Ba Lan: Người phụ nữ đầu tiên phải hầu tòa vì giúp đỡ người khác phá thai

28/03/2022 - 21:56

PNO - Người đầu tiên bị buộc tội ở Ba Lan vì vi phạm luật phá thai nghiêm ngặt của nước này bằng cách cung cấp thuốc viên gây sẩy thai cho một phụ nữ đang mang thai sẽ phải ra tòa vào tuần tới.

Justyna Wydrzyńska, từ nhóm giúp đỡ phụ nữ Aborcyjny Dream Team (ADT) của Ba Lan, bị buộc tội phá thai bất hợp pháp và phải đối mặt với án tù 3 năm nếu bị kết tội. “Tôi biết tôi có thể bị đối xử như thế trong hoàn cảnh này”, cô nói.

Việc tiếp cận phá thai vốn đã rất nghiêm ngặt ở Ba Lan trong nhiều thập kỷ qua và vào tháng 1 năm ngoái, quốc gia này đã ban hành luật mới khiến tất cả phụ nữ không thể tiếp cận phá thai an toàn một cách hợp pháp.

“Trong thâm tâm của chúng tôi đều biết điều này có thể xảy ra. Nhưng chúng tôi không ngại và luôn công khai về những gì chúng tôi làm - chúng tôi không bao giờ giấu giếm điều đó”, Natalia Broniarczyk, một thành viên của ADT, nói về công việc của tổ chức chuyên giúp đỡ phụ nữ này.

Nhóm ADT luôn cẩn thận hoạt động theo luật pháp của Ba Lan, vốn chỉ xử tội những người cung cấp dịch vụ phá thai chứ không phải là những bệnh nhân. Vì thế, ADT đã lách luật bằng cách giới thiệu những phụ nữ tìm cách phá thai đến các tổ chức có trụ sở ở nước ngoài, những nước được phép phá thai bằng thuốc và được lấy thuốc hợp pháp bằng trực tiếp hoặc qua đường bưu điện. Chính vì cách này mà các thành viên của ADT không thể bị buộc tội trực tiếp cung cấp dịch vụ phá thai.

Phụ nữ Ba Lan Phá thai không biên giới' phản đối luật chống phá thai nghiêm ngặt của Ba Lan tại tòa án hiến pháp ở Warsaw vào tháng Giêng. Ảnh: Czarek Sokołowski / AP
Phụ nữ Ba Lan xuống đường với bảng "Phá thai không biên giới" phản đối luật chống phá thai nghiêm ngặt của Ba Lan tại tòa án hiến pháp ở Warsaw vào tháng Giêng - Ảnh: AP

Nhưng vào cuối tháng 2/2020, khi đại dịch bùng nổ, các nước bắt đầu khóa cửa biên giới khiến việc đi lại bị gián đoạn. “1 người phụ nữ đang mang thai 12 tuần và bị bạo hành gia đình. Ban đầu, cô ấy đã cố gắng đi đến Đức để phá thai nhưng bị chồng phát hiện và ngăn cấm nên đã gọi tôi nhờ giúp đỡ.  Tôi từng phá thai ở tuần thứ 12 và tôi cũng đã từng có một mối quan hệ bị lạm dụng. Tôi biết nó có ý nghĩa gì khi ở trong tình huống này. Giúp đỡ cô gái này là phản ứng đầu tiên của tôi", Wydrzyńska kể.

Để giúp đỡ cô gái này phá thai, Wydrzyńska đã gửi những viên thuốc đến người cần và ngay lập tức cảnh sát ấp đến nhà cô gái ấy bởi người chồng báo cáo. Wydrzyńska cho biết chính cuộc điều tra căng thẳng sau đó của cảnh sát đã khiến cô này cũng bị sảy thai.

Thời gian sau, cảnh sát đến nhà Wydrzyńska để khám xét. “Đây là lần đầu tiên tôi mạo hiểm và tôi nhận được một bản cáo trạng", Wydrzyńska nói đùa. 

Wydrzyńska đã tham gia vào hoạt động phá thai hơn 15 năm. Cô thành lập phòng trò chuyện đầu tiên ở Ba Lan để có thể giúp các phụ nữ có thai muốn phá thai an toàn. “Những người phụ nữ khi rơi vào trường hợp này khiến họ cảm thấy đơn độc. Chúng tôi muốn bên họ và rằng họ có thể tin tưởng vào chúng tôi như tin tưởng vào bạn bè và gia đình của mình”, Wydrzyńska nói.

Sau khi quy định phá thai nghiêm ngặt ở Ba Lan vào năm 2021, chính phủ Bỉ đã hỗ trợ nhóm ADT bằng cách cung cấp ngân quỹ cho phụ nữ Ba Lan tìm cách phá thai ở nước ngoài. Natalia Broniarczyk hy vọng vụ kiện sắp tới của Wydrzyńska có thể đánh động dư luận hơn nữa để huy động các nhà tài trợ quốc tế khác.

Trọng Trí (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI