Bà hoàng bóng rỗi miền Tây

19/01/2021 - 19:07

PNO - Nghệ nhân Tư Trầu (Nguyễn Thị Tư) năm nay đã 73 tuổi, phúc phần được sống cùng bóng rỗi hơn nửa thế kỷ qua khiến bà chẳng còn hối tiếc gì với cuộc đời này.

Từ diễn viên hát bội đến bà hoàng bóng rỗi

Ít ai biết rằng trước khi đến với bóng rỗi, năm 16 tuổi, Nguyễn Thị Tư từng học và theo đoàn hát bội của bầu gánh Mách. Lênh đênh khắp chốn kênh rạch miền Tây sông nước bằng chiếc ghe của gánh hát, niềm đam mê của cô bé đất Cái Bè lớn lên từng ngày.

Nghệ nhân Tư Trầu (trái) cùng học trò của ông.
Nghệ nhân Tư Trầu (trái) cùng học trò của bà.

Được đào tạo bài bản từ những người thầy danh tiếng trong làng hát bội miền Nam là Bảy Nhu, Ba Tĩnh, Ba Hùng, Ba Dẻ và Táu Chức, cô bé Nguyễn Thị Tư ngày càng dạn dày với sân khấu, lấy nghệ danh là Thanh Huê. Cũng từ lúc này, tuy còn nhỏ nhưng Thanh Huê đã bắt đầu ăn trầu nên biệt danh Tư Trầu từ đó mà ra.

Phận theo gánh hát cơ cực đủ điều. Nhận ra bản thân không thể mãi hoài kiếp theo ghe hát bội, Tư Trầu tìm đến nàng bóng Thủ nổi tiếng Tiền Giang để học nghề. Ban đầu, bóng Thủ từ chối, không nhận Tư Trầu làm học trò nhưng chính bằng lòng kiên trì và khao khát học nghề, nàng bóng Thủ đã bằng lòng.

“Ba tôi nhiều lần dẫn tôi tới nhà bóng Thủ nhưng bà từ chối vì từng có nhiều học trò của bà phản bà. Thấy cha con tôi chân thành nên bà mới xiêu lòng, dạy dỗ. Tôi vui mừng khôn xiết. Tôi theo bóng rỗi ngoài đam mê thì còn nghĩ nó có thể nuôi sống mình, ổn định hơn gánh hát bội mà tôi từng theo”, bà chia sẻ.

Nghệ nhân Tư Trầu cho biết đây là tấm ảnh hiếm hoi chụp ông cùng với thầy mình là nàng bóng Thủ nổi tiếng.
Nghệ nhân Tư Trầu cho biết đây là tấm ảnh hiếm hoi chụp cùng với thầy mình là nàng bóng Thủ nổi tiếng.

Trong làng bóng rỗi miền Tây, có lẽ Tư Trầu là người có nhiều món nghề nhất. Kinh nghiệm theo ghe hát bội, học từ nàng bóng Thủ danh tiếng rồi học lỏm từ các cô bóng khác nên khi biểu diễn, Tư Trầu luôn biết cách khiến phần trình diễn của mình trở nên đặc sắc.

Có thời, tên tuổi Tư Trầu vụt sáng như ngôi sao, sánh ngang người thầy của mình. “Có những suất hát xe hơi xếp dài một góc đường, người xem chật kín. Tôi múa xong thì mọi người vỗ tay không ngớt”, bà kể.

Những bức ảnh kỷ niệm người xem chụp lại và gửi cho nghệ nhân Tư Trầu.
Những bức ảnh kỷ niệm người xem chụp lại và gửi cho nghệ nhân Tư Trầu.

Nghệ nhân Tư Trầu cho biết múa bóng rỗi từng được đông đảo người dân ưa chuộng, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng. Tuy nhiên, có một thời gian múa bóng rỗi bị xem như một trò mê tín, dị đoan và bị cấm biểu diễn.

"Vì không được theo nghề nên tôi phải làm đủ cách để kiếm sống từ buôn lúa đến bán đồ cổ. Dù vậy, vì máu nghề nên cứ đến khuya là tôi lại đem đồ ra múa, múa chui, múa lén, nào đâu bỏ được cái nghề này. Vài năm sau thì tuy tay chân cứng đờ nhưng tôi không bao giờ quên bài vở”, bà bồi hồi nhắc lại những năm tháng khó khăn.

Đến năm 1999, khi bóng rỗi được nhìn nhận trở lại, nghệ nhân Tư Trầu mừng như mở cờ. Không chỉ có vậy, bóng rỗi còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của ngành văn hóa và địa phương. Năm 2015, Tư Trầu được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Tính đến thời điểm hiện tại, bà là nghệ nhân bóng rỗi lớn tuổi nhất miền Tây.

Người hành nghề phải được đào tạo bài bản

Vì từng theo học hát bội và múa bóng rỗi nên theo nghệ nhân Tư Trầu, người không được đào tạo bài bản thì không được phép hành nghề.

“Những người không biết gì đi múa bóng rỗi không chỉ xúc phạm những nghệ nhân như chúng tôi mà còn làm mất thanh danh của cái nghề này”, bà bộc bạch.

Dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn cố gắng thực hiện vài động tác để chụp ảnh kỷ niệm.
Dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn cố gắng thực hiện vài động tác để chụp ảnh kỷ niệm.

Tuy đã có nhiều học trò nổi tiếng trong làng bóng rỗi như Khánh Ngọc, Mong Manh hay Nguyên Trang nhưng nghệ nhân Tư Trầu chưa thật sự ưng ý với bất kỳ học trò nào. Bà nhớ lại kỷ niệm múa bóng rỗi với người thầy của mình và cho rằng đó là một trong những màn trình diễn để đời của hai thầy trò.

Một thời vàng son của nghệ nhân Tư Trầu.
Một thời vàng son của nghệ nhân Tư Trầu

Dù nhiều người có cái nhìn không hay về bộ môn bóng rỗi nhưng nghệ nhân Tư Trầu cho rằng, khán giả chính là câu trả lời.

“Tôi nhớ như in những năm xuôi ngược miền Tây, từ Cà Mau lên An Giang rồi ngược về Bạc Liêu, nơi nào đoàn Tư Trầu đến là nơi đó nhộn nhịp. Số tiền kiếm được từ mỗi lần đi diễn không chỉ nuôi cả đoàn hát mà còn giúp nghề tồn tại", bà kể.

Tuổi đã cao, dù đã mãn nguyện với hành trình đã qua nhưng với nghệ nhân Tư Trầu, trăn trở lớn nhất của bà là hoàn thành bộ tài liệu về múa bóng rỗi. Cầm trên tay tấm bằng nghệ nhân ưu tú, bà tự hỏi rằng sau Tư Trầu, Út Son hay Minh Hùng, bóng rỗi rồi sẽ có ai?

Múa bóng rỗi là một loại hình nghệ thuật múa hát nghi lễ, thường được tổ chức vào dịp lễ hội tại các đền miếu Nam Bộ. Nghệ nhân trình diễn những bài hát rỗi, kết hợp với những điệu múa mang tính chất tạp kỹ của xiếc rất tài hoa, điêu luyện, được đông đảo quần chúng tán thưởng. Hiện nay, loại hình nghệ thuật dân gian này đang đứng trước nguy cơ mai một, do không còn nhiều nghệ nhân theo đuổi nghề.

Tấn Đồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI