Bà Kamala Harris và cơ hội lịch sử trên chính trường Mỹ

24/07/2024 - 06:14

PNO - Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua Nhà Trắng 2024, Phó tổng thống Kamala Harris hiện là ứng viên tiềm năng nhất của Đảng Dân chủ.

Dù vậy, trên hành trình lịch sử hướng đến việc trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ và là người da màu, bà sẽ phải thu phục được những người chỉ trích trong và ngoài đảng cũng như vượt qua rào cản về sắc tộc và giới tính trong nền chính trị ở quốc gia này.

Giai đoạn nước rút

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris vận động tranh cử tại Trường trung học Westover ở bang Bắc Carolina vào ngày 18/7/2024 - ẢNH: KEVIN MOHATT (Reuters)
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris vận động tranh cử tại Trường trung học Westover ở bang Bắc Carolina vào ngày 18/7/2024 - Ảnh: Kevin Mohatt (Reuters)

Ngày 21/7, khi đương kim Tổng thống Joe Biden đưa ra quyết định kết thúc chiến dịch tái tranh cử, ông đã bày tỏ sự ủng hộ và tán thành việc bà Kalama Harris trở thành ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, đối đầu trực tiếp với cựu Tổng thống Donald Trump vào tháng 11/2024. Thông báo được đưa ra chỉ vài tuần trước khi Đảng Dân chủ chính thức chọn ứng cử viên của mình tại đại hội tổ chức ở Chicago. Phát biểu sau khi nhận được sự ủng hộ từ ông Biden, bà Harris nói: “Tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để đoàn kết Đảng Dân chủ và đất nước chúng ta, nhằm đánh bại Donald Trump và chương trình nghị sự cực đoan từ Dự án 2025 của ông ấy”.

Chỉ còn hơn 100 ngày nữa là đến cuộc bầu cử tháng Mười một, nhiệm vụ trước mắt của bà Harris là rất lớn và chưa từng có tiền lệ. Vụ ám sát nhắm vào ứng viên Donald Trump đã giúp ông nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các đảng viên Đảng Cộng hòa, thêm vào đó là sự bất đồng trong nội bộ Đảng Dân chủ về việc ai sẽ chính thức thay thế ông Biden là những trở ngại rất lớn đang chờ đợi bà.

Xuất thân từ gia đình nhập cư có mẹ là người Ấn Độ và cha là người Jamaica, bà Harris (59 tuổi) đã dành phần lớn sự nghiệp của mình với tư cách là một công tố viên, trước khi trở thành tổng chưởng lý của bang California, giám sát hệ thống tư pháp lớn thứ hai của quốc gia. Năm 2016, bà được bầu vào Thượng viện Mỹ, trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Nam Á đầu tiên phục vụ trong thượng viện. Hiện một số thành viên Đảng Dân chủ không phản đối trực tiếp bà Harris, tuy nhiên họ tin rằng một cuộc cạnh tranh mở là cần thiết để chứng minh cho những người hoài nghi trong đảng, các nhà tài trợ và cử tri rằng bà là ứng cử viên sáng giá nhất của họ.

Một cuộc thăm dò gần đây từ Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề công cộng AP-NORC cho thấy, khoảng 6/10 đảng viên Đảng Dân chủ tin rằng bà Harris sẽ làm tốt việc đại diện đảng để tranh cử tổng thống; 2/10 thì bày tỏ sự hoài nghi, và số còn lại nói rằng họ cần thêm thông tin. Cuộc thăm dò cũng cho thấy khoảng 4/10 người Mỹ trưởng thành có cảm tình trong khi khoảng 5/10 có quan điểm không tích cực về bà Harris.

Khó khăn cũng là cơ hội

Bà Harris có một số lợi thế so với những đối thủ tiềm năng khác nhờ vai trò phó tổng thống và là người đồng hành cùng tranh cử của ông Biden. Bà dự kiến sẽ kế thừa những phần quan trọng trong chiến dịch tranh cử của ông Biden, bao gồm một nguồn tài trợ trị giá 96 triệu USD. Bộ phận thực hiện chiến dịch tranh cử của riêng bà thông báo vào cuối ngày 22/7 rằng họ đã huy động được 81 triệu USD trong vòng 24 giờ, từ hàng ngàn nhà tài trợ.

Về chương trình nghị sự, bà Harris đã thẳng thắn nói về quyền phá thai - một vấn đề gây được tiếng vang lớn với các cử tri trẻ tuổi và những người cấp tiến. Bà được cho là sẽ bám sát sách lược đối ngoại dưới thời Tổng thống Biden đối với Trung Quốc, Iran và Ukraine nhưng có thể cứng rắn hơn về cuộc chiến ở Gaza. Nhiều người cho rằng bà sẽ nhận được sự ủng hộ từ các cử tri nữ, cộng đồng người da màu, đem đến những phiên tranh luận sắc bén chống lại cựu Tổng thống Donald Trump. Mạng lưới Win with Black Women đã tổ chức một cuộc gọi Zoom vào ngày 21/7 để cho thấy tinh thần đoàn kết của những cử tri nữ da màu đối với bà. Cuộc gọi đã thu hút được 40.000 người tham dự và quyên góp được hơn 1 triệu USD. “Chúng tôi có một kế hoạch. Chúng tôi đã sẵn sàng” - Holli Holiday - một trong những người điều hành cuộc gọi - khẳng định.

Dù vậy, một số đảng viên Đảng Dân chủ vẫn lo ngại về việc bà Harris ứng cử, một phần xuất phát từ lịch sử phân biệt chủng tộc và giới tính lâu đời ở Mỹ. Trong hơn 2 thế kỷ của nền dân chủ, cử tri Mỹ chỉ bầu 1 tổng thống da màu và chưa bao giờ chào đón 1 nữ tổng thống. LaTosha Brown - chiến lược gia chính trị và đồng sáng lập quỹ Vấn đề cử tri da màu - nói: “Liệu chủng tộc và giới tính của bà Harris có phải là một vấn đề không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể”.

Dù vậy, Jamal Simmons - cựu trợ lý của bà Harris - cho biết: “Cử tri da màu có thể hy vọng nhiều hơn nếu bà Harris được lựa chọn làm ứng viên chính thức của Đảng Dân chủ. Các cử tri nữ - bao gồm cả một số người hối hận vì đã không bỏ phiếu cho bà Clinton vào năm 2016 - cũng sẽ ủng hộ bà ấy. Ở phương diện tích cực, bà Harris vẫn có thể tận dụng thế mạnh từ sắc tộc và giới tính trong cuộc đua của mình”.

Linh La (theo Reuters, The Guardian, CNN, AP, US News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI