''Bà hỏa'' ẩn nấp sau những thùng hóa chất

18/09/2014 - 07:31

PNO - PN - Theo ghi nhận của chúng tôi, tại TP.HCM, việc kinh doanh các mặt hàng chăm sóc tóc hoặc hóa chất để chế biến các mặt hàng này… đang trong tình trạng nguy cơ cháy nổ cao. Tuy nhiên, công tác phòng chống “bà hỏa” chỉ mang tính đối...

edf40wrjww2tblPage:Content

''Ba hoa'' an nap sau nhung thung hoa chat

Nguy cơ cháy nổ tràn lan

Trên đường Nguyễn Trãi (đoạn từ Nguyễn Văn Cừ đến Trần Phú, Q.5) có không dưới chục cơ sở kinh doanh các mặt hàng phụ kiện chăm sóc tóc. Cách cơ sở (CS) xảy ra vụ hỏa hoạn 416 Nguyễn Trãi, Q.5 (làm bảy người chết) khoảng 100m là CS C.M. chuyên buôn bán các mặt hàng phụ kiện uốn tóc có diện tích khoảng 40m2, một trệt, một gác lửng. CS này chỉ rộng khoảng 3m, một bên bố trí tủ trưng bày các sản phẩm tẩy, nhuộm tóc, bên còn lại bố trí các mặt hàng kềm, kéo cắt tóc, móng tay, chân, ở giữa chỉ còn rộng khoảng 0,5m làm lối ra vào.

Trong vai người cần mua số lượng lớn các mặt hàng chăm sóc tóc, chúng tôi được chủ CS giới thiệu nhiều mặt hàng thuốc tẩy, nhuộm tóc dạng lỏng và bột như: thuốc uốn tóc Wave, Serum, dầu làm bóng mượt tóc Hair coat, bột tẩy tóc IDA decolor… Anh T. (chủ CS) khẳng định có thể cung cấp số lượng lớn các mặt hàng này. Để chứng minh, anh T. dẫn chúng tôi vào sâu bên trong. Phần lớn diện tích đều được dùng để chứa hàng. Phía sau, một số công nhân đang mài, sửa các loại kềm, kéo cũ. Trên gác, ngoài hai phòng ngủ, mỗi phòng rộng khoảng 9m2, phần còn lại được dùng để chứa hàng. Dù tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn rất cao, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, nơi này hầu như không được trang bị bất kỳ thiết bị chữa cháy nào.

Tại nhiều salon, showroom chăm sóc tóc hiện nay, nhìn bên ngoài bóng loáng, sang trọng nhưng ít ai biết “bà hỏa” đang ẩn nấp. Tại góc đường Nguyễn Trãi - Lê Hồng Phong, salon tóc H.D. một trệt, một lầu được thiết kế phần mặt tiền khá sang trọng, rộng rãi, nhưng bên trong là một kho hàng “tả pí lù” các sản phẩm chăm sóc tóc, mỹ phẩm. Đặc biệt, salon này kinh doanh nhiều mặt hàng dung dịch tẩy, nhuộm tóc. Hàng chục thùng thuốc oxy hóa peroxide chất đầy phía sau, cạnh nhà bếp và phòng ngủ.

Theo chị H. (chủ salon), làm tóc chỉ là nghề phụ, nghề chính là phân phối các mặt hàng hóa chất tẩy, nhuộm tóc, mỹ phẩm. Chị H. phân tích cụ thể từng loại hóa chất tẩy tóc cho khách hàng chọn: hóa chất oxy hóa dạng khô, dạng kem, dạng lỏng dùng để chế biến các loại thuốc tẩy, nhuộm tóc. Khách có thể mua về tự pha chế hoặc mua hàng đã được pha chế sẵn để hấp màu, làm nhạt màu tóc khi tạo tóc high light… Theo chị H., đây là cửa hàng chị thuê, vừa làm nơi kinh doanh, vừa làm nơi ở.

Tương tự, showroom T.N. trên đường Đặng Nguyên Cẩn, P.14, Q.6, bên cạnh công việc chăm sóc tóc, nơi đây còn phân phối nhiều sản phẩm dưỡng tóc, keo tạo nếp, thuốc tẩy, nhuộm tóc và nhiều loại mỹ phẩm khác. Dưới tầng trệt cửa hàng được dùng làm nơi chăm sóc tóc. Phía sau là phòng ngủ và nhà bếp. Còn lại, toàn bộ không gian từ cầu thang lên lầu được trưng dụng để chất hàng chật kín, chỉ còn một lối đi nhỏ. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, cửa hàng chỉ có một bình chữa cháy để gần cửa ra vào. Chị chủ cửa hàng vô tư nói: “Hàng của chị đã được pha chế, đóng gói sẵn, rất an toàn”.

Nhiều người vẫn chưa quên, cách nay khoảng hai tháng, đã xảy ra một vụ nổ các sản phẩm chăm sóc tóc làm cháy cửa hàng mỹ phẩm Phú Hòa (35 Lý Thái Tổ, Q.Thanh Khê, TP. Đà Nẵng). Rất may những người trong cửa hàng đã kịp thoát thân nhưng có đến chín chiến sĩ bị ngất tại chỗ do hít khí độc, phải đưa đi cấp cứu.

Cháy hóa chất - cơ hội sống sót rất hiếm

Theo bác sĩ Trần Văn Ký, về nguyên lý, khi cháy sẽ sinh ra một lượng lớn khí CO và CO2. Những khí này gây thiếu oxy nhưng nạn nhân vẫn có thể thở được. Nếu trong không khí xuất hiện thêm các loại khí độc khác do cháy hóa chất, sẽ tác động mạnh vào phổi, lập tức cơ thể sẽ phản ứng bằng cách ngưng thở đột ngột để chống lại khí độc, khiến nạn nhân bị ngất. Lúc này sẽ xuất hiện hai trường hợp: tim vẫn đập nhưng não thiếu oxy hoặc tim ngưng đập. Tuy nhiên, sẽ có một khoảng thời gian “vàng” là năm phút, nếu nạn nhân được hô hấp nhân tạo kịp thời. “Vì vậy, trong vụ cháy hóa chất, cơ hội sống sót của nạn nhân là rất hiếm” - bác sĩ Ký khẳng định.

Theo TS Hà Thúc Chí Nhân, Phó trưởng khoa Khoa học vật liệu, ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, các cửa hàng kinh doanh hóa chất chuyên dùng cho làm tóc thường có sẵn hai hóa chất chính là: hydrogen peroxide (oxy già - ký hiệu công thức hóa học là H2O2) và axeton (công thức là (CH3)2CO). H2O2 được sử dụng nhiều trong nghề làm tóc, không gây cháy nổ.

Tuy nhiên, khi gốc oxygen tự do phân tán sẽ kết hợp với chất dễ cháy gây ra cháy nổ. Khi tiếp xúc với chất hóa học hữu cơ hoặc nguyên vật liệu dễ cháy, H2O2 sẽ phân hủy nhanh chóng và gây ra cháy nổ. Riêng axeton là thành phần chính trong các chất tẩy rửa sơn móng tay, rất dễ cháy nổ. Sau khi nổ, axeton bay hơi đến những nguồn cháy khác và tiếp tục gây cháy nổ. Trước đó, cơ quan chức năng cũng đã tìm thấy hai hóa chất thông dụng này trong vụ cháy công ty hóa chất Tân Hùng Thái, KCN Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh. Trong vụ này, đội lính cứu hỏa chuyên nghiệp, dù được trang bị quần áo, thiết bị bảo hộ khi tiếp cận hiện trường nhưng vẫn có 15 người bị thương và ngạt khí. Trên địa bàn thành phố, còn nhan nhản những cửa hàng kinh doanh hóa chất như nhà 416 Nguyễn Trãi.

Trung tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Q.1 cho rằng: “Việc phòng cháy tại các CS như căn nhà 416 Nguyễn Trãi cần sự theo dõi chặt chẽ của cấp quản lý CS như xã, phường, thậm chí tổ dân phố. Vì hóa chất phục vụ cho một ngành nghề khá bình dân, ít ai đánh giá đúng mức độ nguy hiểm nên nhiều cửa hàng không trang bị bình CC hoặc phương án dập lửa trong trường hợp rủi ro.

Bên cạnh đó, các CS này không thuộc danh mục CS có nguy cơ cháy nổ cao. Lượng hóa chất lại không đạt số lượng theo luật định cần thiết phải chế tài, bảo hiểm bắt buộc. Cũng có trường hợp, dù hóa chất đầy nhà nhưng chủ cửa hàng chỉ trưng ra vài loại đặc trưng cho khách biết, cơ quan chức năng không thể mỗi lần kiểm tra hành chính là “khám xét” từng ngóc ngách. Vì vậy, quan trọng nhất vẫn là ý thức tự bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân”.

Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC cho biết, hiện lực lượng đang phối hợp với Phòng Kỹ thuật hình sự để điều tra chính xác nguyên nhân vụ cháy tại nhà 416 Nguyễn Trãi. Căn nhà này gần như không đáp ứng việc bố trí lối thoát hiểm do chỉ có một cửa ra vào duy nhất. Ở phía trên gác gỗ chỉ có một ô cửa sổ nhỏ không thể hỗ trợ thoát hiểm khẩn cấp. Đối với một CS kinh doanh hóa chất, việc bố trí như vậy là quá hạn chế. Đại tá Bửu khuyến cáo, các hộ dân, CS kinh doanh hóa chất, phụ liệu dễ cháy nổ... cần ngay lập tức xem lại cách bố trí hàng hóa, lối thoát hiểm và phương án chữa cháy. Cảnh sát PCCC sẽ kiểm tra chặt chẽ hơn đối với các CS tương tự.

 Phan Trí - Quốc Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI