Bà hàng xáo mua máy bay làm việc ruộng đồng

15/01/2024 - 17:51

PNO - Từ bà bán hàng xáo, quanh năm chạy chợ, người phụ nữ ấy đã vận động bà con vào hợp tác xã, phủ xanh 400ha ruộng đồng bỏ hoang. Để các nông hộ cùng canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bà đã đầu tư hệ thống máy sấy, máy xay xát, thậm chí sắm cả máy bay không người lái để thay sức người làm việc nhà nông.

Hiểu rõ giá trị ruộng đồng

Bà Cao Thị Thủy (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) vốn làm nghề hàng xáo (nghề mua lúa về xay rồi bán gạo và thu các sản phẩm phụ như tấm, cám... lấy lãi). Hơn 20 năm trước, kinh tế ở quê bà trông cả vào cây lúa. Bấy giờ bà mua từng bao thóc của bà con mang đi xay xát và tận dụng cám để nuôi heo.

“Những năm đó, cây lúa vô cùng quan trọng với đời sống của người dân. Nhưng theo thời gian, kinh tế phát triển, khu công nghiệp ngày càng nhiều, buôn bán cũng thuận lợi, nên không ít bà con bỏ hẳn ruộng đồng. Nhìn những cánh đồng bỏ hoang, tôi rất xót. Tôi nghĩ, ruộng quê mình thửa rất nhỏ, giá trị thu hoạch có khi không đủ công lao động, muốn đưa máy móc thay thế sức người cũng khó” - bà Thủy chia sẻ.

Bà Cao Thị Thủy chia sẻ ý tưởng, sản phẩm sáng tạo tại lễ biểu dương do Hội LHPN Hà Nội tổ chức - ẢNH: M.T.
Bà Cao Thị Thủy chia sẻ ý tưởng, sản phẩm sáng tạo tại lễ biểu dương do Hội LHPN Hà Nội tổ chức - ẢNH: M.T.

Năm 2017, bà Thủy vận động bà con về chuyện “liên kết lại”. Thế nhưng hầu hết bà con không tin vào ý tưởng của bà. Họ cho rằng, bây giờ ăn chẳng bao nhiêu, việc gì phải cấy hái cho nhọc. Có người lại sợ bà lừa họ để chiếm đất…

Không thay đổi được suy nghĩ của người dân ở xã mình, bà Thủy qua vận động người dân xã Quảng Phú Cầu (cùng huyện) theo 2 phương án: hoặc là cho bà thầu ruộng, hoặc là bà con cứ giữ ruộng và để bà làm các dịch vụ cấy, gặt… Thế là 40 hộ khó khăn nhất xã đã cùng bà cải tạo những cánh đồng bỏ hoang.

Bà Thủy nhớ: “Bà con thấy tôi đưa máy cấy, máy gặt xuống đồng vẫn chưa thực sự tin. Chỉ đến khi thu hoạch vụ đầu, thấy những bông lúa vàng ươm trải đều khắp cánh đồng 200ha, thóc được bao tiêu ngay tại ruộng, không quá vất vả mà vẫn có lãi, thì bà con mới tin”.

Từ hiệu quả thực tế trên cánh đồng, bà Thủy gặp nhiều thuận lợi hơn khi vận động bà con khu vực thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa). 72ha ruộng bỏ hoang suốt 5 năm đã được gieo trồng trở lại vào năm 2021 và cho thu nhập gần 2 tỉ đồng. 

Trước đó, bà Thủy cũng là nữ nông dân có nhiều ý tưởng và cách làm sáng tạo. Đi Thái Bình, thấy chiếc máy nghiền ốc bươu vàng, bà nghĩ ngay đến việc kết hợp với máy sấy nông sản của nhà mình để làm ra loại thức ăn chăn nuôi có giá trị. Nghĩ là làm, bà mua máy nghiền và thu mua ốc bươu vàng về xay chung với cám gạo, đưa vào lò sấy khô rồi nghiền thành thức ăn chăn nuôi bán cho các nông hộ.

Nữ giám đốc nông dân

Cũng từ năm 2017, bà Thủy thành lập Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết. Không chỉ “hồi sinh” ruộng hoang thành những cánh đồng mẫu lớn, bà Thủy còn vận động các nông hộ canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Nữ giám đốc 7X còn đầu tư hệ thống máy móc công suất lớn để làm ra sản phẩm “Gạo chất lượng khu Cháy” (thường gọi là gạo khu Cháy) đạt OCOP 4 sao năm 2019.

Đến nay, tổng diện tích liên kết sản xuất lúa của HTX Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết lên đến 400ha. HTX thu mua lúa ngay trên cánh đồng với giá ổn định và cao hơn giá thị trường 500 đồng/kg. Năm 2021, bà Thủy mua 3 máy bay không người lái để thay thế sức người trong các công đoạn gieo hạt, phun thuốc…

Máy bay của bà Thủy tham gia khảo nghiệm xác định tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản và không khí trên đồng ruộng tại tỉnh Hòa Bình - ẢNH: B.M.
Máy bay của bà Thủy tham gia khảo nghiệm xác định tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản và không khí trên đồng ruộng tại tỉnh Hòa Bình - ẢNH: B.M.

Nhờ tinh thần không ngừng học hỏi và mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến của bà Thủy mà HTX Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết đã được Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường (Liên minh HTX Việt Nam) chọn chuyển giao công nghệ sản xuất lúa gạo an toàn; hỗ trợ tư vấn, đào tạo. Cuối năm 2021, gạo khu Cháy của nữ giám đốc nông dân Cao Thị Thủy đã được chứng nhận là sản phẩm gạo theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018.

Nói về chuyện sắm máy bay để phục vụ ruộng đồng, bà Thủy cười: “Tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy mình che ô, mặc đầm, đi giày cao gót mà vẫn sản xuất được lúa gạo”. Bà tính, mỗi ngày 1 máy bay có thể gieo sạ hoặc phun thuốc cho hàng chục héc ta; vừa giảm sức lao động, giảm thiểu độc hại cho lao động mà lại tiết kiệm được chi phí. Nhờ canh tác khoa học, ứng dụng công nghệ mà năng suất lúa tăng 5,5-8,3 tạ/ha; bà con chẳng những không bị lỗ mà có lãi khoảng 27 triệu đồng/ha khi trồng lúa.

Nhiều năm làm nghề hàng xáo nên bà Thủy hiểu rõ việc đảm bảo tiêu thụ sản phẩm là yếu tố quan trọng để sản xuất được bền vững. Hiện HTX của bà đang liên kết với một doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm tại các cửa hàng thực phẩm an toàn tại Hà Nội, xuất đi các tỉnh, thành và bước đầu xuất sang thị trường Đài Loan, Úc. 

Liên minh HTX Việt Nam đánh giá HTX Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết của bà Cao Thị Thủy là một trong những HTX có quy mô lớn, hiện đại và tiên tiến. Năm 2023, dự án “Phát triển vùng trồng lúa ứng dụng công nghệ thông minh và sản xuất gạo chất lượng cao” của bà Thủy là 1 trong 10 ý tưởng, sản phẩm sáng tạo được Hội LHPN Hà Nội biểu dương.


Ngọc Minh Tâm

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI