Ba Lan chính thức cấm bán thức ăn nhanh

05/09/2015 - 07:15

PNO - Ngày 1/9 vừa qua, Ba Lan chính thức áp dụng luật cấm bán thức ăn nhanh trong khuôn viên trường học.

Ba Lan chinh thuc cam ban thuc an nhanh
Các em học sinh lớp 3 tại trường tiểu học Umejima, Nhật Bản tham gia chuẩn bị bữa trưa dinh dưỡng ẢNH: WASHINGTON POST

Theo đó, học sinh không còn mua được những món khoái khẩu như khoai tây chiên, các loại kẹo bánh và nước ngọt tại căng tin trường học.

Nhiều công ty kinh doanh thức ăn nhanh đã phản đối quy định này từ khi nó mới chỉ là dự thảo nhưng các nhà quản lý ở Ba Lan đã quyết liệt không để thế hệ trẻ ăn uống thiếu chọn lọc, ảnh hưởng sự phát triển giống nòi.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Thủ tướng Ewa Kopacz cũng rất tâm huyết với quy định này.

Trong buổi lễ khai giảng năm học mới tại một trường ở thành phố cảng Gdansk, Thủ tướng Ewa Kopacz đã nhắn nhủ học sinh: “Quy định mới có thể làm các em không vui nhưng tôi mong các em suy nghĩ thêm và nhận ra đây là điều hợp lý. Càng lớn, các em sẽ càng hiểu sức khỏe quan trọng với mình thế nào và thực phẩm mà chúng ta nạp vào quyết định ít nhiều vấn đề đó”.

Một cuộc khảo sát được thực hiện năm 2014 ở ba nước Ý, Đan Mạch và Ba Lan đã cho kết quả có đến 12,9% trẻ ở các quốc gia này thừa cân, trẻ béo phì chiếm 4,6%. Kết quả báo động này đã khiến nhà chức trách Ba Lan vào cuộc.

Ở Anh, tình trạng trẻ thừa cân, béo phì cũng đặt ra cho các nhà quản lý nhiều bài toán đau đầu. Ủy ban Sức khỏe công cộng của Anh mới đây đề xuất cấm bán thức ăn nhanh tại các cửa hàng cách trường học 5 phút đi bộ.

Học sinh tan trường thường có thói quen tìm mua thức ăn tiện lợi mang đi mà không hề biết phần lớn đó là những thức ăn không có ích cho cơ thể. Jamie Oliver, đầu bếp nổi tiếng ở Anh, thường xuất hiện trên các chương trình hướng dẫn nấu bữa ăn dinh dưỡng đề xuất, các trường nên ngưng việc đặt thức ăn nhanh cho bữa ăn trưa của trẻ.

Thay vào đó, nhà trường sẽ tự nấu những suất ăn đủ dinh dưỡng. Ngày 2/9 vừa qua, Cơ quan Y tế Anh (NHS) đã kêu gọi các bệnh viện ngừng bán thức ăn nhanh cho bệnh nhân.

Thói quen tiêu thụ thực phẩm nhiều chất béo ở châu Âu và sự thiếu vận động là nguyên nhân khiến trẻ dễ thừa cân. Tỷ lệ trẻ trong độ tuổi 6-9 bị béo phì ở châu Âu là 30%.

Năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất thông qua song song hai chương trình hỗ trợ sữa và trái cây tươi, bổ sung nguồn năng lượng có ích cho trẻ em bên cạnh các loại thực phẩm ăn liền, nhiều chất béo.

Chương trình này dù chưa được áp dụng trên toàn khu vực nhưng đã gây hiệu ứng tích cực, làm thay đổi phần nào nhận thức của cộng đồng với chế độ ăn uống của trẻ.

Đầu bếp Jamie Oliver đã chia sẻ về tầm quan trọng trong việc giáo dục trẻ ý thức tự lựa chọn thức ăn cho mình. Theo ông, đây mới là điểm mấu chốt vì nó làm thay đổi cả một thế hệ tương lai và những thế hệ nối tiếp.

Tạo điều kiện cho trẻ tự đánh giá, quyết định loại thức ăn nạp vào cơ thể là cách học và thực hành chủ động mà nhiều trường đã áp dụng. Ở Nhật Bản, ngăn chặn béo phì ở trẻ là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Việc này được thực hiện rốt ráo và bài bản ngay trong nhà trường. Ý thức được sự bùng nổ các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh và trò chơi điện tử khiến trẻ em thụ động, dễ dẫn tới thừa cân, các nhà quản lý giáo dục ở nhiều địa phương Nhật Bản đã lên hẳn chương trình “Bữa ăn dinh dưỡng” với mức giá 3 USD (giá rẻ so với mức sống của người Nhật).

Xen kẽ trong tuần, các em còn được tự tay nấu bữa ăn cho mình. Việc chú trọng chế độ ăn uống của lớp trẻ được cho là sự chăm lo tích cực cho tương lai của một quốc gia.

Mỹ là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực thức ăn nhanh và hiện có 20% trẻ em Mỹ béo phì. Ở Mỹ có sáu triệu người trưởng thành béo phì, 300.000 người chết mỗi năm vì những bệnh liên quan đến cân nặng vượt chuẩn.

16 bang của Mỹ đã thực thi chính sách an toàn thực phẩm riêng, hạn chế hoặc cắt bỏ thức ăn nhanh khỏi thực đơn của học sinh.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng thí điểm một số chương trình dạy trẻ chọn thực phẩm và đi đến kết luận, cần thiết phải trang bị kiến thức này và xem đây là kỹ năng sống quan trọng cho trẻ.

Càng có ít thời gian cho bản thân thì một người càng cần phải nạp đúng và đủ lượng thức ăn cần thiết bằng những bữa ăn đơn giản tự nấu nhưng đảm bảo chất lượng.

Anh Thông (Theo The News, Daily Mail, CBS News, BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI