Giải pháp duy nhất với DQS
Bộ Công thương đang chỉ đạo xem xét 3 phương án xử lý những tồn tại tại nhà máy đóng tàu Dung Quất(DQS), gồm: tái cơ cấu; chuyển nhượng công ty và có tính cả phương án phá sản nhà máy đóng tàu Dung Quất (DQS).
Trao đổi về vấn đề này, Kỹ sư Đỗ Thái Bình, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đánh giá, đây là một vấn đề quá lớn, nhưng quan điểm của cá nhân tôi là nên kiên quyết cho nó phá sản.
"Cho phá sản nhà máy này cũng đồng nghĩa với việc sẽ phải phá sản hoàn toàn ý tưởng xây dựng nhà máy đóng tàu có công suất 100.000 tấn. Sau này, tôi còn được biết đã có những ý tưởng cá nhân đề xuất đóng tàu trên 300.000 tấn nữa. Chính những ý tưởng và sự mơ mộng hão huyền đó đã đặt ngành đóng tàu Việt Nam vào một thế khó, rất khó", kỹ sư Bình phân tích.
|
Nhà máy đóng tàu Dung Quất đứng trước nguy cơ phá sản. Ảnh: Internet |
Theo ông, tại thời điểm đó, chuyên gia nước ngoài đã nói và chỉ rõ Việt Nam khó có thể chen chân được vào thế giới đóng tàu 100.000 tấn. Đó là điều không tưởng và phi thị trường. Việc này cho thấy ngay từ chủ trương xây dựng nhà máy này đã là một quyết định sai lầm cơ bản. Do đó, cho DQS phá sản là hệ quả tất yếu của một giấc mơ quá lãng mạn, phi thực tế.
Trước đây, cũng đã từng có ý kiến cho rằng nên biến nhà máy này thành nơi sửa chữa, nhưng giải pháp này cũng không khả thi vì vướng mắc nhiều vấn đề.
"Ngay từ lúc bắt đầu cho tới bây giờ gần như không có được đơn đặt hàng cho nhà máy này. Có một vài hợp đồng hiếm hoi ở trong nước nhưng cũng ì ạch mãi không xong. Tất cả là do không xây dựng được thương hiệu, uy tín ngày càng giảm sút. Vì vậy, tôi vẫn khẳng định, giải pháp duy nhất với DQS lúc này là cho phá sản, không còn cách nào khác.
Tuy nhiên, nếu cho phá sản DQS thì phải thực hiện thế nào? Đây là vấn đề thực sự khó. DQS không nằm ở khu vực trung tâm, không thuộc khu vực thành phố nên rất khó chuyển đổi sang công năng khác", kỹ sư Bình tỏ chút băn khoăn.
Ông Bình ví von, cũng giống như Công ty đóng tàu lừng danh Gdansk - Xưởng đóng tàu LeNin biểu tượng của Ba Lan. Công ty này từng là niềm tự hào một thời của Ba Lan, khi từng có tới 17.000 nhân công nhưng hiện giờ Gdansk chỉ còn lại gần 1.000 công nhân. Hầu hết các tòa nhà đều trống rỗng, nằm trong khu vực đất công nghiệp bị bỏ hoang gần với trung tâm thành phố. Năm 2007, 3/4 các công ty đóng tàu ở Gdansk được Sergei Taruta mua lại.
Trong bối cảnh ngành công nghiệp truyền thống ngày càng lún sâu vào khủng hoảng, Gdansk đã phải chẻ nhỏ thành những xưởng đóng tàu công suất nhỏ hơn. Còn phần đất đai của nhà máy này được chuyển đổi công năng sử dụng, xây dựng làm công viên, khu vui chơi... Đó là việc cuối cùng phải làm cho dù rất đau đớn.
Với DQS, nếu dám nhìn thẳng vào sự thật thì cũng phải cho nó phá sản như vậy.
"Theo tôi biết, trước đó Bộ Công thương cũng đã tìm mọi cách để xử lý nhà máy này trong đó có tính cả phương án cho nó phá sản nhưng không thực hiện được. Tôi không nêu vấn đề để nhằm mục đích phê phán riêng ai, nhưng nguyên nhân sâu xa của sự bế tắc đó theo tôi là do chúng ta chưa thật sự có được lòng dũng cảm, chưa dám nhìn thẳng vào sự thật để tìm ra được giải pháp có thể xử lý triệt để, xử lý tận gốc rễ của vấn đề", vị kỹ sư bày tỏ quan điểm.
Ông nhấn mạnh, gốc rễ của vấn đề nằm ở ngay ý tưởng xây dựng DQS thành một nhà máy đóng tàu vĩ đại tầm cỡ của khu vực. Đó là ý tưởng thiếu thực tế, phi thị trường, không phải tư duy của một nhà quản lý.
Hậu quả của vấn đề này sẽ dẫn tới sự phí phạm rất lớn, rất kinh khủng, không đơn giản chỉ là câu chuyện tham nhũng hay những sai phạm trong điều hành quản lý sau này.
Đây là lý do vì sao tôi khẳng định phải cho DQS phá sản, không còn cách nào khác. Vì mục tiêu phát triển ngành đóng tàu Việt Nam không đồng nhất với mục tiêu phát triển DQS. Nếu vẫn tiếp tục giữ lại nhà máy này một cách duy ý chí, giữ lại nhà máy để nuôi hy vọng chờ đợi thị trường thế giới lên và có thể đóng được tàu 100.000 tấn thì sẽ càng nhấn nhà máy này chìm sâu hơn", kỹ sư bày tỏ.
Hai vấn đề được đặt ra khi phá sản DQS
Còn một vấn đề lớn đang được bàn tính hiện nay, nợ phải trả của DQS lên 6.953 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản là 5.912 tỷ đồng. Nếu phá sản hay áp dụng các phương án khác, dù DQS có bán thanh lý hết tài sản với giá trị theo giá trị sổ sách, vẫn còn thiếu nợ hơn 1.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể hệ quả về mặt xã hội như 1.300 lao động của DQS đồng thời mất việc làm, không có thu nhập.
Đánh giá về điều này, kỹ sư Bình cho cũng chỉ ra rằng, ở đây có hai vấn đề, thứ nhất, việc làm cho người lao động và thứ hai là số nợ phải xử lý.
Tuy nhiên, theo ông, vấn đề người lao động không quá khó để xử lý. Bản chất người dân VN cũng hiền lành. Nghỉ việc, thất nghiệp thì về quê gắng gượng vẫn đắp đổi sống được.
Về nợ nần, cách xử lý của chúng ta xưa nay vẫn là kiểu đánh bùn sang ao, định chờ cho thời gian nó quên đi, nhưng thời gian không quên được. Chính vì tư duy và suy nghĩ sai lầm đó nên mới có kỳ vọng khi chuyển DQS từ Vinashin sang PVN và xem như đó là giải pháp hay, sẽ giải quyết được vấn đề.
"Tuy nhiên, theo tôi, đó chỉ là giải pháp tức thời, chỉ giúp làm êm vấn đề, cố kéo dài thời gian sống cho DQS. Hậu quả là, không những không thể cứu được nhà máy này mà còn nhấn nó ngập chìm sâu hơn trong nợ nần, thiệt hại ngày càng lớn hơn.
Vậy là đã rõ, nếu kiên quyết cho nó phá sản ngay từ khi nó còn thuộc Vinashin thì chúng ta đã cắt được lỗ và ngân sách không phải bù lỗ lớn như bây giờ.
Ai cũng hiểu rất rõ, DQS có bị phá sản, thì cuối cùng các khoản nợ của nhà máy này Ngân hàng cũng phải bỏ tiền trả nợ thay. Đó là điều cực kỳ vô lý, nhưng cuối cùng lại là có lý trong xã hội hiện nay ", kỹ sư Đỗ Thái Bình thẳng thắn bày tỏ.
Đỗ Văn