Bà lão U100 lần thứ 22 đi xuyên Việt

24/01/2023 - 16:29

PNO - Với bà Xuân Phượng, cái tuổi chỉ là… con số. Sinh năm 1929, nhưng “cái tuổi” của bà không có nếp nhăn hay nhuốm bạc như da như tóc.

Đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng vẫn năng động, tràn đầy năng lượng ở tuổi ngoài 90
Đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng vẫn năng động, tràn đầy năng lượng ở tuổi ngoài 90

Tôi gọi điện cho đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng, chủ phòng tranh Lotus (quận 1, TPHCM) để phỏng vấn về cuốn hồi ký Gánh gánh… gồng gồng… của bà. Đây là tác phẩm được bạn đọc đón nhận với trên 100.000 bản tiếng Pháp, Anh, Việt...

Hồi ký tái hiện cuộc đời truân chuyên đến diệu kỳ của một tiểu thư nệm ấm chăn êm bỗng năm 16 tuổi rẽ lối đi làm cách mạng. Bà là một trong những người đầu tiên chế tạo thuốc súng ở Việt Nam, một bác sĩ, một phóng viên chiến trường, một đạo diễn phim, chủ phòng tranh Lotus với mấy mươi chuyến triển lãm tranh của họa sĩ Việt Nam ra khắp năm châu.

Đầu dây bên kia, giọng nói trầm ấm hằng ngày bỗng trong trẻo, cao vút và dường như đang tất bật. “Cô chuẩn bị đi xuyên Việt bằng ô tô. Hẹn về sẽ gặp con nhé!” - bà Xuân Phượng nói. Lúc ấy, may là tôi đã kịp ghìm lại câu hỏi: “Cô đã chín mươi mấy tuổi rồi mà còn… đi  xuyên Việt?”.  

Tôi may là vì, với bà Xuân Phượng, cái tuổi chỉ là… con số. Sinh năm 1929, nhưng “cái tuổi” của bà không có nếp nhăn hay nhuốm bạc như da như tóc. Ấn tượng bởi điều này, thay vì viết bài về cuốn hồi ký, tôi đã chuyển sang phỏng vấn bà về những dự định, những niềm mơ ở tuổi trăm. 

Bà Xuân Phượng mong muốn bạn bè thế giới biết đến một Việt Nam bình an, tươi đẹp, chuyển mình mạnh mẽ sau chiến tranh - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bà Xuân Phượng mong muốn bạn bè thế giới biết đến một Việt Nam bình an, tươi đẹp, chuyển mình mạnh mẽ sau chiến tranh 

Phóng viên: Biết kế hoạch đi xuyên Việt gần một tháng rưỡi của bà ở tuổi “cao chót vót” như vậy, con cháu có cản?

Đạo diễn Xuân Phượng: Các con cháu tôi luôn khuyến khích tôi. Mà nếu chúng cản thì cũng không lay chuyển được gì. Tôi muốn thêm lần nữa trong đời được ngắm đất nước Việt Nam tươi đẹp. “Bật mí”: đây là lần thứ 22 tôi đi xuyên Việt, chứ không phải lần đầu. 

Tôi lên lịch trình chặt chẽ để ghé thăm triển lãm tranh các tỉnh, thăm những họa sĩ mà tôi từng chắp cánh cho tranh của họ bay xa. Thật hạnh phúc và bất ngờ khi thấy họ đều đã khá giả, không còn cảnh nghèo khó, chật vật, thậm chí ở gầm cầu thang như lần đầu tôi tìm đến để mua tranh. Hai hình ảnh đối lập này càng thôi thúc tôi chạy đua với thời gian để “đãi cát tìm vàng”. Tôi muốn bắc nhịp cầu cho những họa sĩ tài hoa, sáng tạo, đột phá đến được với người yêu tranh. 

Chuyến xuyên Việt của tôi không chỉ thu về những bức ảnh danh lam thắng cảnh mà còn ướp đầy những cảm xúc vui mừng, tự hào và hy vọng. Tôi cảm nhận rõ hiệu quả của những việc làm lặng thầm của mình. Tôi có thể chạm vào thành công ấy qua chiếc xe hơi họ mua, ngôi nhà lầu sang trọng họ ở.

Từng có những họa sĩ như Lê Võ Tuân, Trương Đình Hào… suốt 10 năm, 12 năm phòng tranh không bán ra được bức nào. Nhưng tôi vẫn bền chí tiếp tục mua tác phẩm để họ an tâm, có động lực mà lao động nghệ thuật. Tôi tin với nét vẽ kỳ tài ấy, họ sẽ có tương lai. Và một ngày, niềm tin của tôi đã được hiện thực hóa.

Bà Xuân Phượng miệt mài chắp cánh cho tranh Việt bay xa
Bà Xuân Phượng miệt mài chắp cánh cho tranh Việt bay xa

* Bằng cách nào bà có thể vượt qua suy nghĩ phổ biến của người già rằng “ở nhà cho lành, đi lỡ có gì con cháu chăm cực nhọc”?

- Tại sao tuổi cao lại là một trở ngại, áp lực, một “barie” chắn ngang những điều mình ước muốn? Bên cạnh việc con cháu không ủng hộ người cao tuổi (NCT) bước khỏi ngạch cửa, NCT cũng tự dán nhãn “những điều ấy không thuộc về mình”.

Tại sao NCT không thể sử dụng điện thoại thông minh đời mới? Tại sao NCT không thể đi xuyên Việt? Thêm cái gậy, thêm xe lăn phòng hờ đường xa, trơn trượt, thêm thời gian so với lịch trình của người trẻ, chỉ cần như thế, NCT có thể đi đến bất cứ chân trời nào. Đi không hề là liều lĩnh, vấn đề là cách mình chuẩn bị đi như thế nào cho an toàn. Tôi biết nhiều NCT ngại hoạt động, ít giao tiếp xã hội, đầu óc trở nên xơ cứng, buồn chán và rất dễ bị trầm cảm, như chiếc xe nằm ì quá một tuần không nổ máy là hỏng.

Còn nhớ độ 90 tuổi, tôi tổ chức triển lãm tranh ở Tây Úc, một nhà báo ngỡ ngàng nhìn tôi, hỏi: “Tuổi này mà sao bà còn làm triển lãm tranh?”. Tôi đã nhìn thẳng vào mắt nhà báo ấy, dõng dạc hỏi lại: “Tại sao ở tuổi này, tôi không có quyền làm triển lãm tranh?”.

Ai cũng sống một đời và chết một lần, nếu không né được cái chết thì tôi “đăng ký” được chết khi đang triển lãm tranh (một công việc mà tôi say mê, đặt bao tâm huyết) hơn là chết trên giường bệnh, bị quăng quật bởi cơn đau. Thật vô lý khi ai đó đang sống mà cứ nghĩ đến cái chết để lo sợ, hoang mang, để khước từ niềm vui và khát vọng sống.

Với đạo diễn Xuân Phượng, tương lai sôi động vẫn đang ở phía trước
Đạo diễn Xuân Phượng cho biết, những dự án sôi động của bà vẫn đang ở phía trước

* Một ngày của người U100 có dài lắm không?

- Tôi có rất nhiều việc để làm trong ngày mà với tôi, ngày lại quá ngắn. Nếu ai đó buộc tôi ở tuổi U100 phải nằm dài cả ngày chắc là tôi sẽ chết chỉ trong 9 tháng. Hay nếu ai buộc tôi phải chơi cả ngày thì tôi cũng không biết chơi gì. Nằm dài xem ti vi hoặc chơi, với tôi, nó giống… “chờ chết” hơn là an dưỡng, nghỉ ngơi, hưởng thụ. Nói cách khác, làm việc cũng chính là nghỉ ngơi vì có làm thì mình mới khỏe. 

Tôi đang ấp ủ kế hoạch viết sách Ai bảo đi làm phim là khổ?, sách Sắc màu không biên giới và tổ chức chuyến triển lãm tranh cuối cùng vào tháng 9/2023 tại Canada.

* “Cuối cùng”? Vì sao bà nói như kết thúc một hành trình mà bà đã dành nửa đời theo đuổi?

- Tôi chỉ đổi vai chứ không kết thúc. Cụ thể là tôi sẽ không trực tiếp đứng ra tổ chức triển lãm tranh nữa, mà tập trung kết nối giữa họa sĩ, người yêu tranh và người vừa được tôi nhượng quyền thương hiệu phòng tranh Lotus. 

Đề tài mà tôi mong muốn được giới thiệu thật nhiều, thật rộng là chiến tranh và hòa bình. Đó cũng là lời hứa thầm của tôi ngày tiễn biệt anh bạn họa sĩ chiến trường vào cõi vĩnh hằng khi những tác phẩm mà anh đổi bằng xương máu chưa được công chúng biết đến và nhìn nhận xứng tầm. Tôi thường rưng rưng hồi tưởng khoảnh khắc anh ấy ôm đống tranh đến gặp tôi và nói: “Những bức tranh này bấy lâu nay tôi giữ như con. Nhưng giờ tôi giao cho Phượng. Nhà vệ sinh của gia đình tôi bị hư từ lâu và tôi đang cần tiền để sửa…”.

Trên đất bạn, tôi cũng cảm nhận nghệ thuật đã chữa lành tâm hồn người như thế nào. Năm 2010, trong một triển lãm tranh tôi tổ chức ở Ý, có 1 người khách nam cao gầy, đội mũ rộng vành kiểu dân Texas, đi cùng 1 phụ nữ, đến xem từng bức tranh, từng dòng chú thích suốt 3 ngày liền. Khi chúng tôi chuẩn bị “nhổ neo” thì bất ngờ ông khách tiến đến, hấp tấp nói, giọng nghèn nghẹn: “Xin loi, xin loi”. Tôi bất ngờ, bối rối khi ông Tây biết nói tiếng Việt và không hiểu cớ gì ông xem tranh mà lại “xin lỗi”. 

Sau đó, qua chia sẻ của ông bà khách ấy, tôi được biết ông là kỹ sư từng xây dựng sân bay quân sự Chu Lai vào những năm 60 của thế kỷ trước. Mấy chục năm sau chiến tranh, ông vẫn còn ám ảnh việc gián tiếp nhúng tay gây tội ác ném bom tàn phá đất nước, giết hại người dân Việt. Ông suy nhược thần kinh, người vợ đưa đi du lịch, thăm thú nhiều nước nhưng ông không thôi giày vò.

Đến với cuộc triển lãm, nhìn sắc màu tươi sáng của làng quê, phố thị Việt Nam, ông ngộ ra một cách sâu sắc rằng chiến tranh đã qua, hận thù không còn và cuộc sống đã thực sự hồi sinh trên dải đất hình chữ S. Nỗi u uất trong lòng vì vậy mà vơi đi.

Bà tâm đắc sáng tạo của họa sĩ vẽ tranh bằng đất
Bà tâm đắc sáng tạo của họa sĩ vẽ tranh bằng đất

* Trải nghiệm gần một thế kỷ đời người, bà muốn nhắn gửi thông điệp gì để người người có thể sống thoải mái, hạnh phúc hơn, nhất là ở tuổi xế chiều?

- Đưa ra lời khuyên? Thật ra, đời mình đã dạy được mình gì đâu mà dạy người khác. Chỉ có vài điều tôi tự thấy là quan trọng, biết đâu cũng cần cho ai đó. Tôi thấy được chào đời, được sinh ra với 2 mắt, 2 tay đầy đủ, cơ thể lành lặn đã là ân huệ. Mỗi người chỉ sống một lần thì hãy trân trọng và làm sao cho cuộc sống của mình thật vui vẻ, có ý nghĩa. Dù “cái tuổi nó đuổi xuân đi” nhưng cần rèn luyện thể lực tương đối, giữ tinh thần phấn chấn, lạc quan, ít phàn nàn người khác. Nhất thiết phải chủ động tài chính để chuẩn bị cho tuổi già không cậy con. 

Đạo diễn Xuân Phượng và tác giả bài viết (người bên phải)
Đạo diễn Xuân Phượng và tác giả bài viết (người bên phải)

Hồi tôi còn nhỏ, mỗi ngày rằm, bà ngoại đều nấu nồi cháo to cho người nghèo khó đến ăn. Bao giờ khi phụ múc cháo ra tô, khói bay nghi ngút, tôi cũng nghe bà nói “ở hiền gặp lành, con ơi!”. Mùi cháo ấy, câu nói ấy ăn sâu vào tôi tự hồi nào. Càng ngày tôi càng thấy thâm thúy và không hề sai. “Hiền” là con đường dẫn tôi đi trên cuộc đời, đối xử với bao người, giải quyết bao biến cố trong đời sống, trên thương trường để đến giây phút này không phải gợn chút ray rứt.

Một thanh niên mà tôi cưu mang mẹ con nó nhiều năm đã ăn cắp tiền của tôi, còn nỗi căm giận nào hơn! Bắt hay tha? Tôi đắn đo, cân nhắc và cuối cùng đã tha. Bởi tôi cảm thương cho tuổi trẻ nông nổi và thiếu tình thương lẫn sự giáo dục của cha. Với phép chọn “ở hiền” này, tôi đã “gặp lành” khi cậu ta không còn ăn cắp của tôi hay ai khác mà đã chí thú làm ăn, trở nên giàu có. 

* Xin cảm ơn và kính chúc bà dồi dào sức khỏe, hoàn thành những tâm nguyện cho mình, cho đời. 

“Gần một thế kỷ đời người, tôi thấm bài học về sự “cho đi” với đầy đủ ý nghĩa của san sẻ. Với một túi gạo, một chiếc áo chuyền tay, tôi cảm nhận được hơi ấm ấy len vào thớ thịt, bởi tôi từng trải qua bao mùa đói lạnh, từng tự đỡ đẻ con trai đầu lòng trên chiếc thuyền rách nát ngược dòng sông Lô giữa cái rét cắt thịt da của núi rừng Việt Bắc...”.

Đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng

Tô Diệu Hiền (thực hiện)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI