai nhà, có người chăm lo từng “chứng bệnh” một, thì em đỡ được nhiều lắm. Không nên để dồn hai ba chuyện khó vào một nơi, mình không giải quyết nổi.

Đối xử trọn tình trọn nghĩa với cha mẹ cũng là một cách dạy con. Mọi điều lo lắng, suy nghĩ của mình, nên trình bày cùng với một giải pháp khả thi. Nếu chuyện dọn ra riêng đã không thống nhất được thì đừng tính tới nữa, hãy tính những con đường khác, có thể lâu dài hơn. Phụ nữ “lấy chồng phải gánh giang sơn nhà chồng”, nhưng nếu gánh nặng quá thì mình phải biết tìm cách san sẻ. Chúc em thành công.

Hạnh Dung (hanhdung@baophunu.org.vn)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI