Cuộc sống dường như cho bà Huỳnh Thị Phèn (sinh năm 1940) một sức mạnh hơn những người phụ nữ khác. Bà tên Phèn, là người con thứ tư nên người quen hay gọi Tư Phèn.
|
77 tuổi nhưng bà Tư Phèn rất minh mẫn |
Ngôi nhà ve chai ở dòng sông Kinh
Ngôi nhà bà Tư nằm ở cuối con hẻm nhỏ, dưới chân cầu Hiệp Phước, sát rìa mé sông. Đây là ngôi nhà tình thương xây đã lâu và dĩ nhiên rất cũ kỹ, có những mảng tường trơ gạch vì không được xây xi măng cho hoàn thiện. Ở góc trang trọng nhất của ngôi nhà, bà dành treo ảnh Bác Hồ.
Thời trẻ, ở Tiền Giang, bà là giao liên đưa thư cho cách mạng. Lần nào cũng thành công, trót lọt. Rồi khi chiến tranh chưa chấm dứt, chồng bà mất vì đạn lạc. Khi đó, bà mới 27 tuổi và một tay nuôi 3 con trai.
|
Ngôi nhà ve chai bên dòng sông Kinh của bà Tư Phèn |
Hòa bình lập lại sau năm 1975, từ vùng Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang), bà rong ruổi tìm cho mình một mảnh đất lành để sinh sống.
Bà chọn một rìa đất ven sông Kinh, dưới chân cầu Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Bà lý giải: “Những con đường nào đầy sỏi đá, ít người dám qua lại thì tôi sẽ đến ở. Vì đó mới là vùng đất an lành, ít ganh đua giành giật nhau”.
Thương cho bà, vùng đất tuy có lành nhưng số phận dường như bắt bà Phèn phải luôn gồng người chiến đấu. Ở tuổi 77, bà Tư Phèn một mình tất tả nuôi 2 cháu ăn học.
|
Bà Tư Phèn và cháu Ngọc Bích chuẩn bị lên lớp 9 |
Nụ cười đón khách lạ chưa kịp giòn tan, bà lại buồn bã kể: "3 đứa con trai lớn lên lập gia đình ở xa, để lại cho tôi cưu mang 1 người cháu gái. Khi cháu đang mang trong bụng đứa con thứ hai được 6 tháng thì chồng bỏ đi".
Người mẹ trẻ đau lòng rơi vào trầm cảm rồi lâm bệnh chết sớm, để lại 2 con gái bé xíu cho bà nội. Vậy là hơn 10 năm, bà Tư Phèn một mình nuôi 2 đứa cháu cố bằng gánh ve chai thu lượm mỗi ngày.
Lưng còng vì cháu
Dù một mình đẩy xe đi gom ve chai nhưng bà Tư cấm tiệt 2 đứa cháu nhỏ ra đường giúp bà. Bà bảo nếu làm như vậy, bạn bè thấy được lại khiến 2 cháu mặc cảm. Bà chỉ cho 2 cháu phụ giúp bà dọn dẹp nhà cửa, giặt đồ ve chai ở nhà.
|
Cháu bà chỉ bầu bạn với chú mèo nhỏ khi ở nhà |
Bà con láng giềng nhiều lần thấy bà tuổi cao mà vẫn dồn sức kéo từng đống ve chai cao quá đầu, chòm xóm khuyên bà nghỉ ngơi nhưng bà chỉ cười vì bà biết rõ nếu không đi làm thì các cháu không thể đến trường.
Có lần gắng sức, vai bà bị trật. Có lần nắng nóng, bà về nhà và bị tăng xông, nằm liệt nhà 3 tháng trời. Bà Tư Phèn bảo đó là lần bà cảm thấy tuyệt vọng nhất: Lần đó trời nắng nóng mà bà chủ quan, cứ đẩy xe gom ve chai thật xa.
Đến khi về nhà thì thấy căn nhà quay tròn rồi bà choáng váng, nôn ói khắp nhà. Bà Tư bảo lúc đó chỉ nghĩ được rằng: “Cầu trời cho tui được sống. Chết thì yên thân phận tui rồi. Nhưng chết thì bỏ cháu nương tựa ai đây”.
|
Bà cố Tư Phèn và cháu Ngọc Bích, lớp 8, trường THCS Hiệp Phước, Nhà Bè. Con búp bê em cầm trên tay là một trong những đồ chơi từ ngày bé đến giờ. |
Bà nằm liệt trên chiếc chiếu giữa nhà nhưng nhất quyết bắt 2 đứa cháu cố không được bỏ học. Mỗi sáng 2 cháu nấu một bình thủy nước sôi để bà tự ở nhà pha trà đà uống. Nồi cơm điện được kéo xuống đất để buổi trưa buổi chiều bà kéo ra sân lấy nước vo gạo nấu cơm cho cháu, nấu cháo tự ăn.
Bà con chòm xóm thương tình mang gạo lại cho. Vậy mà sau 3 tháng, bà hồi phục sức khỏe trở lại và tiếp tục đẩy xe đi gom ve chai. Sau lần đó, bà phải mượn nợ hết 10 triệu đồng. Khi có tiền đủ, bà Tư Phèn lật đật gom trả ngay vì “có trả tiền thì lần sau người ta mới cho mình mượn tiếp được”.
Nhớ lại lần đó, bà Tư Phèn không khỏi kinh hoảng: “Nói có ông trời, bệnh vậy mà không đi bệnh viện. Ngồi một chỗ chứ đứng dậy là té. Đầu ong ong như ai đó gắn bù lông. Phải cạo đầu trọc lóc. Bất nhân không. Bệnh này tui sợ hơn chiến tranh, hơn bom đạn”.
Vậy mà nhờ gom góp từ những lần bán ve chai, bà Tư Phèn đã nuôi 2 cháu gái ăn học đàng hoàng. Cháu Hồ Thị Bích Phận năm nay 16 tuổi, học lớp 10 trường THPT Long Thới (Nhà Bè) vừa rồi mới đạt huy chương bạc Giải võ thuật cổ truyền dành cho học sinh toàn thành.
Còn cháu Hồ Thị Ngọc Bích, 14 tuổi đang học lớp 8 trường THCS Hiệp Phước. Và ở xóm Đình – nơi bà Tư ở, ai cũng khen hai cháu của bà Tư Phèn vừa ngoan, vừa học giỏi.
Bây giờ niềm vui nhất của bà Tư Phèn là 2 đứa cháu cố học hành đàng hoàng và sống tử tế. Buổi tối về, mấy bà cháu lại rủ rỉ bên nhau.
|
Bà Tư không sợ cái chết mà sợ nhất là 2 cháu cố của bà sẽ không còn nơi nương tựa |
Có lần, bà Tư hỏi cháu Hồ Thị Bích Phận khi đi thi đấu mấy bạn có nhiều người thân đi theo ủng hộ không. Bé Phận nói mấy bạn đó gia đình đi theo nhiều lắm, chỉ mình con là không có ai rồi bật khóc.
Bà muốn khóc theo cháu mà làm bộ nghiêm mặt: “Cố đi theo con cũng được nhưng cố phải đi lượm ve chai. Cố biết là nếu cố đi thì con dạn dĩ hơn. Nhưng nếu cố không đi làm thì ngày mai 2 chị em con không có tiền đi học đâu. Con đừng buồn cố vậy.”.
Rồi hai bà cháu thút thít khóc. Cháu gái tựa vào vai bà rồi trả lời nhát gừng: “Con biết rồi nhưng tại tủi thân nên con khóc như vậy”.
|
Bà Tư Phèn và 2 cháu cố dễ thương, ngoan ngoãn |
Dù nghèo nhưng không muốn cho cháu
Cuộc sống của 3 bà cháu bên mé sông Kinh này không phải là êm ả như dòng nước trôi trước hiên nhà… Cái tên như vận vào đời mình. Bà Tư Phèn lận đận và nghèo khó từ lúc trẻ cho đến khi qua cái tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng bà bảo: “Tui nghèo thì nghèo thiệt nhưng tui dạy 2 đứa cháu phải sống ngay thẳng như ông Phật mới được. Chuyện tốt thì học, chuyện xấu chừa ra. Đó là đạo làm người”.
Cách đây vài năm, có người ở Mỹ biết chuyện bà vất vả một mình nuôi 2 cháu nên có ý định xin nhận con nuôi. Bà Tư Phèn từ chối hết, bảo có thương thì bà nhận chứ cho cháu thì không, bà còn sống thì còn lo cho cháu được.
|
77 tuổi và quỹ thời gian của bà Tư Phèn còn lại không nhiều |
Có lần "gánh hát cuộc đời" thêm trần ai khi một đêm, căn nhà bà bị con sông nuốt chửng, cuốn trôi đi mọi thứ. Rơi vào cảnh sống màn trời chiếu đất, tuyệt vọng bà Tư Phèn chỉ nghĩ đến một chuyện là sẽ bỏ nơi này mà đi, dù là không biết đi đâu.
Bà con chòm xóm thương bà, khuyên bà Tư ở lại. Bà có chết thì chết ở đây bà con còn biết, chứ mấy bà cháu đi đâu, có chết ngoài đường ai mà biết được. Vậy là bà Tư ở lại, chọn một rìa đất khác, cũng sát mé sông nhưng nơi này là vùng đất bồi.
|
Bà Tư Phèn sợ nhất là một lần tăng xông nữa... |
Hai đứa cháu côi cút cứ thế lớn lên dù không đủ đầy nhưng bạn bè nhưng bà cố cũng ráng không để cho cháu phải thèm thuồng thứ gì. Bà gom góp tiền ve chai mua được 2 cái máy tính cũ cho cháu học hành và lên mạng internet.
Mỗi khi cháu đi học đều được bà dúi vào tay mấy chục ngàn để đi xe buýt và để uống nước với bạn bè. Chỉ duy có bữa ăn thì đơn giản vì 2 cháu cũng dễ chịu: chỉ cần cơm với trứng vịt hoặc với chuối thì 3 bà cháu đều ăn ngon.
Ngôi nhà ve chai, gió lồng lộng thổi, những tấm bạt ni lông căng ngang trước nhà. Để cho vui nhà, bà Tư nảy ra sáng kiến mắc những bóng đèn trái ớt nhấp nháy từ trong nhà ra tận ngoài bờ sông.
|
Sự lớn khôn của 2 cháu là niềm vui lớn nhất của bà Tư |
Ở đây, có cảm giác thời gian không chịu dịch chuyển. Bà vẫn khỏe mạnh, nói chuyện rổn rảng, rõ ràng và thẳng thắn.
Bà Tư ở đó, mỗi sáng mỗi chiều ra nhặt ve chai, quét chợ, phụ dọn hàng cho người ta. 2 bé cháu cố của bà ngày ngày vẫn cắp sách đi học, đàng hoàng tươm tất không thua kém một ai.
Hiếu Nguyễn