Bà giáo chăm làm việc thiện

06/08/2019 - 07:00

PNO - Sáng thứ Năm, 30/7, trong căn bếp nghĩa tình P.Cát Lái (Q.2, TP.HCM), đặt tại trụ sở Ban điều hành khu phố 2, cô Trịnh Thị Dung, 67 tuổi - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 2 - lúi húi vo gạo, nhặt rau...

Đều đặn vào sáng các ngày thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy hằng tuần, cô Dung và các chị em hội viên phụ nữ lại nổi lửa nấu 80 suất cơm tặng bà con diện hộ nghèo và cận nghèo. Bếp ăn được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường vận động gạo, mắm, tiền đi chợ; cô Dung và cán bộ, hội viên phụ nữ trực tiếp nấu nướng.

Ba giao cham lam viec thien
Bà Dung (thứ hai, từ phải qua) trao những phần cơm nghĩa tình được gói cẩn thận trong túi giấy cho người dân nghèo

Ngoài tham gia bếp nghĩa tình của P.Cát Lái, hơn ba năm nay, cô Dung còn tham gia bếp ăn nghĩa tình của P.An Phú (cũng ở Q.2), đỏ lửa vào ba ngày còn lại trong tuần với gần 150 suất cơm mỗi ngày để phục vụ cho người già bệnh tật, không nơi nương tựa, những người khó khăn, các em nhỏ nhặt ve chai, bán vé số… Từ nhà cô (gần Bệnh viện Q.2) đạp xe tới đình An Phú mất gần hai tiếng, mồ hôi ướt áo, nhưng cô vẫn vui, hạnh phúc khi thấy được niềm vui và hạnh phúc ở những người nghèo lúc đón nhận những suất cơm nghĩa tình.

Từ đầu năm 2019, cô Dung và nhóm cán bộ, hội viên các khu phố 1, 2, 3, P.Cát Lái còn rủ nhau góp tiền mở bếp cơm Nhân Ái, nấu các món bún xào, bún riêu, nui, bánh ướt với khoảng 500 - 700 phần vào ngày rằm, mùng Một để mang ra chợ Cây Xoài phân phát cho những người nghèo khó. Gần đây, do sức khỏe không cho phép nên cô Dung không tham gia vào bếp ăn nghĩa tình P.An Phú nữa để tập trung cho bếp ăn Nhân Ái.

“Tiền bạc không có nhiều, nhưng năm, mười người góp lại thì cũng mua được mớ rau, cân thịt. Trong nhóm chúng tôi có người buôn thúng bán bưng, người ở nhà thuê, cuộc sống cũng thiếu thốn, nhưng chúng tôi thấy việc nên làm thì rủ nhau tiết kiệm tiền chợ, trích lương hưu. Đồ ăn nấu xong được vào hộp sẵn. Ai cảm thấy đói lòng thì ghé lấy, xem như chúng tôi tặng cho anh chị em phần quà sáng để anh chị em ấm lòng” - cô Dung chân tình. 

Cô Dung cũng cho biết thêm ý định sắp tới của nhóm là sẽ cố gắng nấu thêm nhiều bữa hơn trong tháng. 

Cô Dung quê ở Quảng Ninh, tốt nghiệp Đại học Sư phạm ngành toán và từng có hơn 35 năm theo nghiệp trồng người tại các trường THPT ở Quảng Ninh. Năm 2007, sau khi nghỉ hưu, cô vào TP.HCM để gần gũi chăm sóc con gái (đang ở với ông bà ngoại ở Q.Bình Thạnh) và phụng dưỡng các đấng sinh thành. Ban đầu, cô dự định chỉ ở vài năm, nhưng mảnh đất phương Nam nghĩa tình đã níu chân cô ở lại. Rồi cha mẹ mất, con gái qua Mỹ tu nghiệp, nên năm 2013 cô chuyển chỗ ở ra P.Cát Lái, Q.2, sống một mình.

Tham gia công tác Hội, hằng ngày đạp xe rong ruổi khắp nơi, cô chứng kiến nhiều em bé bán vé số, chị công nhân quét rác, anh phụ hồ không dám ăn bữa sáng; những phận đời khốn khó, cô cảm thấy xót xa. “Có thể làm gì để những phận đời ấy bớt khổ, bớt cô đơn” - ý nghĩ ấy đã khiến cô ngày càng gắn bó với những việc thiện. 

THẢO NGUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI