Máy bay chuẩn bị cất cánh, tiếp viên đề nghị thắt dây an toàn, mọi người thở phào, đi cho rồi, bay lượn cái chi mà chậm như rùa. Bỗng có tiếng la: “Bay giết tau hả?”. Cô tiếp viên giật mình lao tới. Khách đổ dồn hướng tiếng kêu. “Dạ, có gì không bà ơi?”. “Bay lấy dây cột tau lại, định giết tau hả, quân ác nhơn ác đức, tổ cha bay”.
“Thôi mà, má ngồi im đi, không phải cột mà ai cũng thắt dây, để phòng dằn xóc”. “Tụi bay tưởng tau ngu hả, đường sá mô trên ni mà giằng với đẩy, mà bay đưa lên đây làm chi, kín mít biết chỗ mô tau ra, dẹp dẹp, tau về, heo gà bỏ nhà không ai ngó”. Tiếng cười rộ lên.
|
Ảnh minh họa |
Một khách hỏi đứa con bà: “Bà đi lần đầu hả chị?”. “Ai nói rứa, bay tưởng tau chưa đi hả?”. “Ủa, chứ má đi hồi nào ?”. “Hồi đó Mỹ xúc cả làng, ngồi trên ngó xuống, rớt là dồn xương liền”. “Má ráng ngồi chút là vô nhà anh Hai liền mà”. “Hai ba chi, lần sau đừng hòng tau đi”. “Không đi sao thấy mặt cháu nội?”. “Tổ cha bay, con theo cha mẹ, chừ đổi ngược mẹ cha theo con”. Máy bay bốc lên lấy độ cao: “Đó đó, chóng mặt xoay bồ bồ rồi đây, dẹp đi, bay với nhảy”…
Bao bận đi máy bay, mình hay chú ý mấy bà già. Con cái đi kèm thì đỡ, không thì lớ ngớ, nhà ga thì đông, chữ nghĩa mắt mũi lèm nhèm, loa phóng thanh thì léo nhéo, cứ sợ trễ chuyến sai đường, hay đưa cái vé ra hỏi có phải đi đó về đây không, gương mặt căng ra lo âu như sắp mất đi điều gì đó quý lắm. Nhận được cái gật đầu thì chăm chăm hướng cửa, thấy người ta xếp hàng liền dò dẫm tới; lúc máy bay trễ chuyến thì hay làu bàu “tốn mớ tiền, chờ mỏi rục cẳng, con cháu nói không nghe”.
Sao vẫn đăm đắm một điều rằng, xứ sở này, những bà mẹ được đi máy bay không nhiều nhặn lắm đâu. Quanh năm chỉ biết nhà cửa vườn tược, con cháu làm ăn xa khấm khá, hay vì lý do gì đó, muốn bà, mẹ đi máy bay cho khỏe, cũng là đi cho biết, cả đời có được đi bao giờ đâu, thế là đi. Bước lên máy bay là chuỗi xa lạ, chưa nói lo sợ vây kín, bởi quen đi dưới đất, giờ giao thân già lơ lửng trên trời, có hề chi thì sao.
|
Ảnh minh họa |
Người đàn bà ở quê, hễ nói chuyện đi máy bay là như thần thánh ảo mộng, như chuyện của ai, bởi chẳng có chuyện chi mà đi, con gà đàn heo mớ rau quấn chặt, những đồng bạc lẻ thấm mồ hôi buồn ủ mục như giấc ngủ vội vã. Và hơn nữa, cả đời nghèo thảm chưa từng nứt mọc giấc mơ xênh xang thong thả, những hạt sáng láng ngập tràn, mùi thơm của văn minh chưa hề và không hề nảy mầm trong gió bạt mưa xiên.
Tôi nhớ dì tôi, một người đàn bà từ lúc tôi biết đến giờ, quanh năm gập lưng bên nồi lửa làm bánh tráng từ ngày này qua tháng khác. Đứa con gái đi lao động ở Nga, gần 20 năm không về, chỉ điện thoại, gửi thư, lần nào nghe điện thoại xong, dì cũng thừ ra, không khóc, mà nhìn lặng phắt vào lửa, như muốn cháy hết đi nỗi lòng mẹ.
Một bữa, có người quen kết nối qua webcam, con hiện ra màn hình vi tính, dì la lên: “Con hả con, trời ơi mẹ đây, mà con ra đây chứ ở chi đó!”. Vừa nói dì vừa giơ tay chạm màn hình. Mẹ con cùng khóc. Con nói giờ con chưa về được, nhưng mua vé cho mẹ sang thăm chơi. Vừa nghe xong, bà phủi liền, thôi đi, mẹ không biết chi đâu, mà tốn tiền lắm.
Vậy đó. Một bữa chờ máy bay, lại trễ, một bà lầm bầm qua điện thoại: “Lần sau mẹ đi tàu, không thì xe, tiền mà mi làm như rác, ngồi miết đây chờ, bữa hôm qua mà đi thì chừ tới nhà rồi”. Loa kêu mọi người sắp hàng, lại nói máy bay sẽ đóng cửa trong vòng mấy phút nữa. Bất ngờ bà xỉa liền: “Đóng đóng con khỉ, tụi tau không đi, bay ăn cho hết, hồi nãy răng không hối mà bắt tau chờ”. “Vậy lần sau bác không đi nữa hả?”. “Đi chi, hắn ép tau chứ, bay với liệng, tùm lum chuyện ở nhà mà chừ còn xà quần đây”.
Tôi đi cùng bà lên máy bay, tay xách nách mang, bà điền vô chỗ trống liền, lát sau có khách nói đây là chỗ của họ, bà làu bàu chứ tôi chỗ mô, chỗ mô ngồi không được chứ. Tôi nhắc tắt điện thoại, bà im lặng, lát sau chuông rung, tiếp viên nhắc, bà cự: “Con hỏi đi chưa chứ có chi mô”, rồi quay sang tôi cười.
Bà nhìn ra cửa sổ, nơi đó đứa con bà ly hương lập nghiệp xứ người, bao bận nó kêu bà vô ở, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Hình như với bà, tự do chỉ thực sự ở trong khu vườn, là đường ngang lối dọc ở xóm, và ở đó, hiện hình đủ đầy đời sống lúc ngoằn ngoèo, lúc thẳng băng, lúc dậy sóng, lúc bình yên của cái cực, cực mà đơn giản.
Có mẹ cha nào luôn ao ước con được sung sướng, nghe con kể những điều kỳ diệu xa xôi mà nó được biết, được sống, thì như thấy mình đang tung bay tận hưởng, nhưng có bao nhiêu người bảo đổi lại vị trí mà họ chịu? Thói quen, đúng, niềm lo, lo cho mình lẫn cho con, cũng đúng, nhưng hình như có thêm một thứ khác, là họ không chịu chia sớt nỗi cô đơn cho con gánh gồng, mà chỉ mong con cứ thênh thang mà đi mà sống, mà hình như còn nữa, bầu trời rộng lớn, cha mẹ đều gói ghém cho phần con…
Tôi hình như đọc được điều đó, khi máy bay dừng hẳn, bà điện cho con: “Mẹ tới rồi nghe”, giọng rưng rưng trĩu nặng. Ở quê, bà sống một mình.
Trung Việt