Bà loong toong 'làm nên' chân dung những nhân vật tầm cỡ

23/04/2015 - 08:52

PNO - PN - “Sự thật lớn nhất không phải viết sử, mà là chân dung sống động của họ trong các biến cố. Tôi chuyên tâm viết chân dung con người thôi; để bạn đọc được trực tiếp nói chuyện và nghe họ kể. Những thứ mà khi họ mất...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ba loong toong 'lam nen' chan dung nhung nhan vat tam co

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải phỏng vấn nhà thơ Phan Vũ trong giờ giải lao ở Đại hội Nhà văn VN, tháng 8/2010 - Ảnh: B.N.

Ký sự nhân vật, những nhân vật lớn về nhân cách, về sự cống hiến tài trí cho dân tộc, cho tổ quốc, qua ngòi bút nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, cuộc đời của họ trong dòng xoáy thời cuộc, trong thác ghềnh lịch sử dân tộc hiện ra trước người đọc đều là những cuộc đời rất đỗi con người, với những được mất, buồn vui mà đời người thường trải, dù đó là chân dung của nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao hay nhà tình báo lỗi lạc.

Năm 2002, Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời ra mắt, thu hút sự quan tâm của độc giả và công luận. Nhìn hình ảnh nhà tình báo trên sách, trên báo, tôi mới giật mình và thêm nể phục cách làm việc cũng lặng thầm như… người làm công tác tình báo của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải. Lúc còn làm việc cùng phòng báo chí xuất bản với chị, tôi thường thấy chị “hò hẹn” (thường là ở căng tin cơ quan) với một người đàn ông cao gầy có đôi mắt đen rất sáng, đó chính là ông Phạm Xuân Ẩn.

Đâu chỉ “đeo bám” nhân vật trong một tháng hay một năm, chị đã trì chí gần suốt cả chục năm, bởi “nhân vật đã bí ẩn, tài liệu mật mịt mù biết tìm nơi đâu, ai giúp, nhiều éo le ngóc ngách cần phải lần mò thẩm tra, liên kết nó lại”. Và điều thành công nhất của quyển sách viết về cuộc đời nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, có lẽ chính là sự thật về con người, về cuộc đời của ông. Nguyễn Thị Ngọc Hải đã khắc họa được rõ nét tính cách, lột tả được chiều sâu tinh tế nơi tâm hồn và sự gian khó trong công việc của ông - một tài năng đặc biệt trong một cuộc đời vô cùng bình dị.

Ba loong toong 'lam nen' chan dung nhung nhan vat tam co

Những tác phẩm thu hút sự quan tâm của độc giả và công luận của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải

Và không chỉ riêng quyển sách viết về cuộc đời ông Phạm Xuân Ẩn, quyển sách nào viết về chân dung nhân vật, Nguyễn Thị Ngọc Hải cũng tránh được cách kể dẫn chuyện và miêu tả theo lối tô hồng, biến nhân vật thành những hình mẫu khô cứng với quá nhiều thành tích, dù đó là những con người lừng lẫy chiến công.

“Bộ sưu tập nhân vật” của chị có thể kể các nhà tình báo: Phạm Xuân Ẩn, Trần Quốc Hương, Mai Chí Thọ…; những chân dung như bác sĩ Trần Văn Bản đi tìm đồng đội với tiểu đoàn Cát Bi - một trong những nhân vật mẫu cho nhà làm phim Mỹ làm phim Trung đội, như chuyện đời Đại sứ Vũ Hắc Bồng, như sự trở về với quê hương của phó thủ tướng Fulro - hiện làm Phó chủ tịch Mặt trận tổ quốc tỉnh Lâm Đồng. Đó còn có 10 ngả đường đời khác nhau của 10 cô nữ sinh trường Marie Curie của Sài Gòn xưa, có chân dung người chuyên nghề tuyên giáo - ông Trần Trọng Tân...

Ba loong toong 'lam nen' chan dung nhung nhan vat tam co

Nhân vật qua ngòi bút của chị gây thiện cảm nơi người đọc không chỉ là nghị lực, tài trí hơn người mà chính là tình người, là chất nhân văn tỏa sáng từ tâm hồn và hành động của họ. “Với tôi, sự thật lớn nhất không phải viết sử, mà là chân dung sống động của họ trong các biến cố. Tôi chuyên tâm viết chân dung con người thôi; để bạn đọc được trực tiếp nói chuyện và nghe họ kể. Những thứ mà khi họ mất đi, chả bảo tàng nào giữ được”. Tâm niệm xuyên suốt và luôn nhất quán này ở nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải còn được thể hiện rõ ở những bài phỏng vấn, bài viết về nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa tên tuổi.

Ba loong toong 'lam nen' chan dung nhung nhan vat tam co

Để viết được, viết đúng và viết hay về những nhân vật tầm cỡ, dù chị hóm hỉnh cho mình chỉ là người chạy việc - là bà "loong toong", nhưng ngoài bản lĩnh, kiến thức, năng lực của một nhà báo giỏi tay nghề và sự tinh tế của một nhà văn, còn là sự nỗ lực không ngơi nghỉ, đúng như bộc bạch của chị - “Tôi học mỗi ngày”.

5 năm làm việc cùng cơ quan với nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải và những lần được đi đây đó cùng chị, dường như lúc nào tôi cũng thấy chị luôn trong tâm thế làm việc. Chị quan sát và luôn biết lắng nghe, chọn lọc và ghi chép. Đi đâu, đến đâu chị cũng nắm bắt và lọc ra được những điều đáng ghi, đáng nhớ, đáng suy ngẫm. Góp nhặt vốn sống, gom góp nỗi niềm, chắt chiu cảm xúc… nên chị “giàu lên” mỗi ngày.

Sự giàu có từ kiến thức, từ tâm hồn khiến chị “đủ duyên” để tiếp xúc, trò chuyện, khơi gợi và chia sẻ niềm riêng đối với những nhân vật ưu tú, mà do vai trò và vị trí đảm nhiệm của mình, họ thường khép kín.

Sau gần nửa thế kỷ cầm bút, tận lực với nghề, tận tâm với đời, Nguyễn Thị Ngọc Hải vẫn luôn đặc biệt tỏa sáng ở thể loại ký sự nhân vật.

BÍCH NGÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI