Ba không sao đâu con!

30/03/2025 - 19:16

PNO - “Được ngày nào thì hay ngày đó!”. Có lẽ ba tôi đã học gần xong bài học chấp nhận khi nói như thế với chị em chúng tôi.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đáp lại sự im lặng của tôi, bên kia đầu dây, ba tôi lặp lại lần thứ hai câu nói: “Ba không sao đâu con!”.

Tiếng tút tút vang lên hồi lâu, tôi vẫn không thể đứng lên, làm việc gì vì không gỡ bỏ được hình ảnh của ba trong trí não.

Ba tôi nhiều bệnh. Toàn những cuộc đại phẫu nặng nề, thập tử nhất sinh, đã có những ca mổ dài đến 8 tiếng, đã có những lần nằm im không hồi tỉnh đến vài ngày…

Tôi nhớ mãi, bao nhiêu lần như thế là bấy nhiêu lần mẹ đứng run rẩy ở đầu giường bệnh, hoặc co rúm nơi góc phòng nói nho nhỏ như chỉ để một mình bà nghe: “Bao nhiêu bệnh trên thế gian ông lấy hết!”.

Mẹ xót ba. Nỗi xót xa tận thẳm sâu trong lòng mà không có cách nào giúp đỡ hay chia sẻ được! Có ai thương ai mà không xót? Thậm chí, người ta còn có thể ước bản thân chịu thay, đau đớn thay cho người kia. Hình như dư ba của tình yêu thương nhau đúng nghĩa chính là điều đó. Nhất là ở trái tim đầy yêu thương hy sinh tận tụy bản năng của đàn bà?

Bệnh tật, tai ương, mất mát trên đời ra sao, nếu chưa đổ ụp xuống vai ta, thì không một ai có thể cân đong được sức nặng của nó như thế nào. Ta chỉ có thể lấy tình yêu thương lòng trắc ẩn ra để cảm thông. Ta chỉ có thể vận dụng lý trí soi chiếu để bảo ban bản thân hãy yêu quý những gì mình có, trân trọng biết ơn vì mình đang được bình an. Âu đó cũng là 2 mặt phải trái, trắng đen của vạn sự trên đời! Không có cái gì là tận cùng, không có cái gì là tuyệt vọng. Mọi thứ đều cho mình những bài học, tuy nhiên độ khó dễ hẳn nhiên là khác nhau.

Suốt 20 năm ra vào bệnh viện cùng ba, tôi hiểu, trên đời này không có căn bệnh nào có thể chữa lành vĩnh viễn. Cũng như không có vết thương nào có thể biến mất trên thịt da như chưa từng có. Không ai có thể bước ra từ đống hoang tàn đổ nát mà vẫn còn là mình của ngày hôm qua.

Bác sĩ nói bệnh ba không bao giờ chữa khỏi, ba phải sống chung nhất là ở tuổi thất thập! “Được ngày nào thì hay ngày đó!”. Có lẽ ba tôi đã học gần xong bài học chấp nhận khi nói như thế với chị em chúng tôi.

Mọi tai ương đều đi qua bằng cách chúng ta học chấp nhận. Không còn cách khác! Học chấp nhận vì những người mình yêu thương. Ở xa, ba cứ cười ha hả qua điện thoại mỗi lần nói chuyện, luôn miệng nói "không sao đâu, không sợ đâu" để an lòng chị em chúng tôi.

Tôi không biết mình có an lòng hay không, chỉ cảm thấy lòng thương nỗi ngậm ngùi dấy lên đầy xót xa. Rồi lẩn quẩn tự hỏi mình, không biết nhân gian có ai thương mình như ba mình không? Lòng thương không đòi một cái gì, không có trách cứ một cái gì.

Mình được nâng niu nuôi lớn, có miếng xước da chảy máu hay giọt nước mắt nào đó rơi ra ba mẹ cũng trăn trở nhớ mãi từ năm này sang năm khác. Rồi mình lớn lên, tận tụy đi chăm lo yêu thương vun đắp cho người khác bằng hết sức lực và tâm não. Giọt nước mắt mình đã từng rơi, có được thương cảm xót xa không?

Thương ba mẹ, ngẫm lại, tôi bỗng thấy mình sai khi so sánh khập khiễng. Ai đi so đại dương với sông, ao, lạch, ngòi. Đại dương là đại dương, so cho vừa? Cái gì hiện diện trên đời này đều có giá trị. Giá trị của tình thân, tình thương từ ba mẹ dành cho con cái là bệ đỡ. Sự rạch ròi, đòi hỏi nỗ lực vun đắp, sửa chữa bản thân trong những mối qua hệ khác, ví như vợ chồng, con cái, bạn bè là để con người trưởng thành. Tất cả đều quan trọng, điều quý giá như nhau!

Kiểu gì thì tôi, đứa con đã đi qua nửa đời mình, đã là mẹ của trẻ con, vẫn không thôi ngăn được lòng thương ba. Tôi biết, ngày mai, gọi điện ba vẫn sẽ cười và nói đi nói lại "Ba không sao đâu con!".

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI